Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà thiết bị công nghệ mang lại. Tuy vậy, sử dụng thiết bị công nghệ sao cho hiệu quả, nhất là tránh để trẻ em lạm dụng điện thoại thông minh, công cụ kết nối Internet là vấn đề mà nhiều phụ huynh trăn trở.
Một số cuốn sách có nội dung thay đổi nhận thức của cha mẹ và cung cấp phương pháp sử dụng thiết bị số hiệu quả.
Sách Offline - Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội. Ảnh: Tân Việt. |
Offline - Giải phóng tâm trí khỏi căng thẳng trên điện thoại thông minh và mạng xã hội của hai tác giả Imran Rashid và Soren Kenner. Từ những nghiên cứu khoa học, hai tác giả cho thấy các ông lớn trong ngành số hóa, điện thoại thông minh, ứng dụng mạng xã hội đã tác động ra sao tới tâm trí người dùng.
Sách cũng chỉ ra mạng xã hội có thể khiến mọi người và con cái trở nên “nghiện ngập” những ứng dụng, ngày càng dán mắt nhiều hơn vào màn hình thiết bị.
Các tác giả cho thấy cách các thiết bị điện tử thay đổi từng cá nhân và xã hội theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Từ nhận thức ấy, mỗi người tự điều chỉnh thói quen của mình, của con em mình khi sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị, tham gia mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, lướt web đọc tin tức giải trí.
Sách chỉ ra những chiêu trò thu hút người sử dụng, đồng thời đề xuất phương pháp để mỗi người tự bảo vệ mình khỏi sự ô nhiễm kĩ thuật số.
Sử dụng thiết bị điện tử lành mạnh, bỏ thói quen vào mạng xã hội, chơi game, lướt web mất kiểm soát, tăng khả năng tập trung làm việc, kết nối với thế giới thực là điều mà cuốn sách hướng tới.
Sách Cha mẹ thời đại kĩ thuật số. Ảnh: Quảng Văn. |
Nếu Offline là cuốn sách nhằm thay đổi nhận thức thì Cha mẹ thời đại kĩ thuật số hướng tới đối tượng cụ thể hơn: Dành cho cha mẹ nuôi dạy con trong thời đại thiết bị số tác động tới mọi mặt đời sống.
Cuốn sách của Shin Yee Jin đưa ra khái niệm “trưởng thành giả” để chỉ cách nuôi con thành những người thông minh sáo rỗng, chỉ có kiến thức mà không có trí tuệ. Trẻ em như vậy thường có kiến thức mà thiếu kỹ năng, luôn bất an, khó hòa đồng với bạn bè và môi trường, thường tìm dến cha mẹ để xử lý các tình huống…
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là việc để trẻ sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ. Lo lắng trước tình trạng các thiết bị như máy vi tính, điện thoại thông minh, tivi xâm nhập tâm hồn trẻ, TS Shin Yee Jin chỉ ra những nguy hại của phương tiện số đối với trẻ nhỏ. Bà cũng đề xuất những nguyên tắc và phương hướng giáo dục con cái thời đại số.
Theo tác giả, thiết bị số là công cụ học tập ưu việt, phương tiện nuôi dạy con đắc lực nhưng cha mẹ phải biết cách sử dụng. Để tránh sự phản tác dụng của thiết bị công nghệ, một số người cách ly con nhỏ của mình khỏi máy vi tính, điện thoại thông minh. Một số nơi từng áp dụng những biện pháp mạnh như cấm sử dụng điện thoại trong trường học, đưa khuyến cáo về hạn chế trẻ em sử dụng điện thoại di động…
Tác giả nhấn mạnh để giúp con phát triển an toàn, không trở thành “nô lệ” của các thiết bị công nghệ, trước tiên cha mẹ phải trở thành tấm gương tốt, rời mắt khỏi các thiết bị và dành thời gian vui đùa, học tập cùng con.
Bộ sách Tuyệt chiêu "cai nghiện" công nghệ. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam. |
Bộ sách Tuyệt chiêu “cai nghiện” thiết bị công nghệ gồm hai cuốn, hướng tới đối tượng trẻ 4-8 tuổi. Bộ sách có tính gợi mở cha mẹ và con cái từ bỏ thói quen “nghiện” thiết bị công nghệ.
Tập sách Nào bạn ơi, ra ngoài chơi! là câu chuyện giúp trẻ nhận thức cuộc sống có vô vàn điều hấp dẫn, lý thú ngoài những gì có trong thiết bị công nghệ.
Sách Chơi cùng Lettie, vui mê li đưa ra nhiều hoạt động thú vị, giúp trẻ vui vẻ mỗi ngày mà không cần máy tính bảng, điện thoại thông minh hay tivi…
Sách cũng khuyến khích cha mẹ, ngoài học tập, giải trí qua thiết bị công nghệ, cần dạy con nhiều điều từ nhỏ bé đến lớn lao như: Cách cầm bút, thói quen đọc sách, vui chơi ngoài trời, tạo điều kiện cho trẻ em hòa nhập vào thế giới thực.