Afghanistan trong Người đua diều (The Kite Runner) là một giấc mơ ấu thơ đẹp đẽ, sự đẹp đẽ được reo rắc, ươm mầm từ những hoài niệm, xót thương, ẩn ức. Cậu bé Amir đi xa Kabul đến vạn dặm vẫn khắc khoải về một góc phố, về một ngôi nhà, về một ấu thơ thấm đẫm nỗi niềm.
Người đua diều ngay khi ra mắt đã trở thành hiện tượng xuất bản. Tác phẩm đầu tay của bác sĩ Khaled Hosseini trở thành “best seller” trong nháy mắt. Người Mỹ kinh ngạc và lặng đi trước một Afghanistan đau thương nhưng lấp lánh giấc mơ.
Afghanistan trong Và rồi núi vọng (And the Mountains Echoed) là một giấc mơ thăm thẳm đau đớn. Ở đó, đói nghèo đặt dấu vết lên từng nhân vật, chiến tranh tàn phá từng số phận, sự đau khổ, trống rỗng hủy hoại từng cuộc đời.
Những số phận mang hình hài Afghan
Shadbagh (một địa danh ở Pakistan) không hiểu vì sao được đặt tên cho ngôi làng của Afghanistan - nơi Hosseini bắt đầu câu chuyện của mình.
Người cha Saboor nghèo khổ, gia cảnh kiệt quệ sau cái chết của đứa con trai chưa đầy tuổi hồi mùa đông đã quyết định bán cô con gái Pari cho một gia đình giàu có ở Kabul.
Hành trình kéo xe của Saboor từ Shadbagh đến Kabul như vô tận, lết theo đó là nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Saboor không có sự lựa chọn. Nghèo đói đã trĩu nặng trên vai ông. Sự trong sáng, thơ ngây của 2 đứa con dày vò, hành hạ ông.
Và cuộc chia ly ở Kabul đã xô đẩy cuộc đời mỗi người trong số họ theo những hướng khác nhau, Pari ở lại với gia đình giàu có trong cô đơn, trống rỗng. Ông bố Saboor, người anh trai Abdullah trở về Sadbagh trong nỗi đau đớn dày xéo họ suốt phần đời còn lại.
Và rồi núi vọng là cuốn sách thứ 3 của bác sĩ Hosseini. Trước đó, anh đã từng viết Người đua diều và Ngàn mặt trời rực rỡ, đều để lại ấn tượng mạnh mẽ về đất nước Afghanistan. Cuốn Người đua diều được chuyển thể thành phim năm 2007. |
Và rồi núi vọng được kể theo thời gian phi tuyến tính. Mỗi chương là một dấu mốc thời gian. Mỗi dấu mốc thời gian là một cuộc đời.
Từ cuộc chia tay Kabul, diễn biến câu chuyện vừa như có sự sắp đặt, vừa như chẳng hề có sự sắp đặt nào. Những nhân vật đến rồi đi. Nhiệm vụ của họ là kể câu chuyện của mình, sứ mệnh của họ là một nút thắt, một dấu chấm trên hành trình cuộc đời đằng đẵng với chằng chịt các mối quan hệ kết nối.
Theo nhiều cách, số phận đẩy chúng ta ra xa nhau, rồi kết nối lại bằng những biến cố, bằng những sợi dây vô hình.
Những số phận Afghan trong Và rồi núi vọng bị xô đẩy, bị vùi dập, bị hủy hoại, bị chia cắt trong bối cảnh đất nước chiến tranh kéo dài.
Cuộc chiến của Mỹ, sự can thiệp của người Nga, sự tàn bạo của Taliban đã chia cắt Afghanistan thành từng số phận nhỏ. Dưới ngòi bút của Hosseini, “ở Kabul, mỗi một dặm vuông có cả ngàn thảm kịch”.
Ông lão Nabi bám trụ ở Kabul để chứng kiến cuộc sống thay đổi theo chiến sự. Pari bị xô đẩy đến Pháp với khoảng trống vô tận trong lòng. Abdullah bằng cách nào đó đã đến Mỹ với câu hỏi của cả cuộc đời: em gái đang ở đâu? Anh em Timur, Idris từ Mỹ trở về Afghanistan mang theo những mục đích riêng. Markos vòng quanh thế giới để tìm bản ngã. Gia đình Parwana trôi dạt theo cuộc di cư tị nạn ở Pakistan…
Mỗi người trong số họ đều mang những bi kịch riêng, những gương mặt riêng của một người Afghan đặc trưng. Cùng quẫn và bế tắc. Day dứt và bất lực. Đau đớn và kiên cường.
Nỗi đau của nhà văn giấu trong từng nhân vật
Chất chứa đằng sau mỗi số phận là nỗi xót thương hoang hoải và trĩu nặng tâm tư của tác giả. Tưởng như, nỗi niềm dân tộc, nỗi niềm Afghanistan khiến tác giả đau đớn trong cả những giấc mơ.
Khaled Hosseini sinh năm 1965 tại Kabul, Afghanistan. Anh và gia đình rời Kabul sang Paris năm 1976. Năm 1980, gia đình Hosseini được chính phủ Mỹ bảo hộ, họ sang California và định cư tại đó đến nay. |
Đằng sau một Pari tha hương bé nhỏ, là những con chữ len lỏi nói về sự mạnh mẽ. Đằng sau một Roshi bất hạnh là niềm kiêu hãnh âm thầm về sự kiên cường của dân tộc Afghan.
Hay, đằng sau bác sỹ Idris là thấp thoáng những nỗi day dứt, dày vò của chính tác giả, khi tận mắt chứng kiến cả ngàn thảm kịch ở Kabul, Idris trở về Mỹ nhìn cuộc sống giàu sang, xa hoa thấy như lạc lõng, như nực cười, như vô vị.
Khi nhìn những đứa trẻ bị bỏ đói, bị hãm hiếp, bị giết hại ở Afghan, cuộc sống nhung lụa ở California bỗng trở nên tội lỗi. Idris đã nghĩ đến việc xây dựng một rạp chiếu phim mini trong nhà, và thấy như muốn khóc khi số tiền đó có thể xây được một ngôi trường ở Afghan.
Chỉ tiếc, Hosseini đã quá tham nhân vật, quá tham diễn giải về những số phận, đôi khi, anh để mình lan man, và trượt quá xa câu chuyện chính. Khi độc giả chờ đợi một sự quay về, chờ đợi một lần gặp gỡ, chờ đợi một kịch tính, Hosseini lại để mình lạc đi trong những mối quan hệ rối bời.
Kể từ Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ đến Và rồi núi vọng, câu chuyện trở đi trở lại với Hosseini, là ở Kabul, cứ một dặm vuông có cả ngàn thảm kịch.
Đọc Và rồi núi vọng để thấy, trong từng câu chữ, trong từng nỗi nhớ thương, trong từng hoài niệm, trong cả những nỗi đau đớn khôn nguôi là một giấc mơ Afghan thăm thẳm.