Với mong muốn tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực để phát triển văn hóa đọc, Thái Hà Books tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hoạt động khuyến đọc tại các nước ASEAN”.
Sự kiện diễn ra ngày 22/2 với sự tham dự của đại diện giới xuất bản đến từ Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Thủ đô Jakarta (Indonesia) sẽ chủ trì Hội nghị Xuất bản Thế giới lần thứ 33. Ảnh: Jakarta Book City. |
Các sự kiện, cuộc thi diễn ra sôi nổi
Trao đổi tại tọa đàm về tình hình xuất bản Philippines, ông Dominador D. Buhain - Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN trong hai nhiệm kỳ (2007-2009 và 2017-2019) - cho biết giới xuất bản nước này liên tục tổ chức các triển lãm sách khu vực dành cho trường công lập và tư thục, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên lựa chọn sách giáo khoa, sách tham khảo.
Bên cạnh đó, giới xuất bản Philippines còn tiến hành các cuộc thi cấp khu vực và quốc gia giữa các trường (cả công lập và tư thục) về hai chủ đề: Đọc hiểu và đọc tốc độ.
Liên hoan Văn học quốc tế Philippines được tổ chức hàng năm, là sân chơi để tác giả, bạn đọc và đơn vị xuất bản cùng thảo luận về sự phát triển và các vấn đề đáng chú ý trong việc thực hiện các tác phẩm văn học.
“Đây cũng là nơi chúng tôi trao quyền cho người đọc và các cây viết tự đưa ra định hướng, đề xuất về chủ đề thông qua các cuộc thảo luận, phê bình, trò chuyện”, ông Dominador D. Buhain nói.
Nhằm nghiên cứu và xác định thói quen đọc của người Philippines, giới xuất bản nước này còn thực hiện các cuộc khảo sát tới người dân để tìm ra chính sách phù hợp trong việc phát triển nội dung và thực hiện chương trình quảng bá sách.
Bên cạnh đó, Philippines tổ chức “Mindanao và Liên hoan Văn học thiếu nhi ASEAN”. Đây là chương trình tập hợp ý kiến đóng góp từ các diễn giả có chuyên môn về cách phát triển nội dung dành cho trẻ em.
Ông Dominador D. Buhain nhận định rằng muốn tăng lượng độc giả trong nước, cần cung cấp ấn phẩm bằng tiếng mẹ đẻ. Nhưng để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu và gia tăng dấu ấn của xuất bản Philippines trên thế giới, phải dịch nhiều tác phẩm sang ngôn ngữ khác. Do đó, Quỹ hỗ trợ dịch thuật đã được thành lập.
Ông Dominador D. Buhain cũng nói thêm: “Chúng tôi còn phối hợp Ủy ban Sách thanh, thiếu niên Philippines tổ chức Giải thưởng Sách Thiếu nhi quốc gia nhằm công nhận những tác phẩm văn học hay nhất dành cho trẻ em Philippines”.
Các kiot đựng sách được lắp đặt trên nhiều tuyến đường ở Malaysia để người dân có thể lấy sách đọc miễn phí. Ảnh: Sheikh Faisal Sheikh Mansor cung cấp. |
Tìm hiểu thị trường để tìm biện pháp khuyến đọc
Bà Trasvin Jittidecharak - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Thế giới (2018-2023), Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN (nhiệm kỳ 2020-2021) - thông tin tại Thái Lan, trong thời gian dịch bệnh, tỷ lệ đọc của người dân có sự thay đổi đáng kể.
Tiểu thuyết văn học được lựa chọn đọc nhiều nhất, tiếp đến là sách giáo dục, thiếu nhi, truyện tranh và sách về chủ đề văn hóa, lịch sử.
“Một cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy trung bình người Thái Lan đọc 40 phút/ngày. Thời gian họ dành để đọc sách nhiều hơn thời gian đọc tin tức online và lướt web. Ba mục đích của việc đọc nếu sắp xếp theo kết quả của cuộc khảo sát là: Học tập, giải trí và tìm thông tin”.
Cũng trong tọa đàm giao lưu trực tuyến, ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor - Tổng thư ký danh dự Hiệp hội Xuất bản Malaysia - chia sẻ các nhà xuất bản trong nước đang phát động chương trình “Đọc 10 phút mỗi ngày”.
Trong thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ đọc ebook của người dân nước này cũng tăng 2,3 lần (từ 320.000 lên 720.000 số lượt đăng ký đọc ebook).
Đại diện giới xuất bản Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia và Việt Nam trao đổi kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc. |
Ông cho biết Malaysia thường xuyên tổ chức cuộc thi khuyến đọc, tặng voucher cho người thắng cuộc để họ có thể mua sách ở 168 cửa hàng sách trên cả nước.
“Ngoài ra, trên nhiều tuyến đường, chúng tôi còn lắp đặt những kiot cho người dân lấy sách đọc miễn phí. Thời gian qua, nhiều người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, những trường hợp vô gia cư hay bệnh nhân đang điều trị Covid-19 đều được tặng sách miễn phí để đọc”, tổng thư ký danh dự Hiệp hội Xuất bản Malaysia nói.
Bà Laura Prinsloo - Chủ tịch Ủy ban Sách quốc gia và Văn hóa đọc Indonesia, Chủ tịch điều hành Ủy ban Thành phố Sách Jakarta - thông tin giới xuất bản Indonesia đang chuẩn bị cho sự kiện đăng cai Hội nghị Xuất bản Thế giới lần thứ 33. Chính phủ và người làm sách cũng đang làm hồ sơ để Jakarta được UNESCO công nhận là “Thành phố Văn học” trong năm nay.
Bà Laura Prinsloo cũng cho biết hệ thống “Jakarta Wi-Fi” trên xe buýt đang được xây dựng để tất cả người dân có thể đăng nhập và đọc sách miễn phí.
Bà Catherine Khoo - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Singapore, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Sách Singapore - tiết lộ: “Chúng tôi đang thực hiện Giải thưởng Tác giả trẻ để khuyến khích người trẻ viết nhiều hơn. Tổng giá trị giải thưởng lên tới 3.300 USD. Người viết chỉ cần gửi một câu chuyện 3.000 từ trở lên. Bài viết đoạt giải nhất sẽ được in vào tập sách và được quảng bá rộng rãi”.
Đại diện cho giới xuất bản trong nước, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam - đánh giá các nước bạn đều có nhiều hoạt động, cách làm hay để phát triển văn hóa đọc.
Ông cũng chia sẻ người làm sách trong nước thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tinh thần đọc sách của người dân như: Tổ chức lễ diễu hành khuyến đọc, thành lập các câu lạc bộ người yêu sách, xây dựng tủ sách, trao tặng Quỹ Khuyến đọc…