Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nâng cao hiệu quả sử dụng sách trong thư viện trường học

“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” sẽ giúp cán bộ thư viện chọn sách hay, phù hợp chương trình dạy, học của giáo viên, học sinh.

“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” do Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty sách thực hiện. Hơn 600 cuốn sách trong danh mục theo sát từng chủ đề, chủ điểm của chương trình giáo dục hiện hành, thuận tiện cho giáo viên, học sinh sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - nguyên cán bộ thư viện thuộc Phòng Giáo dục và đào tạo quận 11, TP.HCM - đánh giá về vai trò, ý nghĩa của danh mục sách này với công tác đọc sách, dạy và học trong nhà trường.

Sach bo tro day,  hoc anh 1

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thư viện trường học. Ảnh: Y Nguyên.

Nên giới thiệu, tập huấn cán bộ thư viện sử dụng danh mục sách

- Điều gì khiến bà tham gia thực hiện “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học”?

- Tôi nhận thấy trong quá trình bổ sung sách tham khảo cho thư viện, cán bộ thư viện thường làm theo quán tính, chưa sâu sát được chương trình dạy và học của giáo viên và học sinh. Do chưa nắm được chương trình khung, sách nhập về nhiều mà hiệu quả sử dụng chưa cao.

Tôi được biết ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đang muốn lập danh mục sách ý nghĩa, chúng tôi đề xuất làm danh mục sách cho giáo viên và học sinh.

Khi ông Lê Hoàng gặp một số anh chị hoạt động phát triển văn hóa đọc, ông được biết hiện nay Bộ GD&ĐT có chương trình khung dạy học với nội dung chi tiết. Chúng tôi đã tải chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018 về tìm hiểu để có hướng chọn sách phù hợp với học sinh.

- Quá trình lập danh mục đã diễn ra như thế nào?

- Năm 2020, chúng tôi lập danh mục cho học sinh tiểu học với các môn Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Khoa học, Toán, Tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm, Lịch sử - Địa lý. Chúng tôi gửi nội dung chương trình tới các nhà xuất bản, công ty để họ chọn sách phù hợp.

Các đơn vị lựa chọn được khoảng 4.000 cuốn sách. Chúng tôi cùng cán bộ Hội Xuất bản Việt Nam, công ty Đường sách TP.HCM... nhận sách đọc, chọn lọc và phân loại. Ví dụ, chủ đề “Yêu thương gia đình” trong môn Đạo đức lớp 1, các nhà xuất bản và công ty sách đưa ra gần trăm quyển, chúng tôi chọn lại những sách phù hợp với yêu cầu của chương trình học của học sinh nhất.

Có được danh mục sơ bộ, chúng tôi gửi sách tới các thầy cô đang dạy tiểu học đọc thẩm định. Khoảng 50 giáo viên các trường tiểu học Chính Nghĩa, Minh Đạo, Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) đã giúp chúng tôi đọc thẩm định, góp ý. Họ đọc nội dung, xem kỹ hình ảnh, câu từ, độ phù hợp với học sinh theo từng lớp, nhận xét chi tiết và chọn lọc lại sách cho sát nội dung chương trình dạy và học trong nhà trường.

Đến nay, danh mục có khoảng 650 cuốn. Số sách này được sắp xếp theo từng chủ đề cụ thể của mỗi môn học, của từng lớp theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018.

Dự kiến mùa hè này, ông Lê Hoàng và những người thực hiện đã có thể họp với các nhà xuất bản, công ty sách, các đơn vị phát hành, các phòng giáo dục và đào tạo để giới thiệu "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học". Chúng tôi cũng mong muốn được tập huấn cho cán bộ thư viện để họ sử dụng danh mục có hiệu quả… Dịch bùng phát nên các hoạt động phải gác lại.

Sach bo tro day,  hoc anh 2

Học sinh hào hứng với cuốn Lịch sử Việt Nam bằng tranh trong chương trình Sách hay cho học sinh tiểu học năm 2019. Ảnh: Thu Thủy.

Nhiều học sinh ham thích đọc sách

- Là người làm công tác thư viện lâu năm, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của danh mục sách này?

