Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng cường đầu tư công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản

Đẩy mạnh xuất bản điện tử, tận dụng cơ hội về công nghệ để ngành sách phát triển là vấn đề được thảo luận tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản.

Vào tháng 5/2021, khi dịch bệnh bùng phát, Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện kho học liệu trực tuyến, phát hành miễn phí để thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh có thêm hoạt động bổ ích cho độc giả lứa tuổi mầm non và tiểu học. Kim Đồng là một trong nhiều nhà xuất bản đẩy mạnh xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến trong năm qua.

Ứng dụng công nghệ vào xuất bản, tăng cường làm sách số, phát hành điện tử… là một trong những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2021. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 12/1 tại Hà Nội và các điểm cầu TP.HCM, Đà Nẵng.

Hoi nghi chu quan xuat ban 2021 anh 1

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Phương.

Tăng cường xuất bản điện tử, phát hành trực tuyến

Ông Trần Thanh Lâm - Phó ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết: “Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà xuất bản đã phát huy hiệu quả hình thức trực tuyến để vượt qua khó khăn. Một số nhà xuất bản sử dụng hình thức kinh doanh: Mua bán sách trực tuyến qua mạng Internet, xuất bản sách truyền thống kèm các sản phẩm sách điện tử. Số nhà xuất bản đăng ký và được cấp phép hoạt động điện tử tăng lên".

Cùng chung nhận định với ông Trần Thanh Lâm, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định: “Nhận thức và hành động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các nhà xuất bản đã có bước chuyển biến tương đối căn bản. Có thể nói trong điều kiện rất khó khăn, những người làm xuất bản đã không chùn bước, đoàn kết, sáng tạo và chủ động tìm ra các giải pháp, thực hiện nhiều bước đi quá trình chuyển đổi số nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, không chỉ duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh, một số nhà xuất bản còn có những bước đột phá, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa có bước tăng trưởng nhất định”.

Cung cấp thông tin về tình hình phát triển xuất bản và phát hành điện tử thời gian qua, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết: Hiện nay, cả nước có 11 nhà xuất bản và 8 đơn vị phát hành được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành điện tử. Năm 2021, toàn ngành xuất bản khoảng 2.500 xuất bản phẩm điện tử với 25 triệu lượt truy cập. Một số nhà xuất bản đã đẩy mạnh làm sách điện tử.

Năm 2021, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền Thông với trên 280 đầu sách phát hành trên hệ thống Book365.vn. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản gần 300 đầu sách điện tử trên hệ thống Stbook.vn.

Phát hành sách qua sàn thương mại điện tử được tăng cường, trở thành kênh chính trong điều kiện hạn chế tiếp xúc trong những ngày cao điểm dịch, góp phần để “tình yêu sách không bị giãn cách”.

Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ hai được tổ chức, thu hút 5,9 triệu lượt độc giả truy cập (tăng gấp 3 lần so với năm 2021 - gần 2 triệu truy cập), bán ra 40.000 cuốn sách tới bạn đọc. Trong 27.000 đơn vận chuyển của Hội sách trực tuyến quốc gia, hơn 60% đơn vận chuyển tới tỉnh, thành xa, ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Điều này chứng minh hội sách theo hình thức trực tuyến đã lan tỏa tới bạn đọc vùng sâu, xa - những nơi công chúng ít có điều kiện hưởng thụ sách như ở đô thị.

Các nhà xuất bản, công ty phát hành đẩy mạnh việc tham gia phát hành trực tuyến. Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM - Fahasa - chuyển dịch mạnh sang hướng thương mại điện tử. Từ tháng 7/2021 đến 10/2021, thương mại điện tử đóng góp lớn cho doanh thu Fahasa, mỗi tháng hơn 30 tỷ đồng.

Hoi nghi chu quan xuat ban 2021 anh 2

Quang cảnh Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2021 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Duy Anh.

Cần đầu tư công nghệ cho xuất bản điện tử

Nếu như mảng phát hành sách trực tuyến đang tăng trưởng mạnh, thì số đơn vị tham gia xuất bản sách điện tử, lượng ebook, sách nói còn chưa cao. Các đại biểu dự hội nghị nêu ý kiến, biện pháp ứng dụng công nghệ, phát triển ngành xuất bản theo hướng hiện đại.

Tham luận của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nêu những hướng đi cho chuyển đổi số trong xuất bản như: Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, bán sách, phân phối nội dung trên mạng xã hội; sản xuất podcast, audio book…).

Chuyển đổi số trong xuất bản cũng cần cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản cần sử dụng tối đa công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả. Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi…

Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nói xuất bản điện tử là xu thế không thể đảo ngược trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dù không thể thay thế hoàn toàn sách giấy truyền thống. Vì vậy, cần có sự quan tâm từ cơ quan chủ quản trong việc đầu tư, hỗ trợ nền tảng công nghệ điện tử cho các nhà xuất bản.

Cần tăng cường liên kết giữa các nhà xuất bản và doanh nghiệp công nghệ, hình thành chuỗi kết nối giá trị để đưa xuất bản phẩm đến tay bạn đọc; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp phối hợp nhà xuất bản xây dựng phần mềm công nghệ cho xuất bản và phát hành sách điện tử.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chương trình riêng hỗ trợ trong chuyển đổi số, xây dựng nền tảng dùng chung cho các nhà xuất bản.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đề nghị cơ quan chủ quản tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với hoạt động của các nhà xuất bản. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng các giải pháp linh hoạt để tạo nguồn vốn, trụ sở cho đơn vị, bảo đảm để đơn vị có thể hoạt động và phát triển.

Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó, 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Năm 2021, toàn ngành làm ra 29 triệu sách in với 350 triệu bản; 2.500 sách điện tử với trên 25 triệu lượt truy cập.

Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc ý chí cho thiếu nhi

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là thế hệ trẻ.

Phối hợp tuyên truyền và quảng bá sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Ngoại giao tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, quảng bá sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm