Trong nhiều năm, số hội viên cao tuổi của Hội Nhà văn Việt Nam luôn áp đảo, khi chiếm tới 70%, dưới 35 tuổi chỉ 2%, còn lại thuộc trung tuổi. Khi bước vào một hội nghị, có người từng ví đã nhìn thấy những mái tóc như “bạt ngàn lau trắng”.
Các cây bút cao niên có những đóng góp, cống hiến. Nhưng nền văn học cần đội ngũ kế cận, tiếp nối. Hội Nhà văn Việt Nam đang có nhiều hoạt động để khích lệ đội ngũ sáng tác mới.
Yao - tập thơ giúp Lý Hữu Lương đoạt giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: YaoBooks. |
Khích lệ đội ngũ viết trong thời đại mới
Về vị trí của văn chương trong đời sống hiện nay, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói: “Có một sự thật ta phải nhìn nhận cho đúng là văn học hôm nay đang đứng trước nhiều thách thức”.
Ông cho rằng thời gian mỗi cá nhân dành cho văn học rất ít. Do sự hỗ trợ của công nghệ, các ngành nghệ thuật và giải trí khác phát triển, còn văn học không tận dụng được. Văn học, với bản chất chậm rãi, nghiền ngẫm, chưa theo kịp sự phát triển đa dạng, bất ngờ của đời sống hôm nay. Ba lý do đó dẫn đến nguy cơ văn học bị đẩy ra ngoài trung tâm đời sống văn hóa tinh thần.
Để giữ vị thế của mình, xây dựng đội ngũ viết, thưởng thức văn học trong thời đại mới rất quan trọng.
“Nhà văn phải đi thẳng vào đời sống, áp sát thân nhiệt nóng bỏng của đời sống mới đáp ứng được nhu cầu của độc giả thế hệ mới. Từ đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động với mong muốn cổ vũ người viết trẻ, khơi dậy tình yêu văn học ở lớp trẻ”, ông Nguyễn Bình Phương nói.
Giải thưởng Tác giả trẻ là một trong những hoạt động mà Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm khuyến khích cây bút trẻ. Giải thưởng trao cho tác giả dưới 35 tuổi, có tác phẩm nổi bật trong năm qua ở bốn lĩnh vực: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, dịch văn học. Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất vừa công bố năm tác giả trẻ đoạt giải, lễ trao thưởng dự kiễn được tổ chức ngày 9/1.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói: “Chúng tôi muốn gọi tên nhà văn trẻ, họ đang viết gì, vì ai, vì điều gì. Nhà văn trẻ là đồng nghiệp của chúng tôi, nhưng nếu họ viết giống thế hệ tôi thì họ cũng chỉ là người đi sau trên con đường mòn mà thôi. Họ phải viết khác, sáng tạo, để 10 năm, 15 năm sau là những chủ nhân của nền văn chương này”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói ông nhìn thấy tín hiệu tích cực thông qua giải thưởng Tác giả trẻ năm nay. “Đến giờ chúng tôi không tự huyễn hoặc, nhưng chúng tôi xúc động khi trao giải cho những tác phẩm có tín hiệu tích cực”, ông Thiều nói.
Những tác phẩm văn chương hay như Dế Mèn phiêu lưu ký sẽ thu hút thiếu nhi đến với văn chương, nuôi dưỡng thế hệ đọc mới. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Kết nạp hội viên trẻ, nuôi dưỡng tình yêu văn chương nơi độc giả
Bên cạnh khuyến khích người trẻ sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam cũng chú trọng tìm kiếm, kết nạp người trẻ.
Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết trong những năm gần đây, Ban chấp hành Hội đặc biệt chú ý việc tìm kiếm gương mặt trẻ. Mỗi năm, Ban Nhà văn trẻ giới thiệu danh sách tác giả dưới 35 tuổi và thường được kết nạp với tỷ lệ cao. Năm nay, 7 tác giả trẻ được kết nạp.
Tác giả trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay là Lê Quang Trạng, sinh năm 1996, đang sống và viết ở An Giang.
“Đây vừa là vinh dự vừa là sự nhắc nhở về nghề (và nghiệp) viết của tôi. Viết ra sao, viết như thế nào là hai câu hỏi thường trực nhất mà tôi đặt ra với chính mình. Tôi cảm thấy thật ý nghĩa, bởi vào hội cũng là động lực tích cực để thấy mình cần phấn đấu nhiều hơn nữa”, cây bút trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam nói.
Lê Quang Trạng cho biết vào Hội Nhà văn không đồng nghĩa việc mình sẽ viết hay hơn, nhưng đó là cơ hội để người trẻ cọ xát, tiếp cận nền văn học thông qua nhiều hoạt động. Với cây bút trẻ này, đây “vừa là cơ hội cũng vừa là động lực để có thể viết và học hỏi nhiều hơn nữa”.
Ngoài xây dựng đội ngũ viết trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có hoạt động hướng tới độc giả nhỏ, nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, thay vì cuộc thi tiểu thuyết, năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi.
Trong nhiều năm, từ sau Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương được trao giải, đến giờ không có cuốn nào viết cho thiếu nhi lọt vào giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam nữa.
“Thế giới 4.0 ùa vào, thống trị những đứa trẻ và người lớn. Chúng ta có cảm giác dời xa dần những cuốn sách nên cần những tác phẩm hay trong sách đến với trẻ em ở tủ sách gia đình, nhà trường”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Trên thị trường, sách văn học dịch đang dần thống trị. Sách văn học thiếu nhi của tác giả Việt chưa nhiều, chưa hấp dẫn như nước ngoài.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, việc tổ chức cuộc thi viết cho thiếu nhi với mong muốn tìm kiếm những tác phẩm trong sáng, lay động tâm hồn. Nó còn xuất phát từ mục đích nuôi dưỡng bạn đọc nhỏ, chuẩn bị cho một thế hệ yêu văn học sau này.
Bởi vậy, ngoài vận động sáng tác cho thiếu nhi, Hội cũng kêu gọi, vận động xã hội chung tay để thực hiện hàng chục nghìn cuốn sách hay gửi tặng trẻ em vùng sâu, xa.