Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ cãi lời cha mẹ, nghịch ngợm có bị coi là hư?

Người lớn đôi khi gắn nhãn “quậy phá”, “gây lộn” cho hành động tò mò, trái lời của trẻ. Bằng sự bao dung, đồng hành cùng con, cha mẹ có thể giúp bé phát triển cảm xúc, nhân cách.

Một bà mẹ trẻ đi gặp bạn và đưa con nhỏ đi theo. Dù mẹ nhắc nhở vài lần, đứa bé vẫn không chịu chào người lạ, thậm chí còn đưa ra vẻ mặt không thân thiện. Nhìn cảnh tượng ấy, có thể người lớn sẽ buột miệng: “Hư thế” hoặc “Bạn này trán dô, tính bướng bỉnh đây”.

Trước những nhận xét như vậy, cha mẹ sẽ phản ứng như thế nào? Sẽ nổi đóa lên hay từ từ “nuốt trôi” cơn giận rồi tìm cách giáo dục con phù hợp?

Tre ngoan anh 1

Lập tức quát mắng và ép con vào khuôn khổ đôi khi ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Ảnh: Workingmother.

Hãy để trẻ được chủ động

Dù là giáo viên tiếp xúc nhiều trẻ em, chị Trần Tâm Trang vẫn là “tấm chiếu mới trải” trong vai trò làm mẹ của con 20 tháng tuổi. Từng loay hoay, lúng túng khi nuôi dạy con, chị Trang tâm đắc với những điều mà Nobuyoshi Hirai viết trong cuốn Trẻ ngoan - trẻ hư.

Trong buổi giao lưu sáng 8/5 tại phố sách Hà Nội, chị Trang chia sẻ cuốn sách nêu tình huống con cái bị nhận xét “hư”. Khi ấy, phụ huynh không nên tiêu cực, bởi chúng ta đang nhìn sự việc theo con mắt của người lớn. Hãy chậm lại một nhịp, nhìn nhận lại về con mình.

“Trẻ con là tờ giấy trắng, ta hãy lắng nghe và bao dung, đón nhận con, tôn trọng sự khác biệt và hướng dẫn con từ từ”, chị Trang nói.

Trong cuốn sách, tác giả Nobuyoshi Hirai cho rằng khi trẻ có hành động mà người lớn không hài lòng, không nên lập tức quát mắng, “lên lớp” hoặc giúp trẻ giải quyết ngay rắc rối. Cha mẹ hãy giao phó và dõi theo hành động của trẻ.

Tác giả nêu tính sáng tạo được củng cố, phát triển của tính chủ động. Bởi thế, ông nhiều lần nhắc tới cụm từ “tính chủ động” trong sách. Để nuôi dạy trẻ chủ động, cần thiết cho con em sự tự do. Nếu muốn trẻ được tự do trong suy nghĩ, hành động thì việc dõi theo trẻ là quan trọng.

Tre ngoan anh 2

Sách nêu góc nhìn bao dung về hành vi, phản kháng của trẻ. Ảnh: Y.N.

Dõi theo ở đây là vừa quan sát những gì trẻ đang làm, vừa không lên tiếng hay giúp đỡ, “phó thác” cho trẻ. Việc “phó thác” cho trẻ tự do ở đây không phải là rũ bỏ trách nhiệm, bỏ mặc trẻ.

Quan sát trẻ làm nhưng không bình luận hay giúp đỡ là việc khó với cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh tin rằng lên tiếng giúp đỡ là cách dạy con. Tuy nhiên, im lặng quan sát cũng là cách giáo dục, từ những quan sát đó, cha mẹ có thể học được cách giao tiếp và giúp đỡ trẻ một cách thích hợp.

“Đặc biệt với trẻ từ bậc tiểu học trở lên, tôi rất khuyến khích các mẹ hãy thực hiện việc giữ im lặng. Nếu làm được điều này, trẻ sẽ có thể hành động và học hỏi tích cực bằng chính năng lực của bản thân. Nhờ vậy, các vị phụ huynh cũng sẽ có niềm tin hơn vào khả năng của con cái mình. Nếu bố mẹ có thể tin tưởng vào con mình, thì trẻ nhất định sẽ đáp lại sự tin tưởng đó”, Nobuyoshi Hirai viết trong sách.

Tre ngoan anh 3

Đừng vội dán nhãn "hư" khi trẻ nghịch ngợm hoặc không nghe lời. Ảnh: Y. N.

Cảm thông để đồng hành cùng con

Đồng quan điểm với những trang viết trong sách, chị Lê Phương Thúy, một phụ nữ 32 tuổi đang nuôi dạy 3 con ở Hà Nội, cho biết chị lựa chọn cách đồng hành với con. Thời gian đại dịch vừa qua, chị Thúy phải “đóng rất nhiều vai”: Khi làm mẹ; khi cô giáo giám sát con có ngồi học đúng giờ, đúng tư thế không, đã hoàn thành bài chưa; khi là bạn để cùng vui chơi với con…

Bù lại, khi cùng học, cùng chơi, chị Thúy hiểu con hơn. Trong điều kiện bình thường, con học ở trường, có những nét tính cách có thể con chỉ bộc lộ với thầy cô, bè bạn.

“Chứng kiến những nét tính cách mà có thể con chỉ bộc lộ ở trường, cha mẹ có thể thừa nhận cá tính đó và đồng hành kịp thời với con”, chị Thúy nói.

Quan sát, bao dung và đồng hành kịp thời với con cũng là điều Nobuyoshi Hirai phân tích, khắc sâu trong cuốn sách của mình.

Một em bé trong thời gian chập chững đầu đời luôn muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Đôi khi, sự tìm tòi, khám phá mạnh mẽ của trẻ thường được người lớn giàu trải nghiệm gọi là “nghịch ngợm”.

Trẻ ở tuổi mầm non, tiểu học muốn làm theo ý mình, theo hành động của mình bất luận kỳ vọng của cha mẹ lại bị gắn mác “bướng” hoặc “nổi loạn”. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ mong muốn con mình ngoan ngoãn, tìm mọi cách đưa trẻ vào khuôn khổ.

Nobuyoshi Hirai khuyến khích các bậc phụ huynh bỏ qua kỷ luật hà khắc để nuôi dạy con bằng sự thấu hiểu và cảm thông. Sự cảm thông là khả năng đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ, cảm thông với cảm xúc của người đó.

Khi cha mẹ cảm thông, khả năng này cũng được hình thành, bồi dưỡng ở con trẻ. Điều đó giúp trẻ tự mình suy nghĩ, phán đoán được hành động của bản thân có khiến ai khổ sở, buồn bã hay không, trẻ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình, tiếp tục làm hay dừng hành động đó.

Đứng trên lập trường đó, người lớn sẽ thấy có sự sáng tạo trong hành động “nghịch ngợm” của trẻ; nhận ra khi trẻ đang “cãi” chính là lúc trẻ hợp tác tìm cách giải quyết vấn đề; những biểu hiện của “chống đối” chẳng qua là sự quy chụp của người lớn, trong sự “chống đối” ấy có hạt giống của tính chủ động. Chính sự bao dung, quan sát, chậm rãi đồng hành của người lớn sẽ nuôi dạy nên một đứa trẻ ngoan.

Giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên

Bộ sách “Em yêu Việt Nam mình” tạo ấn tượng cho các bạn nhỏ bởi khung cảnh núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ cùng bài học về lòng tốt và sự kết nối giữa con người với loài vật.

Nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho giới trẻ

Một số cuộc thi viết, giải thưởng đã tìm ra những cây bút triển vọng, đồng thời khuyến khích, nuôi dưỡng tình yêu văn chương nơi người trẻ.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm