Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một trong những vấn đề được nêu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ bảy nhiệm kỳ 2017-2022, diễn ra sáng 18/2 ở Hà Nội.
Theo báo cáo tổng kết của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2021, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một trong 5 mục tiêu hoạt động của hội.
Hội phối hợp các cơ quan thực hiện Ngày Sách Việt Nam lần thứ tám, Hội sách trực tuyến quốc gia diễn ra trên sàn Book365.vn.
Các tọa đàm chuyên sâu về xuất bản, cổ vũ đọc sách, giới thiệu sách hay… thu hút sự chú ý của dự luận.
Điểm nhấn của năm
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - khẳng định phát triển văn hóa đọc là điểm nhấn của hội trong thời gian qua. Trong đó, mô hình đường sách không chỉ là nơi lan tỏa văn hóa đọc, mà còn kết nối hội với các thành viên, đơn vị xuất bản.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng đường sách là mô hình hay, cần nghiên cứu, tổng kết để xem từng địa phương nên xây dựng đường sách hay mô hình nào phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chủ trì hội nghị. Ảnh: Duy Anh. |
Theo ông Nhật Anh - Giám đốc công ty Nhã Nam - trong những năm qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp nhiều cho việc thúc đẩy văn hóa đọc. “Chúng ta đã làm tốt hơn những gì báo cáo”, giám đốc công ty Nhã Nam nói.
Ông Nhật Anh nêu ba thành tựu lớn trong phát triển văn hóa đọc. Thứ nhất là hoạt động hiệu quả của đường sách TP.HCM khi trở thành điểm đến của người yêu sách. Đây là mô hình kinh doanh hiện đại với nhiều hoạt động văn hóa, đón nhiều người tham dự.
Thứ hai, Giải thưởng Sách quốc gia để lại dấu ấn trong xã hội, vượt lên các giải thưởng khác, trở thành giải thưởng uy tín, lớn nhất về sách.
Thứ ba, Tạp chí điện tử Tri thức Trực tuyến (Zing News) tuyên truyền cho ngành xuất bản, sách, văn hóa đọc. “Hàng nghìn tin bài về sách, văn hóa đọc, người làm sách được đưa mỗi năm, trong đó hoạt động của ngành xuất bản đã được đưa nhanh, chuyên sâu”, ông Nhật Anh đánh giá.
Nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Thái Hà Books - cho biết Thái Hà Books công bố dự án Khuyến đọc Việt Nam vào ngày 22/2 với các hoạt động như: Quỹ khuyến đọc, tặng thưởng cho cá nhân và hoạt động khuyến đọc, xây dựng bảo tàng văn hóa đọc…
Tập trung phát triển xuất bản điện tử
Năm 2021, dịch bệnh bùng phát khiến hoạt động xuất bản, phát hành gặp khó. Ngày 12/8, lãnh đạo hội và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp trực tuyến với 30 nhà xuất bản, công ty phát hành, công ty sách tìm cách khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với hoạt động xuất bản.
Một trong những giải pháp để khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra là tập trung xuất bản điện tử. Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức tọa đàm thúc đẩy chuyển đổi số, thảo luận về xuất bản điện tử, cũng như phát hành trực tuyến.
Hội nghị sáng 18/2 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Duy Anh. |
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - nói để hội nhập hơn nữa, theo kịp xu hướng hiện nay, cần xây dựng nền xuất bản phát triển lành mạnh.
“Chúng ta sẽ phát triển kinh tế ngành như thế nào? Thế giới hiện nay đi theo hướng công nghiệp xuất bản. Chúng ta cần xây dựng ngành xuất bản hiện đại, phát triển theo hướng công nghiệp xuất bản, vừa mang giá trị tư tưởng, vừa mang giá trị kinh tế”, bà Phượng nói.
Theo bà Phượng, nguồn lực để chuyển đổi số của các đơn vị xuất bản chưa nhiều, trong khi hoạt động chuyển đổi cần đầu tư thời gian, công sức, tài chính. Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đề xuất đầu tư, đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, cần thu hút công ty công nghệ tham gia hoạt động xuất bản.
Hoạt động hợp tác quốc tế được quan tâm trong năm qua. Hội Xuất bản Việt Nam đã mời các nước thành viên thuộc Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) dự Sàn giao dịch bản quyền trong Hội sách trực tuyến 2021.
Cuối năm ngoái, Hội Xuất bản Việt Nam trở thành chủ tịch luân phiên của ABPA nhiệm kỳ 2022-2023. Đây là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm xuất bản từ các nước bạn, thúc đẩy quảng bá sách Việt ra khu vực và thế giới.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế của hội trong thời gian tới. Hội Xuất bản Việt Nam có thể xem xét việc hợp tác với UBND Hà Nội trong việc đưa thành phố này thành "Thủ đô sách thế giới".
Hội nghị ban chấp hành lần thứ bảy nhiệm kỳ 2017-2022 của Hội Xuất bản Việt Nam cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác hội trong năm 2022.
Các hoạt động bám sát 5 mục tiêu: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; xây dựng nền xuất bản lành mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xuất bản; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; xây dựng Hội vững mạnh.
Năm 2022 sẽ diễn ra Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2022-2027.