Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ bị bỏ quên trên xe: Thiếu trách nhiệm thì lắp camera là không đủ

"Nếu các cá nhân thiếu trách nhiệm thì dù xe có lắp camera cũng không thể thay thế được con người”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh.

Hiện trường vụ việc bỏ quên học sinh trên xe đưa đón ở Trường Mầm non Hồng Nhung (TP Thái Bình).

Để ngăn chặn tình trạng trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh sau sự việc xảy ra ở Thái Bình, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần ban hành ngay quy trình quản lý việc đưa đón học sinh và quy định về quản lý học sinh.

Cần 2 quy trình quản lý việc đưa đón học sinh và quy định về quản lý học sinh

Theo ông Trần Hữu Minh, khi chưa có hai quy định này sẽ dẫn tới tình trạng mỗi nơi làm một kiểu và tổ chức thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và nhận thức của mỗi cá nhân.

Ông Minh lưu ý, quy trình về quản lý việc đưa đón học sinh cần nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, người quản lý học sinh trên xe; các biểu mẫu, nội dung công việc cần làm trên xe, khi xuống xe, khi lên xe... Còn đối với quy định về quản lý học sinh cần có mẫu, điểm danh, việc cần làm khi phát hiện học sinh vắng, đặc biệt với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong ở Thái Bình là rất thương tâm. Ở góc độ và địa vị của gia đình nạn nhân, theo ông Hòa, nỗi đau này là quá sức chịu đựng.

Từ vụ việc này, quy trình đưa đón trẻ cần phải được siết chặt và thực thi nghiêm ngặt, đồng thời cần có hệ thống cảnh báo. Đối với lái xe, phải thực hiện đúng quy định; khi giao trẻ, xuống xe, phải kiểm tra xem còn trẻ em ở trên xe hay không. Vấn đề này cũng đã có quy định pháp luật, đó là lái xe đưa đón học sinh phải thực hiện quy định về kinh doanh vận tải hành khách, không thể không kiểm tra xem còn học sinh trên xe hay không. Cùng với đó, cô giáo phụ trách đưa đón học sinh cũng phải kiểm tra xe khi giao nhận học sinh.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sau bi kịch xảy ra ở trường Gateway, Bộ GD&ĐT cũng đã nhắc nhở với những trường có xe đưa đón học sinh nhưng đáng buồn là sự việc đau lòng vẫn lặp lại.

"Vụ việc ở Thái Bình, cả 3 người có trách nhiệm trực tiếp đều tắc trách, chủ quan không kiểm tra dẫn đến cháu bé bị bỏ quên và tử vong. Dù vụ việc đã bị xử lý hình sự, những người có liên quan cũng đã bị khởi tố nhưng đều là chuyện đã rồi. Đáng nói, hoàn cảnh xảy ra lặp lại y như vụ ở trường Gateway năm nào.

Do đó, tôi cho rằng, giải pháp đặt ra lúc này là phải ban hành quy trình cụ thể gắn với trách nhiệm của từng vị trí và phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận hành quy trình đó. Quy trình đưa đón trẻ đi xe nhà trường có thể do Bộ GD&ĐT ban hành thống nhất nhưng tuỳ theo điều kiện của từng trường để cụ thể hóa và phân công trách nhiệm rõ cho từng bộ phận.

Tôi nhấn mạnh và đề cao trách nhiệm cá nhân trong quy trình đó, phải thể hiện trách nhiệm đến cùng. Bởi nếu các cá nhân thiếu trách nhiệm thì dù xe có lắp camera cũng không thể thay thế được con người”, ông Nam nói.

Cần lắp đặt thêm các tính năng cảnh báo trên xe

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất cần tập trung giải pháp với người lớn, tức là chú trọng yếu tố con người, nhất là những người trực tiếp đưa đón trẻ. Qua những vụ việc vừa rồi cho thấy sự cẩu thả của người lớn từ tài xế, người đưa đón đến giáo viên chủ nhiệm.

Theo ông Tạo, phần lớn quy định của quy chuẩn là về điều kiện, tính năng kỹ thuật, cấu trúc để xe chở học sinh được an toàn hơn. Lắp camera, thiết bị cảm biến phát hiện chuyển động, thân nhiệt để biết trên xe còn người để cảnh báo đến tài xế, bảo mẫu hoặc cấp quản lý cũng chỉ là giải pháp bổ trợ.

Nếu lắp chuông cảnh báo trên xe, hướng dẫn học sinh thực hiện nhưng vẫn có rủi ro với các cháu nhỏ ở lứa tuổi thụ động, khi bỏ quên thì hoảng loạn không nhớ để thực hiện.

"Nếu người có trách nhiệm theo dõi hệ thống trên không chấp hành tốt thì cũng xảy ra rủi ro. Quan trọng nhất là xây dựng được quy trình chuẩn, tập huấn, quy trách nhiệm, bắt buộc bảo mẫu, tài xế và những người liên quan tuân thủ thực hiện", ông Tạo nhận định.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giao thông với ngành giáo dục để triển khai đầy đủ các quy trình vận chuyển học sinh đến trường. Ở trên xe phải xây dựng quy trình chặt chẽ hơn như yêu cầu lái xe, khi rời xe từ cửa phía trước phải đi vòng xuống phía sau để quan sát.

Quy trình nên cụ thể hóa và các trường cần phải siết lại việc thực hiện quy trình này. Theo đó, hàng ngày nhà trường phải rà soát tất cả các chuyến xe xem có thực hiện đúng quy trình không.

Theo ông Quyền, hiện nay các xe kinh doanh vận tải hành khách (từ 9 chỗ) đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Với những xe chở học sinh, ông Quyền đề xuất kéo dài thời gian hoạt động của camera thêm 10- 15 phút sau khi xe dừng (hiện xe tắt máy thì sẽ tắt hệ thống camera). Như vậy, trong tình huống các cháu ngủ quên trên ô tô, qua hệ thống camera có thể phát hiện được. Hoặc dùng camera cảm biến gắn âm thanh, khi phát hiện còn người sẽ có còi báo động để người xung quanh biết.

“Điều quan trọng nhất là đề ra quy định rồi nhưng công tác thực thi phải được siết lại. Trong đó đề cao trách nhiệm của các trường, thường xuyên rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm”, ông Quyền nhấn mạnh.

Thông tin mới vụ bé trai bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình

Liên quan tới vụ trẻ 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón, được biết chiếc xe do tài xế N. V. L điều khiển được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu nhưng hoạt động ở Thái Bình.

Vụ bé 5 tuổi tử vong trên xe đưa đón: Bài học cũ, nỗi đau mới

Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phương Quỳnh Anh (SN 1986, ở TP Thái Bình), về tội “Vô ý làm chết người”.

Nguyên nhân khiến bé ở Thái Bình tử vong trong xe đưa đón học sinh

Do bị bỏ quên trong xe đưa đón học sinh khiến sức lực suy kiệt, kết hợp với không gian hẹp, bé T.G.H. bị suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

https://vietnamnet.vn/phai-siet-quy-trinh-dua-don-hoc-sinh-tren-o-to-va-thuc-thi-nghiem-ngat-2287098.html

N. Huyền/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm