Mandai Wildlife Group cho biết chưa có động vật nào tại vườn thú hoặc các công viên hoang dã của Singapore được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiện tại, đơn vị này khẳng định không có kế hoạch tiêm phòng cho thú vật, theo Strait Times.
"Chúng tôi đang thảo luận với các sở thú đối tác trên toàn cầu. Họ đã bắt đầu thử nghiệm tiêm phòng cho một số động vật quan trọng", Mandai Wildlife Group cho biết.
Trước đó, 4 sư tử châu Á tại vườn thú Night Safari ở Singapore cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 6/11. Sau đó, những nhân viên của Mandai Wildlife Group có tiếp xúc với 4 con vật đều có xét nghiệm dương tính với virus corona.
Vaccine Covid-19 dành cho động vật
Vụ việc ở vườn thú tại Singapore một lần nữa làm dấy lên tranh luận về việc tiêm vaccine Covid-19 cho động vật, khi đây được xác định là nhóm có thể làm lây lan virus dù nguy cơ thấp. Một số vườn thú trên thế giới đã tiên phong triển khai tiêm vaccine cho động vật.
Kể từ tháng 9, 48 động vật tại vườn thú Oakland ở California, Mỹ, bao gồm sư tử, gấu và chồn nâu, đã được tiêm một loại vaccine bởi Công ty Dược phẩm Thú y Zoetis.
Trước đó, hồi tháng 1, những con khỉ đột tại vườn thú San Diego cũng được tiêm loại vaccine tương tự, sau khi một ổ dịch Covid-19 được phát hiện tại đây.
Vào tháng 3, Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho động vật, sau khi các thử nghiệm cho thấy loại vaccine này có thể tạo kháng thể chống virus ở chó, mèo, cáo và chồn.
Được biết đến với tên gọi Carnivac-Cov, loại vaccine này được cho là có thể bảo vệ các loài dễ bị tổn thương và ngăn chặn các đột biến của virus.
AVS đã phát lệnh cách ly những con sư tử liên quan tới các cá thể đổ bệnh. Ảnh: Mandai Wildlife Reserve. |
Những con sư tử tại vườn thú Singapore mắc Covid-19 có dấu hiệu bệnh nhẹ, bao gồm ho, hắt hơi và mê man.
Bác sĩ Sonja Luz, lãnh đạo dịch vụ bảo tồn, nghiên cứu và thú y tại Mandai Wildlife Group hôm 9/11 nói việc cho du khách thăm thú khu vực sư tử châu Á dọc tuyến xe điện ở Night Safari đã đóng cửa từ ngày 7/11, sau khi những con sư tử được xác định dương tính với virus corona.
Bác sĩ Luz cho biết những con sư tử vẫn "hoạt bát, lanh lợi và ăn uống tốt". Bằng chứng cũng cho thấy động vật nhìn chung không xuất hiện tình trạng bệnh nặng khi nhiễm virus, vị chuyên gia cho biết thêm.
"Chúng tôi hy vọng những chú sư tử sẽ hồi phục hoàn toàn mà không cần phải điều trị nhiều. Tuy nhiên, thuốc chống viêm và kháng sinh có thể được kê đơn nếu cần điều trị thêm", bà cho biết thêm.
Theo bác sĩ Luz, đội ngũ chăm sóc động vật của công ty đang theo dõi chặt chẽ tất cả loài có nguy cơ cao hơn, bao gồm linh trưởng và động vật ăn thịt. "Không có động vật nào khác trong bốn công viên động vật hoang dã ở Singapore xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của việc nhiễm virus corona", bà cho biết.
Nguy cơ lây lan cho người rất thấp
Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết nếu động vật tiếp xúc gần và có cùng thụ thể ACE2 với người, chúng cũng có thể nhiễm virus.
Giáo sư Wang Linfa từ chương trình nghiên cứu bệnh dịch truyền nhiễm Duke - NUS cho biết hơn 10 loài động vật có vú, ngoài con người, đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giáo sư Fisher cho biết những vật nuôi bị nhiễm virus từ người thường chỉ biểu hiện tình trạng bệnh nhẹ. Việc mắc Covid-19 cũng không gây ra mối đe dọa lớn cho vật nuôi hoặc tạo ra nguồn lây nhiễm nghiêm trọng.
Còn theo giáo sư Wang, mặc dù con người có thể lây nhiễm sang cho vật nuôi, virus trong cơ thể chúng không có khả năng nhân lên hiệu quả. Do đó, nguy cơ vật nuôi mắc Covid-19 lây bệnh sang người vẫn thấp.
Mandai Wildlife Group cho biết cần nhiều thông tin hơn về sự an toàn và hiệu quả của việc tiêm phòng cho động vật. Ảnh: Strait Times. |
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), hiện chưa có bằng chứng cho thấy động vật có thể lây lan virus sang người. Do đó, nguy cơ con người nhiễm virus SARS-CoV-2 từ động vật là rất thấp.
Giáo sư Fisher nói mặc dù virus có thể lây lan từ động vật sang người, điều này thường không phổ biến.
Theo giáo sư Fisher, dù sự lây truyền từ động vật sang người cũng có thể tạo thành ổ dịch nhỏ, lây nhiễm từ người sang người mới là tác nhân chính của quá trình làm dịch bệnh lan rộng.
Để ngăn ngừa sự lây nhiễm, các nhân viên chăm sóc động vật được yêu cầu rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với chúng, đồng thời đeo khẩu trang và găng tay khi chăm sóc thú vật. Họ cũng phải giảm thiểu hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp với những động vật này, trừ khi được yêu cầu.
Các loài vượn lớn sẽ tiếp tục được kiểm tra nhiệt độ 2 lần mỗi ngày, như một phần của các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Nhân viên chăm sóc động vật sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hàng tuần để giảm khả năng lây truyền sang động vật.