Kể từ đầu năm nay, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu.
Với động thái này, các công ty xây dựng hạ tầng lớn được dự báo hưởng lợi và đang đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Trong đó, 3 yếu tố trợ lực của nhóm doanh nghiệp ngành này gồm giá trị backlog (khối lượng công việc) lớn sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng, doanh thu tại các dự án hạ tầng giao thông.
Kế hoạch năm tham vọng
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 và kết quả kinh doanh quý I của một số công ty xây dựng hạ tầng đang niêm yết. Nguồn: VNDirect. |
Trong báo cáo mới nhất về ngành xây dựng hạ tầng, các chuyên gia phân tích tại Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 đã có sự phân hóa giữa các công ty xây dựng hạ tầng trong ngành.
Đáng chú ý, CTCP Cienco4 (C4G) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay tăng trưởng mạnh 114% so với cùng kỳ. Trong khi Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), CTCP Lizen (LCG) lại giảm lần lượt 8% và 23%, chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần như trong năm trước.
Cụ thể, năm 2022, VCG ghi nhận 663 tỷ đồng lợi nhuận từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR), tương đương 67% lợi nhuận trước thuế trong năm. Trong khi LCG ghi nhận lãi 268 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi 2 dự án điện mặt trời, tương đương 109% lợi nhuận trước thuế cả năm.
Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận một lần này, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VCG, LCG vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, VNDirect cũng lưu ý rằng trong quá khứ, các công ty xây dựng hạ tầng thường xuyên không hoàn thành kế hoạch năm, có thể kể tới giai đoạn 2020-2022.
Kết quả kinh doanh trong quý đầu năm nay cũng đã phần nào phản ánh được kế hoạch kinh doanh cả năm. Theo đó, tất cả công ty đều ghi nhận tăng trưởng dương ở chỉ tiêu doanh thu so với cùng kỳ, tuy nhiên mới chỉ hoàn thành 8-12% kế hoạch cả năm, trừ CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) do mảng thu phí BOT chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu.
Lý do chủ yếu của xu hướng này là do đặc thù ngành, thường chỉ ghi nhận doanh thu lớn vào những quý cuối năm.
Giá trị backlog của các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu tại thời điểm cuối quý I. Nguồn: VNDirect. |
Theo các chuyên gia phân tích, sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog tăng đáng kể.
Đáng chú ý, giá trị backlog của HHV trong 3 tháng đầu năm là 3.135 tỷ đồng, gấp 6 lần so với trung bình doanh thu mảng xây lắp của công ty giai đoạn 2021-2022.
Việc các dự án hạ tầng giao thông thường được thi công trong 2-2,5 năm (giai đoạn 2023-2025), các công ty xây dựng hàng đầu đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu.
VNDirect lưu ý thêm rằng các công ty này vẫn đang có cơ hội tiếp tục giành thêm những gói thầu mới và trực tiếp hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Do đó, quy mô doanh thu của các công ty xây dựng hàng đầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Tuy nhiên, về mặt lợi nhuận ròng lại có sự hạn chế. Tương tự với kết quả kinh doanh thực tế trong quý I, doanh thu các công ty trong ngành ghi nhận tăng 35% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 83% chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần và chi phí lãi vay lớn hơn.
Yếu tố năng lực tài chính cũng sẽ quyết định đến khả năng sinh lời của các công ty hạ tầng xây dựng.
Cổ phiếu hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư hạ tầng
Với các yếu tố trên, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giai đoạn 2023-2025.
Các công ty đáp ứng tiêu chí như năng lực thi công tốt; tỷ lệ giá trị backlog/doanh thu lớn và sức khỏe tài chính lành mạnh sẽ có đà lợi nhuận tốt hơn.
Theo đó, C4G và LCG sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi hàng đầu. Động lực tăng giá là giá vật liệu xây dựng thấp hơn kỳ vọng, hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lưu ý có rủi ro giảm giá với các cổ phiếu ngành này bao gồm giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, và thiếu hụt vật liệu xây dựng do quá trình cấp phép khai thác tại các mỏ chậm hơn dự kiến.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...