Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triển vọng ngành xây dựng, vật liệu xây dựng nhờ sân bay Long Thành

Dự án sân bay Long Thành được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026.

Một phần dự án sân bay Long Thành từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sau nhiều lần hủy và gia hạn mời thầu, gói thầu xây dựng công trình hạ tầng lớn nhất Việt Nam - gói thầu số 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành đã chính thức đóng/mở thầu lần 2 vào ngày 12/6.

Doanh nghiệp xây lắp và đá xây dựng hưởng lợi

Theo đại diện của chủ đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đã có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (lần mở thầu đầu tiên chỉ có 1 liên danh). Đáng chú ý, cả 3 liên danh trên đều có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, kinh nghiệm và năng lực thi công tốt giúp gia tăng điểm thầu.

Trong báo cáo mới nhất về ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, các chuyên gia phân tích tại Công ty CP Chứng khoán VNDirect tin rằng gói thầu quan trọng này sẽ tìm được nhà thầu và chính thức khởi công trong tháng 8 năm nay (sau 2 tháng chấm thầu), tạo tiền đề giúp sân bay Long Thành đẩy mạnh tiến độ thi công.

Bên cạnh đó, VNDirect lưu ý rằng gói thầu tại các dự án sân bay thường được chủ đầu tư đối ứng vốn trong thời điểm khởi công lớn hơn (khoảng 30-50%) so với các dự án hạ tầng giao thông thông thường (10-20%), qua đó hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp trong ngành.

Long Thanh anh 1

Các nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án sân bay Long Thành. Nguồn: VNDirect.

Theo các chuyên gia phân tích, trong dự án thành phần 3 của sân bay Long Thành giai đoạn 1, có 4 gói thầu đáng chú ý gồm gói 3.4 (thi công san nền và thoát nước); gói 5.10 (xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách); gói 6.12 (xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay) và gói xây dựng đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay.

Các gói thầu còn lại chủ yếu có quy mô nhỏ hơn, bao gồm tư vấn giám sát, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thi công tường vây, bảo hiểm công trình…

Việc gói thầu lớn nhất 5.10 dự kiến được khởi công trong tháng 8 sẽ giúp các gói thầu khác sớm được triển khai trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo ACV, công ty kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026, chậm hơn kế hoạch ban đầu là năm 2025.

Với quy mô giá trị gói thầu lớn tại sân bay Long Thành, VNDirect nhận định các doanh nghiệp xây lắp được lựa chọn tham gia thi công đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2023-2026.

Cổ phiếu nào đáng đầu tư

Theo dữ liệu của VNDirect, các doanh nghiệp xây dựng niêm yết không trúng thầu trong lượt mở thầu đầu tiên của gói 5.10 bao gồm CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC); CTCP Xây dựng Coteccons (CTD); Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) và CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) sẽ tiếp tục tham gia các liên danh trong lượt mở thầu thứ 2.

Việc được lựa chọn tham gia thi công gói 5.10 sẽ giúp các công ty kể trên có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023-2026 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành.

Long Thanh anh 2

Thông tin chủ đầu tư và tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Nguồn: VNDirect.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) cũng sẽ là một trong những “ứng viên” cho gói thầu xây dựng đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay tại sân bay Long Thành. Công ty này đã có kinh nghiệm tham gia tại nhiều hạng mục thầu tương tự trong quá khứ tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc…

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, VNDirect cho biết do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.

Trong đó, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung cấp chính đá xây dựng cho dự án sân bay Long Thành nhờ sở hữu vị trí gần công trường nhất và chất lượng đá tốt.

Theo đó, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp niêm yết đang sở hữu mỏ tại cụm mỏ Tân Cang. Đáng chú ý, CTCP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) đang sở hữu mỏ Tân Cang 1 với công suất khai thác cấp phép lớn nhất là 1,5 triệu m3/năm, thời gian khai thác dài và trữ lượng còn lại tại thời điểm cuối năm 2022 lên tới 25,7 triệu m3.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho việc thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, dự án sân bay Long Thành sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, VNDirect tin rằng VCG, C4G và VLB sẽ là những doanh nghiệp đáng chú ý trong giai đoạn sắp tới khi hưởng lợi từ dự án đầu tư sân bay Long Thành.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

30Shine sắp được quỹ ngoại đầu tư 15 triệu USD

Nguồn tin của DealStreetAsia cho biết thương vụ giữa Excelsior Capital Việt Nam Partners và 30Shine gần như đã hoàn tất.

Tín dụng nửa năm chỉ tăng 3,36%

Theo số liệu của NHNN, tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm