Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tín dụng nửa năm chỉ tăng 3,36%

Theo số liệu của NHNN, tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là số liệu được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra trong buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, diễn ra sáng 21/6.

Cụ thể, theo Phó thống đốc Tú, ngay từ đầu năm, NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý với mục tiêu góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát đặt ra, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Nhà điều hành cũng đã chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế. Trong đó, đảm bảo tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai các gói tín dụng, chính sách hỗ trợ lãi suất như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội; gói cho vay ưu đãi lãi suất 2%/năm với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ…

Với định hướng kể trên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm kể trên là mức tăng thấp nhất trong hợp một thập niên trở lại đây (từ năm 2012). Thậm chí, mức tăng này còn thấp hơn cả giai đoạn 6 tháng đầu của năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Theo lãnh đạo NHNN, đây không phải con số tăng trưởng tín dụng cao nếu so với các năm trước.

TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG 6T ĐẦU HÀNG NĂM
Nguồn: SBV; Tổng hợp.
Nhãn20162017201820192020202120222023 (Đến 15/6)
Tăng trưởng tín dụng so với đầu năm % 8.219.017.827.363.656.449.443.36

“Ở góc độ NHNN, nhà điều hành cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không”, Phó thống đốc thông tin và cho biết thêm việc duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cần đi kèm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, và đây là bài toán khó của NHNN.

Theo Phó thống đốc, việc tín dụng tăng thấp từ đầu năm có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trong đó, có cả nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp của nền kinh tế.

Liên quan vấn đề cung ứng tiền, thanh khoản cho nền kinh tế, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay khi sự việc SCB nổ ra, đã có những dao động trong các ngân hàng thương mại về việc phải duy trì thanh khoản an toàn. Nhưng trong thời gian rất ngắn, NHNN đã có điều chỉnh để ổn định trạng thái, thanh khoản các ngân hàng thương mại tiếp tục được đảm bảo, thậm chí nâng cao hơn.

“Khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là không thiếu. Các dự án, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vốn, đảm bảo hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn là không thiếu vốn”, ông Tú nhấn mạnh.

Cũng theo Phó thống đốc, về vấn đề room tín dụng, trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 14-15%, ngay từ tháng 2, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 11%. Nhưng đến nay dư nợ cả nước mới đạt 3,36%, đồng nghĩa với hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu. Cùng với chỉ tiêu huy động vốn toàn ngành nửa đầu năm đạt 3,09%, thanh khoản trong nền kinh tế đang rất dồi dào.

“Rõ ràng các chỉ số này nói lên rằng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng đang rất sẵn sàng. Vì nhiều vấn đề mà nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại”, Phó thống đốc cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, việc điều hành chính sách tăng trưởng tín dụng đã, đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng và sẽ được triển khai quyết liệt.

Thêm nhiều ngân hàng tung gói vay giảm lãi suất

Các ngân hàng đã tung ra một loạt gói vay ưu đãi lãi suất nhằm kích cầu tín dụng, giúp người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

HSBC: Sẽ còn một đợt cắt giảm lãi suất điều hành vào quý III

Các chuyên gia phân tích tại HSBC cho rằng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong chu kỳ nới lỏng này để hỗ trợ thêm cho tăng trưởng.


Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm