Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triển vọng thị trường 2024

Sau những biến động trên thị trường tài chính vài năm gần đây, đến nay, đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đã chậm lại, một số chỉ báo kinh tế cho thấy đợt suy thoái đã qua đi.

Kinh tế thế giới đã trải qua biến động lớn trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 và những hệ lụy của nó như các gói kích thích kinh tế khổng lồ, áp lực lạm phát và các đợt tăng lãi suất liên tiếp từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã làm gián đoạn chu kỳ kinh tế vốn đang tăng trưởng ổn định. Chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm nảy sinh những lo ngại về một cuộc suy thoái và từ đó ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Tuy nhiên, nhiều số liệu cho thấy đà giảm tốc của nền kinh tế đã được hạn chế.

Tai chinh anh 1

Nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh bất ngờ, bất chấp lo ngại suy thoái. Ảnh: xtb.com.

Nhận định trên không chỉ đúng với một số chỉ báo kinh tế, mà còn thể hiện ở sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu dùng, đơn cử tại Mỹ. Doanh số bán hàng thực tế dù vẫn tương đối trì trệ trong 2 năm qua nhưng đã vượt xa xu hướng dài hạn nhờ các biện pháp bơm tiền ào ạt trong năm 2021.

Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong chu kỳ siết chặt mạnh mẽ nhất trong hơn 4 thập kỷ, do đó rủi ro vẫn hiệu hữu. Tuy nhiên đến hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ và nếu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu giảm lãi suất đáng kể trong năm tới, nước Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Từ năm 2020, giá vàng thế giới giao ngay đã giao dịch trong vùng 1.600 USD đến 2.000 USD/ounce. Với khả năng chu kỳ tăng lãi suất ở Mỹ sắp kết thúc, triển vọng giá vàng có thể sớm thoát khỏi mô hình sideway trên đang dần xuất hiện. Một kịch bản tương tự đã từng được ghi nhận ​​trong chu kỳ thắt chặt trước đó trong các năm 2015-2018, khi vàng cũng biến động quanh vùng từ 1.050 USD đến 1.350 USD và sau khi lãi suất được cắt giảm, giá vàng đã bắt đầu một xu hướng tăng rõ ràng.

Dữ liệu thống kê cho thấy mức tăng trung bình của giá vàng 2 năm sau lần tăng lãi suất cuối cùng là gần 20%. Nếu điều này lặp lại, vàng có thể vượt qua mức đỉnh lịch sử, đồng thời có khả năng đạt mức gần 2.400 USD. Ngoài ra, vàng thường tăng giá ngay trước và sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong một chu kỳ chính sách. Tuy nhiên, rủi ro đáng chú ý nhất với kịch bản này là khả năng lãi suất tăng trở lại, dẫn đến sức mạnh USD phục hồi và kéo theo lợi suất trái phiếu Mỹ cùng leo thang.

Nhìn về hướng phân tích cơ bản, nhu cầu về vàng tương đối trầm lắng trong năm nay. Tuy nhiên, do đồng USD yếu hơn, cùng việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng rupee của Ấn Độ mạnh lên, và việc các quỹ ETF vàng đã ngừng hầu hết hoạt động bán ròng, dòng vốn tiềm năng chảy vào các quỹ có thể kích thích thêm nhu cầu mua vàng vật chất.

Tai chinh anh 2

Biểu đồ trên thể hiện hiệu suất trung bình của vàng trước và sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong một chu kỳ. Ảnh: xtb.com.

Năm 2023, thị trường dầu mỏ đã duy trì sự ổn định, bất chấp 2 đợt cắt giảm sản lượng do OPEC+ thực hiện. Câu hỏi quan trọng cho năm 2024 là liệu các nước OPEC+, đặc biệt Ả Rập Saudi và Nga có muốn khôi phục một phần sản lượng đang bị cắt giảm hay không, khi điều này sẽ giúp cho cung cầu của thị trường trở nên cân bằng hơn. Nhưng triển vọng về nhu cầu năng lượng là điều chưa chắc chắn.

Trong khi Trung Quốc nối lên trong năm 2023 để trở thành nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, các nhà phân tích không chắc chắn liệu nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ có đủ để thúc đẩy sự phục hồi đáng kể của giá dầu hay không. Hơn nữa, các nước OPEC+, đặc biệt là Arab Saudi bày tỏ mong muốn giữ giá trong khoảng 80-100 USD/thùng. Điều này đến từ nhu cầu sụt giảm dẫn đến việc cắt giảm sản lượng từ các nhà sản xuất dầu lớn.

Ngoài ra, cả tình hình chính trị ở Trung Đông và cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ đều đang mang đến những yếu tố bất ổn. Một mặt, sự gia tăng xung đột tại khu vực Trung Đông có thể làm giảm nguồn cung sẵn có trên thị trường. Mặt khác, Tổng thống Mỹ Biden có thể đặt mục tiêu giảm hoặc ít nhất là ổn định giá nhiên liệu, đồng thời Mỹ cũng có thể khuyến khích các đồng minh Arab Saudi của mình tăng cường sản xuất để hoàn thành mục tiêu này.

Giang An

Bạn có thể quan tâm