Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà Trắng cảnh báo 3 kịch bản vỡ nợ của Mỹ

Các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng cho rằng Mỹ có thể rơi vào vỡ nợ trong dài hạn, khiến hơn 8 triệu người mất việc và một nửa giá trị thị trường chứng khoán bị "thổi bay".

Việc giải quyết "bài toán" vỡ nợ sẽ là một thử thách với chính quyền Tổng thống Biden. Ảnh: Bloomberg.

Báo cáo do Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden công bố hôm 3/5 đã làm rõ những rủi ro lớn nếu nước Mỹ không tăng trần nợ công, theo CNBC.

“Một vụ vỡ nợ kéo dài có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Hàng triệu người lao động có thể đối diện với nguy cơ mất việc làm”, các nhà phân tích kinh tế của Nhà Trắng nhìn nhận.

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trước đó vài hôm đã cảnh báo xứ cờ hoa có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6 nếu Quốc hội không đưa ra những hành động kịp thời.

Trong báo cáo này, Nhà Trắng chỉ ra 3 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế Mỹ, bao gồm trường hợp tránh được vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Theo đó, ngay cả khi Mỹ không chịu cảnh vỡ nợ, khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP trong năm vẫn bị suy giảm 0,3 điểm phần trăm.

Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm.

Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này sẽ tăng tới 5 điểm phần trăm.

Báo cáo nhấn mạnh kịch bản vỡ nợ kéo dài sẽ khiến xứ cờ hoa rơi vào tình trạng bế tắc suốt 3 tháng.

Dự đoán của các chuyên gia kinh tế tại Nhà Trắng tương tự đánh giá của Moody's Analytics. Hồi tháng 3, đơn vị này đã cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ kéo dài có thể khiến hơn 7 triệu người Mỹ thất nghiệp.

Các cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Washington đang căng thẳng với những nỗ lực nâng trần nợ công từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện tại. Lần gần nhất Mỹ nâng trần nợ công là vào tháng 12/2021.

Ngân hàng Thế giới có chủ tịch mới

Tân Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là ông Ajay Banga, một người Mỹ gốc Ấn Độ. Ông sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí này vào ngày 2/6.

Giá vàng trong nước tăng mạnh sau khi Fed tăng lãi suất

Giá vàng trong nước tăng mạnh vào sáng nay (4/5) sau khi cơ quan quản lý tiền tệ Mỹ quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm %.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm