Sau tác phẩm Sài Gòn vẫn hát, cái tên UBee Hoàng đã không còn xa lạ với bạn đọc trên khắp cả nước. Cô đã để lại dấu ấn tối với bạn đọc và đến tác phẩm lần này UBee Hoàng cũng không làm người đọc thất vọng.
Tiếng đàn bà tập hợp nhiều bài viết nhỏ, xuyên suốt chủ đề tác phẩm là những nỗi niềm của người phụ nữ đang phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm. Tuy nhiên, cuộc sống của người con gái ấy không mang màu u ám, cô vẫn luôn giữ thái độ sống lạc quan, biết chắt lọc và tìm kiếm niềm vui cho mình trong những điều bình dị nhất.
Những mẩu chuyện ấy bao quát tất cả mọi khía cạnh cuộc sống của người phụ nữ, về chính mình, viết về con hay những người sống xung quanh… Trong đó có cả cảm xúc bất chợt rất đàn bà được tác giả viết ra dưới ngòi bút đầy niềm vui, tự tại trong đời sống và cả suy tư của chính mình.
Những cảm xúc ấy đến bất chợt, có thể trong lúc cô mở toang cửa sổ đón ánh mặt trời ngày mới, cũng có khi chỉ là chợt nhìn thấy cái cây, khóm hoa bên đường hay khi xuống phố gặp bạn thân, vào bếp, chơi cùng con, thậm chí khi đêm về một mình cô quạnh…
Bằng chính những trải nghiệm của cá nhân, Ubee Hoàng đã khéo léo dẫn dắt người đọc đến với một thế giới vô cùng quen thuộc nhưng không nhàm chán. Trong thế giới nữa tác giả vẽ lên ấy vô cùng biến hóa: đời sống và suy tư của những người phụ nữ.
"... hôn nhân giống như tờ vé số mình mua. Có người mời mình lập tức từ chối. Người khác mời mình cũng từ chối, họ mời hoài mình mua đại. Có khi từ chối hàng tá người, tới khi mệt mỏi quá, mời thì mua. Có khi, nhìn mặt người bán tự dưng có cảm tình, thế là mua mà chẳng quan tâm mình mua của đài nào, số gì, vậy mà trúng. Cũng có khi mua vì tội, vì thương hại, mua xong cũng chẳng quan tâm đã bỏ nó ở đâu. Lại có lúc, nhìn người bán dễ thương, con số đẹp thấy thích, đài nào đó quê mình, quê bạn mình, cảm giác vui vẻ khi mua, lưu tâm tra dò, vậy chứ trật lất."
Lãng mạn và ý nghĩa là hai cảm xúc mà bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn tản văn mới nhất của cô mang tên Tiếng đàn bà. |
Nhà thiết kế Chương Đặng cho rằng Tiếng đàn bà là trải lòng của một người phụ nữ có thể gom nhốt những nỗi nhọc nhằn đời sống vào những góc riêng biệt của cuộc mưu sinh.
Thật vậy, đọc những trang viết của Tiếng đàn bà luôn mang nhiều cảm xúc, bạn đọc dễ thấy được hình ảnh người phụ nữ kiên cường với một trái tim đa cảm. Cô trân trọng ký ức, đôi khi vẫn tự ôn lại kỷ niệm cũ mặc cho kỷ niêm ấy có thể chính là vết cắt trong lòng.
Theo tác giả, ký ức dù tốt đẹp hay mang đớn đau đều quan trọng với chúng ta, bởi đây chính là minh chứng cho một thời ta từng hết lòng như thế.
Bên cạnh đó, Ubee Hoàng cũng gửi gắm nhiều tâm tư cho con khi thực hiện tập sách. Cô không giấu đời sống riêng của mình mà sẵn sàng đem chúng chia sẻ với bạn đọc. Do vậy, đâu đó trong Tiếng đàn bà, độc giả sẽ thấy những dòng tâm sự của cô dành cho người con - những đứa trẻ đang dần lớn lên.
“Saphta, quyển sách này là món quà mẹ dành tặng riêng con. Sẽ là niêm tự hào khe khẽ khi có tên mẹ trên bìa sách để con khoe bạn bè, như mình từng nói với nhau. Mai sau lần giở lại những trang này, biết đâu đó con gặp lại chính mình. Cũng đàn bà, cũng vụn vặt đời thường mà mênh mông cõi lòng như tụi mẹ vậy”.
Những sẻ chia trong cuốn sách không phải của một người đi trước mà là người bạn đồng hành. Ubee Hoàng xem con như một người bạn, tác giả nói với con những điều con có thể nhận biết và chưa nhận biết được, như cả một thoáng chông chênh của mẹ.
Qua đây ta thấy rằng, những đứa trẻ ấy quan trọng đối với cô biết nhường nào. Ubee Hoàng luôn dành cho con sự tôn trọng lẫn yêu thương… Như cách mà một bà mẹ đơn thân trò chuyện với con - một chuyện rất đời thường của đàn bà. Và với vai trò của một người mẹ cô không chỉ dạy dỗ mà để biết về con như một nhân cách độc lập, để hiểu rằng phần lớn cuộc đời của chúng sẽ không có, thậm chí không cần ta bên cạnh.
Qua bốn phần của tập sách, Ubee Hoàng cho ta thấy được những mảnh đời, mảnh tình nhiều màu sắc. Dù những mối quan hệ ấy có trọn vẹn hay không thì cái thứ “tình” mà Ubee Hoàng kể lại chính là tiếng lòng của đàn bà.