Dẫu hôm nay nhiều dòng sông đã "qua đời”, nhưng ký ức một thuở bên những dòng sông ấy vẫn cứ là những chuyện kể mãi, kể mãi mà vẫn tươi mát, trong lành, vẫn sống động tâm trí.
Nguyễn Kim Huy đã kể cho độc giả về một dòng sông Trầu nơi miền quê nghèo xứ Quảng, nơi Hanh đã sống những ngày thơ ấu “dọc ngang”, được trìu mến bởi những tấm lòng như ông Sáu (Triền sông thơ ấu); là nơi lão Sầm suốt đời mang trong mình một ám ảnh buồn bã về chiến tranh, về cái chết của người vợ, đến nỗi phát điên (Lão Sầm); là nơi ông Hai Kiểu sống, rất thích khoác lác, nhưng không hề khiến dân làng ghét bỏ, mà còn tỏ ra thích thú vì sự thông minh nhanh trí của lão (Hai Kiểu xứ Đồng Nâu)...
Triền sông ấy cũng là nơi đã chứng kiến những đứa trẻ như Thành, như Hanh, và rất nhiều những khuôn mặt thơ ngây lấm lem khác lớn lên, chơi đùa, đến trường, và còn những mối tình chớm nở, những đơn phương, đau đớn đầu đời.
Dòng sông bao bọc tất cả, che chở tất cả. Và dung dưỡng những tâm hồn ấy lớn lên. Bao nhiêu đứa trẻ đã cất cánh bay đi, rất xa, nhưng vẫn ngậm ngùi luyến nhớ mãi.
Dòng sông trở thành một ký ức mênh mang và bồng bềnh mà mỗi người có thể mang theo suốt cuộc đời mình.
Tác phẩm Triền sông thơ ấu của Nguyễn Kim Huy. |
Nguyễn Kim Huy vốn là một nhà thơ nên cái nết văn của anh thực đượm đà, nhẹ nhõm, và thi vị. Viết được những nên thơ nhỏ bé ấy từ những chất liệu rất đời thường, rất chân chất quả thực không phải dễ. Nhưng Nguyễn Kim Huy đã viết thành công, vừa chững chạc vừa thơ trẻ.
Trong truyện ngắn Tôi đi học, Nguyễn Kim Huy viết về những ngày mùa đông giá rét, đạp chiếc xe cũ đến trường, trong lớp đứa nào cũng run lẩy bẩy.
Lúc ấy miền quê ấy ai cũng nghèo, trẻ con không được ăn cho no. Tối đến học bài đèn dầu nhiều khi cũng thiếu. Lại có những buổi lao động đột xuất, không mang theo gì ăn đói quá, cả lũ bạn hò nhau “ra quốc lộ 1, vừa dung dăng đi dạo giữa cái nắng trưa chang chang, vừa len lén bốc trộm khoai lát người ta phơi dọc hai bên đường bỏ vào miệng”...
Mảnh ký ức ấy, đứa trẻ nhà quê nào có lẽ cũng đã từng trải qua, đã tường tận lắm, mà giờ đọc lại cũng vẫn nôn nao nhớ, nhớ đấy mà không quay lại được nữa, nên càng ngậm ngùi. Đó cũng chính là cái chất thi vị đậm đà, rất tự nhiên tỏa ra từ những trang viết của Nguyễn Kim Huy.
Những truyện của anh vừa là truyện ngắn lại miên man trong một dòng chảy hoài niệm nên cũng rất gần với một tản văn hay một điệu thơ.
Triền sông thơ ấu là một tập sách giản dị, gợi nhắc về một khoảng trời quê hương rất xưa cũ. Hôm nay có lẽ lũ trẻ đọc những dòng này thấy xa cách vời vợi, nhưng cũng bởi thế mà càng hứng khởi, càng thích thú. Còn lứa độc giả lớn tuổi, những người đã làm cha làm mẹ, sẽ lại ngậm ngùi nhớ về tuổi thơ “lấm láp”, vất vả những đầy rực rỡ của mình.
Đọc Triền sông thơ ấu không chỉ cảm động bởi hoài niệm thơ trẻ, mà hơn hết cảm động bởi những tấm lòng chân tình vất vả mà mỗi người thôn quê dành cho nhau. Không chỉ có những đứa trẻ gắn kết với nhau bằng tình bạn thơ dại vui tươi, mà những người lớn sống nơi triền sông kí ức ấy, cũng gắn kết với nhau bằng tình làng nghĩa xóm chan chứa, ấm áp.
Cái tình nghèo chân chất ấy, dường như đều chất chứa thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người quê Việt. Bởi vậy, Triền sông thơ ấu trang văn nào cũng thấm đẫm thương yêu, thấm đẫm tình cảm. Độc giả vừa đọc vừa thổn thức, vừa mỉm cười.
Nguyễn Kim Huy không chỉ là nhà văn, anh còn là một nhà thơ với nhiều tập thơ viết về tình cảm quê hương rất được yêu thích như Thơ từ yên lặng, Nỗi lan tỏa của ngày...
Cả hai tập thơ đều đoạt giải thưởng của UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng rồi TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Kim Huy được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 ngay sau khi xuất bản tập thơ thứ hai. Hiện Nguyễn Kim Huy đang công tác tại NXB Đà Nẵng.