- Theo tôi, danh mục sách này giúp giáo viên có thêm tư liệu giảng dạy theo từng chủ đề của mỗi môn học; giáo viên giới thiệu cho học sinh tìm đọc những sách liên quan để tìm hiểu thêm về bài đã học hoặc chuẩn bị cho bài học mới.

Còn đối với học sinh, ngoài sách đọc giải trí, các em cũng cần những cuốn sách có nội dung liên quan trực tiếp đến bài học, thông qua các câu chuyện, tranh ảnh, hình vẽ trong sách giúp các em hiểu rõ hơn về bài học, tự tin hơn và có thể áp dụng những kiến thức đã đọc, đã học vào cuộc sống.

Với học sinh, ngoài sách đọc giải trí, các em cũng cần những cuốn sách có nội dung liên quan trực tiếp bài học.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung.

Danh mục sách này sẽ giúp cán bộ thư viện trong việc bổ sung, giới thiệu sách phù hợp từng chủ đề của môn học, lớp học để sử dụng phục vụ cho việc giảng dạy.

Ngoài việc xử lý tài liệu (danh mục sách) theo nghiệp vụ thư viện, cán bộ thư viện có thể sắp xếp những tài liệu này theo môn học, trong từng môn học sắp xếp theo lớp; hoặc sắp xếp những tài liệu này theo lớp, trong từng lớp xếp theo môn học; đặt trong tủ hoặc giá (kệ) riêng để tiện cho việc tra tìm và sử dụng của giáo viên và học sinh.

- Trẻ em ngày nay có nhiều phương tiện để học tập, giải trí ngoài sách. Bà đánh giá thế nào về văn hóa đọc trong nhà trường hiện nay?

- Tôi thấy nhiều học sinh rất thích đọc, giờ ra chơi, các em thường xuống thư viện đọc sách. Các cán bộ thư viện đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm thu hút các em vào việc đọc, ví dụ thực hiện các tiểu phẩm để giới thiệu sách, trưng bày sách, tổ chức ngày hội đọc sách, tổ chức bữa tiệc sách…

Tuy nhiên, nếu các em chỉ đọc sách trong giờ ra chơi thì thời gian đọc sẽ rất ít. Công văn số 5750/BGDĐT-GDTH về việc tổ chức hoạt động thư viện trong trường tiểu học từ năm học 2020-2021, trong đó có quy định “sắp xếp tiết đọc tại thư viện linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc trong các hoạt động giáo dục khác từ 2-4 tiết/tháng”, tôi hy vọng học sinh sẽ có nhiều thời gian để đọc sách hơn.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Sáng lập dự án phát triển văn hóa đọc "Sách ơi mở ra": Tôi đã đọc kỹ từng cuốn sách được tuyển lựa cho danh mục và cảm tưởng chung là khâm phục tâm huyết, sự tỉ mỉ và cẩn trọng của những người đã góp sức làm ra danh mục này. Đó là những cuốn sách hay, mới mẻ, đặt ra những vấn đề hiện đại, của những nhà xuất bản rất đáng tin cậy.

Cô Nguyễn Thị Hải Duyên - giáo viên Khối trưởng khối 3, Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM: Danh mục giúp giáo viên có thêm nhiều tư liệu hơn trong giảng dạy, làm cho bài giảng của mình trở nên sinh động hơn, cuốn hút hơn, học sinh được học hỏi nhiều hơn và mở mang thêm nhiều kiến thức thú vị liên quan đến nội dung bài học.

Mục tiêu chọn sách bổ trợ cho học sinh

Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã chung tay tạo nên một danh mục gồm hơn 600 cuốn sách phù hợp, giúp hỗ trợ cho việc dạy và học cấp tiểu học.

Giúp nhà trường, học sinh chọn đúng sách hỗ trợ dạy và học

Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết "Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” sẽ giúp nhà trường, phụ huynh, học sinh chọn đúng sách hữu ích, bổ trợ cho học tập.

Danh mục sách hỗ trợ giúp học sinh nâng cao kiến thức

“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” tập hợp những cuốn sách chất lượng được các nhà xuất bản, giáo viên lựa chọn sát với chương trình học tập của học sinh.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm