Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

19 tập thể và 14 cá nhân nhận Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc 2021

Đó là những tập thể, cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc nói riêng và sự đi lên của văn hóa, giáo dục nói chung.

Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2021 được tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội. Giải thưởng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm vinh danh các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật, cách làm hay, đóng góp tích cực đối với hoạt động phát triển văn hóa đọc tại địa phương và cộng đồng.

Giai thuong Phat trien van hoa doc anh 1

Ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thanh Tùng.

Giải thưởng được trao trong bối cảnh đặc biệt

Ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban tổ chức lễ trao giải - cho biết từ khi Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa đọc đã được triển khai với sự góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm chấn hưng văn hóa đọc của nước nhà.

Theo ông Hùng, Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2021 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước đang chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19. Song, ban tổ chức vẫn ghi nhận nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo của các cá nhân, tập thể đã khuyến khích người dân đọc sách.

Cụ thể, ban tổ chức đã nhận được 53 hồ sơ đề nghị xét tặng tập thể và cá nhân. Trong đó, 33 hồ sơ tập thể và 20 hồ sơ cá nhân.

Trên cơ sở xem xét thành tích đạt được của các hồ sơ gửi về, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc cho 19 tập thể và 14 cá nhân.

Đó là những cá nhân, tập thể đã phát huy hiệu quả vốn tài liệu thư viện, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ thư viện Phạm Quốc Hùng cho rằng các mô hình và cách làm này đã tạo điều kiện để các chủ thể tiếp cận và sáng tạo thông qua hoạt động đọc trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh.

“Điều này thể hiện sự linh hoạt, chủ động sáng tạo, không ngừng đổi mới và tâm huyết của các tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc”, Trưởng ban tổ chức lễ trao giải nhấn mạnh.

Giai thuong Phat trien van hoa doc anh 2

Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc 2021 vinh danh 19 tập thể và 14 cá nhân. Ảnh: Thanh Tùng.

Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

“Tôi mong rằng giải thưởng này sẽ là nguồn động viên quý báu, khích lệ để các tổ chức, cá nhân sẽ đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên chặng đường chấn hưng và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ và xu thế chuyển đổi số”, ông Hùng bày tỏ.

Cũng tại lễ trao giải, Vụ trưởng Vụ thư viện cho biết việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi: “Dự kiến trong năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung quy chế trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc để kịp thời tôn vinh, cũng như tạo động lực cổ vũ, khích lệ các tổ chức, cá nhân tiếp tục chung tay phát triển văn hóa đọc”.

Qua giải thưởng, ban tổ chức mong muốn lan tỏa hoạt động đọc đến với cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí; hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, giải trí; làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Trong khuôn khổ buổi lễ tổng kết và trao giải, Ban tổ chức đã trưng bày triển lãm một số hình ảnh hoạt động khuyến đọc của tổ chức, cá nhân có đóng góp cho phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của các thí sinh đạt giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 vừa qua.

Danh sách các cá nhân, tổ chức nhận Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2021:

- Giải thưởng tập thể:

1. Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.

2. Thư viện tỉnh Bắc Ninh.

3. Thư viện tỉnh Bình Thuận.

4. Thư viện huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

5. Thư viện Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

6. Thư viện huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

7. Phòng đọc cơ sở tổ dân phố Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

8. Thư viện Cộng đồng ECO VN Group tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

9. Thư viện Công an Nhân dân, Bộ Công an.

10. Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an.

11. Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng.

12. Trường Tiểu học số 3 xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

13. Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

14. Trường THCS xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

15. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

16. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

17. Thư viện Đại học Mở Hà Nội.

18. Trung tâm Thông tin Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội.

19. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

- Giải thưởng cá nhân:

1. Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng.

2. Ông Huỳnh Văn Bê, Phó giám đốc Thư viện tỉnh Trà Vinh.

3. Bà Lâm Bảo Ngọc, cán bộ Thư viện tỉnh Kiên Giang.

4. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, phụ trách Thư viện quận Bình Thạnh, TP.HCM.

5. Bà Trương Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Xây dựng phong trào, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế.

6. Bà Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Quân đội.

7. Ông Trần Văn Dậu, Tủ sách Nam Cao, tỉnh Hà Nam.

8. Bà Nguyễn Thị Hà, phụ trách thư viện THCS Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Kon Tum.

9. Bà Bùi Thị Na Sa, nhân viên thư viện THPT Số 1 Nghĩa Hành, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

10. Bà Vương Tuyết Linh, giáo viên trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Lê Chân, Hải Phòng.

11. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, nhân viên thư viện THCS Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

12. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó hiệu trưởng THPT Số 3, tỉnh Lào Cai.

13. Bà Hoàng Thị Khánh Ly, giáo viên THPT Krông Nô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

14. Ông Nguyễn Đức Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thư viện giúp gắn kết các tủ sách nền tảng

Theo ông Phạm Quốc Hùng, những cuốn sách nền tảng được phát hành ở định dạng sách điện tử và sách nói sẽ phục vụ cho việc liên thông, chia sẻ nội dung thông tin giữa các thư viện.

Nâng cao hiệu quả sử dụng sách trong thư viện trường học

“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” sẽ giúp cán bộ thư viện chọn sách hay, phù hợp chương trình dạy, học của giáo viên, học sinh.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm