Đặc biệt, Nguyễn Thị Bích Nga bị ấn tượng bởi những con vật nhỏ dễ thương mà chị gặp trên đất Mỹ.
Đó là câu chuyện cảm động về những chú cá hồi “bơi ngược về nguồn” ở dòng sông Redwood Creek tuyệt đẹp miền Bắc California, về chú sóc mẹ không muốn ai đụng vào thùng thư “là chỗ đứa con của nó bị rơi xuống, và rồi bị chết đói sau khi cánh cửa khóa lại” hay câu chuyện về “chiếc mỏ giả” của chú kéc Owen ở vườn thú San Diego.
Có những câu chuyện kỳ lạ như cổ tích về chú “cá sấu Monster trên sân golf” ở Florida, chuyện vui vui về một con chồn hôi dễ thương, hay câu chuyện thú vị về đôi chim đại bàng đầu bạc – biểu tượng của nước Mỹ, làm tổ, đẻ trứng và sinh con ngay trên nóc tòa nhà Quốc hội trước sự giám sát của nhiều camera an ninh.
Trong tác phẩm, nữ nhà văn cũng khiến độc giả nhiều phen ngỡ ngàng với những khác biệt về văn hóa như chuyện cảnh sát sau khi nhận được điện thoại ngay tắp lự đã tới giúp đỡ đàn gà băng qua freeway hay việc tác giả suýt bị phạt vì tội dám nuôi mẹ con vịt trời “mỏi cánh” “dừng bước giang hồ” ở vườn sau. Đọc Một ngày sau tay lái độc giả sẽ được trải nghiệm một nước Mỹ với nhiều điều thú vị cùng với một tài xế lái xe tải xuyên bang.
Cuộc sống của loài vật qua con mắt của nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga trở nên sống động và có hồn, có cá tính riêng, có xúc cảm, có hỉ nộ ái ố chứ không chỉ là những con vật thông thường.
Tập sách Đừng giẫm lên cỏ của Nguyễn Thị Bích Nga. |
Đừng giẫm lên cỏ cũng cho thấy một Nguyễn Thị Bích Nga nhẹ nhàng, tinh tế, luôn nâng niu những vẻ đẹp mong manh của cuộc sống. Đừng giẫm lên cỏ, vì trong cỏ không chỉ là cỏ, mà còn có những con giun, con dế, đom đóm, ốc sên, cuốn chiếu, và “đừng giẫm lên cỏ, đừng đánh thức cỏ, vì cỏ đang ngủ”. Cỏ cây cũng có hồn, có xúc cảm.
Trong tập truyện, Nguyễn Thị Bích Nga sử dụng ngôn ngữ thật tươi mới, trẻ trung, với các tiếng lóng, các từ mang tính công nghệ của các bạn trẻ hiện đại, như selfie, online, like, comment, gameshow, okay… khiến các câu chuyện trở nên thật gần gũi, tự nhiên.
Những truyện ngắn cũng hé lộ cho độc giả thấy nhiều nét văn hóa khác lạ, thú vị và văn minh ở xứ cờ hoa và nhiều nền văn hóa khác mà nhà văn có dịp trải nghiệm.
Nhưng đặc biệt, trong mỗi truyện ngắn ấy, độc giả cảm nhận rõ nỗi lòng của những người con xa xứ “mang theo nỗi nhớ nhà đau đáu”.
Nhà văn Nguyễn Thị Bích Nga hiện đang định cư tại bang California, Mỹ.
Chị là người có duyên với giải thưởng trong các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi. Ngoài Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1995 với tập truyện vừa Nhạc giữa trời, chị còn nhiều lần đoạt giải thưởng trong các cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch.
Các tác phẩm đã xuất bản: Nhạc giữa trời (truyện vừa), Chuyện huynh và muội (truyện dài, 10 tập), Chiếc gương thời gian (truyện dài, 20 tập), Những nốt nhạc vui (tập truyện ngắn); dịch bộ truyện nhiều tập của Road Dahl; viết lời cho bộ sách tranh hướng nghiệp Những người sống quanh em.