Dịp năm mới, nhiều nhà xuất bản, công ty sách lên kế hoạch chuẩn bị cho những dự án, dòng sách, tựa sách mà đơn vị mình sẽ thực hiện trong năm 2022.
Bên cạnh đó, bước sang năm Nhâm Dần, những người làm công tác khuyến đọc trong cộng đồng cũng chia sẻ một số dự định đưa sách về vùng nông thôn, trao tặng tủ sách doanh nghiệp, trường học tại một số tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Quang Thạch (trái) tặng "Tủ sách yêu con" đến một gia đình tại huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NVCC. |
Thúc đẩy văn hóa đọc cho trẻ nhỏ
Là người khởi xướng và thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn” nhiều năm nay, ông Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: “Sau khi phá vỡ bức tường dày về sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến sách của phần đa người Việt, chúng tôi tiến hành xây dựng các tủ sách hướng đến nhiều đối tượng khác nhau”.
Theo đó, "Tủ sách dòng họ", "Tủ sách nông thôn", "Tủ sách lớp học" hay "Tủ sách chiến sĩ" được thực hiện.
Mục đích của ông Thạch khi xây dựng "Tủ sách gia đình và trường học" là để cha mẹ, học sinh hiểu được tầm quan trọng của sách trong giáo dục. Đối với "Tủ sách giáo xứ", ông muốn các linh mục có thể nắm bắt được vai trò của sách trong thời đại mới. Trong khi đó, "Tủ sách dòng họ" hoạt động với mong muốn tạo ra kiến thức trong làng xóm, họ hàng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quang Thạch cho biết thời gian này, chương trình “Sách hóa nông thôn” sẽ tập trung đưa sách đến những gia đình có con em trong độ tuổi 0-6.
“Đó là cách để tạo ra sự kích hoạt hệ thống 'Tủ sách gia đình' trên toàn quốc. Trẻ cần được nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Ở Mỹ, khi con mới 5-6 tháng tuổi, cha mẹ đã đưa trẻ đến thư viện để tiếp cận sách”, ông Thạch nói.
Một trong những mục đích hoạt động của “Sách hóa nông thôn” trong năm 2022 là thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc từ các gia đình có con em trong độ tuổi mầm non, từ đó, nuôi dưỡng thói quen đọc cho trẻ sớm nhất có thể.
Sau nhiều năm khảo sát thực tế, ông Thạch nghiên cứu mô hình “Thư viện giá rẻ”. Chẳng hạn, đối với vùng quê Nam Định, Thái Bình, cha mẹ nông dân chỉ cần đóng góp vài chục nghìn đồng cũng có thể cùng nhau xây dựng "Tủ sách lớp học" cho con em mình.
“Mô hình này hướng tới đối tượng có nguồn lực hạn chế, nhưng vẫn tạo ra sự thay đổi lớn. Đây cũng là mục đích dài lâu của ‘Sách hóa nông thôn’. Chúng tôi muốn thúc đẩy một cách có chiều sâu để con em có thể tiếp cận tri thức với mức giá rẻ nhất”, ông Thạch bày tỏ.
Với "Tủ sách yêu con", ông Thạch suy nghĩ nhiều bậc cha mẹ từ nhỏ không có điều kiện đọc, nghe sách. Giờ đây, khi nhận những cuốn sách và đọc cho con nghe, họ vừa giáo dục trẻ, lại vừa có thêm cơ hội tự giáo dục mình.
Mục đích chính của việc xây dựng các tủ sách là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Hướng tới cộng đồng
Là người có nhiều năm thực hiện hoạt động khuyến đọc tại trường học, thư viện nông thôn, dịp đầu năm 2022, bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books - cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chuẩn bị cho khánh thành mô hình “Nhà văn hóa - không gian văn hóa đọc cộng đồng” đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên.
Bà Thoa cho hay đây là dự án lớn mà bà bắt tay thực hiện từ năm nay. Bà muốn cùng các nhà tài trợ cải tạo nhà văn hóa thôn, tích hợp thành không gian văn hóa đọc tại địa phương.
Đại diện Tân Việt Books cũng lý giải nhà văn hóa thôn được đầu tư nhưng lại ở trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, bỏ hoang, rất lãng phí.
“Nhận thấy điều đó, chúng tôi đưa không gian sách với 3.000-5.000 cuốn để tạo ra không gian rộng rãi, thoáng mát, thuận lợi cho bà con tiếp cận sách dễ dàng”, bà Thoa nói thêm.
Những đầu sách được đặt ở đây dành cho mọi đối tượng, lứa tuổi với những chủ đề đa dạng, từ sách thiếu nhi, kỹ năng, truyền cảm hứng, văn hóa, chính trị, lịch sử, văn học, kinh tế, từ điển… Sách được chọn lọc từ những nhà xuất bản có uy tín trong nước.
Bà Thoa cho biết sau khi khánh thành “Nhà văn hóa - không gian văn hóa đọc cộng đồng” đầu tiên tại Hưng Yên (vào cuối tháng hai này), bà sẽ kêu gọi và xây dựng liên tiếp một số mô hình tương tự tại các địa phương khác.
Từ đầu năm nay, chương trình “Tủ sách cơ quan - tủ sách doanh nghiệp” cũng được Thái Hà Books thực hiện với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc rộng rãi đến nhiều vùng, miền trên cả nước thông qua việc trao tặng tủ sách cho cơ quan, trường học tại địa phương.
Bà Nguyễn Hương - Phó tổng giám đốc điều hành Thái Hà Books (cũng là người có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng) - đánh giá tỷ lệ đọc của Việt Nam đang ở mức thấp.
Để phát triển văn hóa đọc, bà Hương đề xuất một số giải pháp khuyến đọc tại nhà trường và địa phương như: Hoạt động đọc sách 10 phút mỗi ngày tại các lớp học; thành lập tủ sách di động tại các điểm công cộng (bệnh viện, trường học, bến xe buýt); đẩy mạnh xây dựng các tủ sách gia đình, doanh nghiệp, thư viện…
Ông Nguyễn Quang Thạch cũng thông tin chương trình “Sách hóa nông thôn” đang triển khai nhân rộng tủ sách ở Ấn Độ để tạo ra lực kéo cho văn hóa đọc của người Việt. Theo ông, nhân rộng tủ sách ra thế giới cũng là đóng góp khả thi nhất mà người Việt có thể làm cho tiến trình phát triển của nhân loại trong thời điểm này.
“Tôi chọn Ấn Độ vì đây là quốc gia đa tôn giáo, số lượng người nghèo nhiều. Đây cũng là đối tượng mà ‘Sách hóa nông thôn’ hướng tới. Mục đích chính vẫn là làm thế nào để người nông dân nghèo có thể tự tạo ra thư viện cho con em họ”, ông Thạch cho hay.