Đồng hành cùng những chương trình như “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách cơ quan - tủ sách doanh nghiệp”, “Hành trình kiến tạo văn hóa đọc”, “Tủ sách nhân ái”… đầu năm nay, dự án “ATM tủ sách” chính thức đi vào hoạt động.
Ông Trần Thanh Hiệp - người sáng lập “Go Book”, nguyên giáo viên trường THPT Bình Minh (Vĩnh Long) - nói đây là dự án thiết thực, giúp ích cho cộng đồng. Theo ông, trước nay có nhiều hoạt động trao tặng tủ sách ở các nơi, nhưng chưa có một dự án nào mang tính chất kết nối chúng lại.
“Nhiều bộ phận trong cộng đồng chưa có đam mê với văn hóa đọc, hoặc có nhưng còn trong trạng thái ‘ngủ quên’. Dự án này đã thực sự đánh thức họ dậy, đưa họ đến gần hơn với sách và tri thức”, ông Hiệp đánh giá.
Tháng ba, một tủ sách được trao tặng cho trường THPT Tân Quang (Bắc Quang, Hà Giang). Ảnh: NVCC. |
Mở rộng quy mô
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - Trưởng ban quản lý dự án “ATM tủ sách” - cho biết kể từ khi phát động đợt một với 8 tủ sách được trao cho các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Đăk Lăk… trước dịp Tết Nguyên đán, tính đến cuối tháng ba, con số này đã lên đến 25.
Cụ thể, các tủ sách này được trao tặng cho một số thư viện trường tiểu học, trại giam, trại trẻ mồ côi, khuyết tật ở Lào Cai, Hà Giang, Quảng Nam, Nghệ An…
Gần đây nhất, ban tổ chức đã trao tặng một tủ sách cho trường Nội trú Hy vọng (Đà Nẵng). Đây là nơi theo học của các em bé mồ côi cha mẹ kể từ đợt dịch Covid-19 trong 2 năm qua.
“Chúng tôi hướng tới đối tượng là các trường học vùng sâu, xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc mồ côi, khuyết tật và các địa phương không có nhiều điều kiện để tiếp cận sách vở. Mỗi tủ sẽ có khoảng 80 đến hơn 100 cuốn. Ít nhất mỗi tháng chúng tôi sẽ trao 3-5 tủ như thế”, bà Ngọc Mai nói.
Trưởng ban quản lý dự án này cho biết tùy vào hiệu ứng của người dân tại địa phương đó và kinh phí đến từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm trên cả nước, quy mô trao tặng các tủ sách sẽ ngày một mở rộng, trải dài cả nước.
Trao tặng sách cho trường THCS Đông Hòa (Thái Bình). Ảnh: T.H. |
Phát triển văn hóa đọc trải dài ở ba miền
Bên cạnh mang sách về các vùng, miền, dự án “ATM tủ sách” còn đồng hành cùng địa phương đó đưa ra gợi ý để thực hiện các hoạt động khuyến đọc như tổ chức các cuộc thi review sách, kể chuyện, tặng quà sách… để khích lệ tinh thần đọc sách, hướng người dân tìm đến sách nhiều hơn.
Những cuốn sách được trao tặng đến từ các đơn vị xuất bản có uy tín trong nước, tập trung vào chủ đề sức khỏe, kỹ năng sống, phát triển bản thân, lồng ghép kiến thức khoa học thường thức và truyền cảm hứng yêu thương.
“Dự án này là sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm mà chúng tôi đứng lên kêu gọi với mục tiêu là đưa sách và văn hóa đọc phát triển dọc Bắc, Trung, Nam, để nhà nhà được tiếp cận tri thức”, bà Ngọc Mai chia sẻ.
“ATM tủ sách” cũng là hoạt động song hành cùng chuỗi dự án “Khuyến đọc Việt Nam”.
Song song đó, Thái Hà Books cũng dành ra 220 cuốn mỗi tháng để trao tận tay cho những bạn đọc đầu tiên đăng ký nhận sách online.Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người khởi xướng các dự án này - cho biết ý nghĩa tên của “ATM tủ sách” là “tự động tặng các tủ sách” khắp mọi miền đất nước. Bất cứ nơi đâu cần sách và có người tâm huyết muốn tạo dựng không gian cho người dân đọc sách, “ATM tủ sách” sẽ có mặt tại đó.
“Gạo và thức ăn nuôi dạ dày, còn sách là để nuôi bộ não. Nó giúp chúng ta giàu có cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở các gia đình Việt Nam hiện nay, đa số tủ lạnh đều to hơn tủ sách. Tôi nhận thấy để đầu tư nhiều hơn nữa cho trí tuệ, cần có các chương trình khuyến đọc, giúp người dân đón nhận tri thức để ứng dụng vào cuộc sống”, ông Hùng nói.
Một thư viện sách miễn phí được mở tại Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: T.T. |
Ông Hùng cho rằng mỗi tủ sách được trao tặng sẽ mang đến lợi ích cho hàng trăm nghìn bạn đọc và các gia đình. Vì thế, chúng cần được đến mọi ngõ ngách, xóm làng của Việt Nam, không chỉ ở thành phố, thị trấn mà cả ở nông thôn, biên giới, hải đảo hay các bản làng của bà con dân tộc thiểu số.
Hiện nay, bên cạnh dự án “ATM tủ sách”, nhiều thư viện sách 0 đồng, không gian đọc cộng đồng, mô hình cà phê sách miễn phí do những tấm lòng hảo tâm liên tiếp có mặt tại nhiều nơi.
“Tất cả đều chung một tâm sức khuyến đọc. Tôi tin rằng người trước đó chưa có thói quen đọc sách, giờ đây được tiếp cận sách rồi, sẽ có cách sống mới và tìm được phương hướng ứng dụng nguồn tri thức ấy vào cuộc sống”, ông Hùng chia sẻ.