Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phương pháp nuôi dạy trẻ tự chủ

Không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, từ bỏ thói quen dùng hình phạt với con là những phương pháp nuôi dạy trẻ trưởng thành một cách khoa học, văn minh.

Đối với nhiều gia đình, cha mẹ thường dùng hình phạt để dạy bảo con. Nhưng đã bao giờ họ tự hỏi hành động đó có giúp trẻ tiến bộ và đem lại hiệu quả lâu dài hay không? Nếu có hiệu quả thật thì tại sao phải áp dụng nó thường xuyên, lặp đi lặp lại với cấp độ phạt nặng hơn?

Một số chuyên gia tâm lý, giáo dục trên thế giới chỉ ra rằng cha mẹ thông minh là người không kiểm soát quá sâu đời sống của con, mà phải biết chủ động dẫn dắt, gợi mở tình huống và tạo dựng cho con bản lĩnh tự chủ.

sach nuoi day con anh 1

Sách của TS William Stixrud và Ned Johnson. Ảnh: Thu Huệ.

Giúp trẻ phát triển nội lực

TS William Stixrud và Ned Johnson trong cuốn Nuôi dạy đứa trẻ tự chủ chỉ ra số liệu được nghiên cứu vào những năm gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm và tổn hại về tinh thần ngày càng cao. Nguyên nhân nằm ở sự kiểm soát, can thiệp quá mức của cha mẹ.

Điều này dẫn đến nhiều trẻ không có quyền tự quyết, từ đó, suy giảm sức khỏe tinh thần, bộ não và tinh thần tự chủ trong học tập cũng như đời sống hàng ngày.

Theo hai tác giả, cha mẹ thường có thói quen uốn nắn trẻ đi theo hướng mà mình mong muốn, làm những việc mà họ nghĩ là tốt nhất. Nhưng thực ra, chính sự kiểm soát này đã lấy đi của trẻ sự mạnh dạn, khả năng đối mặt, giải quyết vấn đề.

Hiểu được điều đó, hai tác giả tiết lộ cách cha mẹ có thể chủ động giúp con trẻ “điêu khắc” một bộ não kiên cường, bản lĩnh tự tin, sẵn sàng đón nhận những thách thức mới và tự vạch ra lộ trình của bản thân.

Cuốn sách giúp các bậc phụ huynh nhận ra rằng không nên gây áp lực cho con, thay vào đó, nên chuyển sang mô hình “nuôi dưỡng động lực nội tại” ở trẻ.

Thông tin trong sách được viết dựa trên sự kết hợp giữa khoa học não bộ và phương pháp trị liệu hành vi. Tuy nhiên, không vì thế mà cuốn sách trở nên khó hiểu, học thuật bởi hai tác giả đã chọn lọc và giải thích cặn kẽ từng chi tiết cùng những minh họa điển hình giúp các bậc phụ huynh dễ dàng tiếp cận.

“Stixrud và Johnson cung cấp cho cha mẹ những chiến lược và gợi ý có cơ sở nhằm giúp trẻ đối mặt với những vấn đề trong học tập và cuộc sống. Hai tác giả đưa ra những trường hợp đầy thuyết phục về việc làm thế nào để cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua cảm giác căng thẳng và bất lực, để cảm thấy được yêu thương, tin tưởng và hỗ trợ”, trang Publishers Weekly đánh giá.

sach nuoi day con anh 2

Cuốn sách chỉ ra 13 phương pháp tốt nhất để thể hiện tình yêu thương vô điều kiện với con trẻ. Ảnh: Q.V.

Chuyển từ hình phạt sang yêu thương và lý lẽ

Alfie Kohn là tác giả của 14 cuốn sách về hành vi con người, chủ đề giáo dục và phương pháp nuôi dạy trẻ được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Ông viết Cha mẹ vô điều kiện với mong muốn trao cho cha mẹ chiếc chìa khóa để mở cánh cửa yêu thương vô điều kiện giữa họ và con cái.

Cuốn sách mang đến cho các bậc phu huynh góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về tình yêu thương và cách thể hiện tình yêu ấy đối với con trẻ.

Nhiều cha mẹ thường thỏa thuận với trẻ những câu như: “Nếu con không ngồi yên, mẹ sẽ không cho con đi siêu thị nữa”; “Nếu con không trật tự thì con sẽ không được ăn tối”... Tất cả điều đó vô tình khiến người lớn áp đặt điều kiện cho thứ tình yêu vốn thiêng liêng và thuần khiết nhất.

Theo tác giả, trách phạt, mắng mỏ con mỗi khi con mắc lỗi, hay dùng phần thưởng để khuyến khích con mỗi khi con đạt được thành tích mà cha mẹ đã áp đặt trước đó sẽ khiến trẻ dễ mất đi “động lực nội sinh”. Đây không còn là cách nuôi dạy hiệu quả trong thời đại ngày nay.

Qua đó, ông chỉ ra 13 phương pháp tốt nhất để thể hiện tình yêu thương vô điều kiện với con trẻ mà không cần dùng đến hình phạt hay phần thưởng. 13 phương pháp đó đều nhấn mạnh yếu tố tạo ra tình huống, trao cho trẻ cơ hội quyết định và tự tưởng tượng ra thế giới quan của mình.

sach nuoi day con anh 3

Sách về phương pháp dạy con của GS Ohmae Kenichi. Ảnh: E.H.

Phương pháp giáo dục con của gia đình Nhật

Tự nảy mầm, tự vươn lên là cuốn sách kể về phương pháp giáo dục con của gia đình GS Ohmae Kenichi, người được biết đến là thành công cả trong sự nghiệp công việc lẫn trách nhiệm làm cha.

Theo ông, mục tiêu trung tâm của giáo dục gia đình là hình thành cho con “năng lực sinh tồn” chứ không phải uốn nắn con trưởng thành theo cách mà người lớn muốn. Do đó, cuốn sách giúp bạn đọc lý giải tốt hơn những băn khoăn mà bản thân đang đặt ra trước phương pháp giáo dục hiện đại trong gia đình và tiếp thêm cho cha mẹ cảm hứng, niềm tin trên hành trình nuôi dạy con.

Trong sách, Ohmae Kenichi chia sẻ cách dạy con của mình. Ông luôn chú ý hướng dẫn con trở thành người có trách nhiệm mà không can thiệp, bảo bọc con quá mức vì điều đó chỉ khiến con trở thành người ích kỷ và mất đi năng lực sống tự chủ.

Bên cạnh việc truyền cho con “năng lực sinh tồn” và những kỹ năng sống quan trọng, Ohmae Kenichi cũng truyền cảm hứng tới độc giả những nguyên tắc để giữ cho cha mẹ luôn hạnh phúc bên con cái.

Nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0

“Con an toàn, mẹ yên tâm”, “Nuôi con 4.0” hay “Gen Z trong kỷ nguyên số” là những cuốn sách cung cấp kỹ năng nuôi dạy con trong thời đại hiện nay.

Làm thế nào để dạy trẻ quản lý tài chính?

Bộ sách “Dạy con tài chính”, cuốn “Thương vụ nước chanh” hay “Tiền không mọc trên cây” trả lời cho câu hỏi đó.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm