Sau bao ngày mong đợi và đồn đoán, khán giả cuối cùng cũng biết được chủ nhân chiếc ghế nóng đầu tiên của Rap Việt 2024. Tối 21/8, nhà sản xuất chương trình đã công bố một cái tên khiến nhiều khán giả phải bất ngờ, đó chính là F.Hero, rapper đến từ Thái Lan.
F.Hero được giới thiệu là rapper gạo cội, có bề dày hoạt động và thành tích. Dẫu vậy, vẫn có nhiều băn khoăn trong cộng đồng fan rap về sự xuất hiện của rapper Thái Lan trong một cuộc thi dành cho giới rap Việt.
“Cha đỡ đầu của ngành công nghiệp rap Thái Lan”
Đó là danh xưng The Cloud dành cho F.Hero, ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của rapper này với ngành âm nhạc Thái Lan, đặc biệt giới rap, hip hop. Trong khi đó, Hiphopdx gọi F.Hero là “một anh hùng và nhà vô địch của hip hop Thái Lan”.
Tự nhận là một "chàng trai nhà quê", thông qua người bạn cùng trường, F.Hero đã lần đầu tiên khám phá ra nhạc hip hop vào năm 1992, năm mà Jump của bộ đôi nhạc rap người Mỹ Kris Kross được phát hành. Nhưng phải đến khi nghe album đầu tay mang tên chính mình của Joey Boy vào năm 1994, F.Hero mới "bắt đầu tập trung vào việc trở thành một rapper thực thụ".
Anh ấy giải thích: “Vì tôi là một chàng trai nhà quê sống rất xa thành phố, tôi không có truyền hình cáp để xem video ca nhạc như những người khác. Điều này có nghĩa là tôi không bao giờ biết Dr. Dre, 2Pac, Snoop Dogg... là ai. Nhưng những gì tôi biết là nhạc rap Thái như Joey Boy và KHAN-TEE”. F.Hero chỉ được nghe nhạc hip hop Mỹ rộng rãi vào những năm 2000. Không có rapper người Mỹ nào tạo ra tác động lớn đến F.Hero hơn gã khổng lồ hip hop Bờ Đông Nas.
F.Hero xác nhận ngồi ghế nóng Rap Việt. Ảnh: Thairath. |
Sinh năm 1982 và bắt đầu hoạt động năm 20 tuổi, F.Hero (tên thật Nattawat Srimawk) đến nay đã có hàng trăm sản phẩm âm nhạc trong các album khác nhau cộng thêm những dự án hợp tác cùng nghệ sĩ khác. Quá khứ khó khăn, thậm chí không có tiền để ăn, F.Hero chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ trở thành một nghệ sĩ, chủ hãng thu âm và có được chỗ đứng hôm nay.
Ngoài vai trò rapper, F.Hero cũng là nhà sản xuất, diễn viên. Trong cương vị diễn viên, anh đã tham gia 7 dự án điện ảnh cộng thêm 4 tác phẩm truyền hình.
F.Hero là giám khảo khách mời The Mask Singer Season 1 rồi trở thành giám khảo chính của chương trình một năm sau đó. Anh cũng ngồi ghế nóng The Rapper nhiều mùa liên tiếp. Trong sự nghiệp, F.Hero được ghi nhận những đóng góp cho rap, hip hop Thái Lan thông qua một số giải thưởng như Bài hát hay nhất tại Giải thưởng Komchadluek lần thứ 7 hay Màn hợp tác xuất sắc của năm tại Giải thưởng Guitar Mag 2022, Bài hát của nghệ sĩ hợp tác tại Giải thưởng Âm nhạc Totie 2021 nhờ ca khúc Mirror Mirror kết hợp cùng Milli và Changbin (Stray Kids).
Mirror Mirror đạt 116 triệu lượt xem sau 2 năm phát hành. Nam rapper này có nhiều sản phẩm khác đạt lượt xem khủng, chẳng hạn Slipped Your Mind với 121 triệu lượt, Sleep Now 102 triệu, Defendant Of Love 203 triệu hay sản phẩm hợp tác ới ơP-Hot, YOUNGOHM, FYMME thậm chí đạt hơn 260 triệu.
Trong suốt sự nghiệp, F.Hero hợp tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ ở Thái Lan mà trên thế giới, chẳng hạn Changbin (StrayKids), các rapper huyền thoại đến từ Hàn Quốc như Tiger JK, Yoonmirae, nhóm Babymetal (Nhật Bản)... Hiện, F.Hero điều hành một hãng thu âm lớn là High Cloud Entertainment.
F.Hero có sức ảnh hưởng lớn không chỉ vì sự nghiệp lâu dài và danh sách dài những thành tựu mà còn bởi anh hiểu anh ấy không đơn độc hay tồn tại một mình. “Thời thế thay đổi nên anh ấy trở nên mềm dẻo. Anh ấy nói với chúng tôi rằng anh ấy đã sáng tác nhạc ở mọi thể loại và trong suốt quá trình này, anh ấy cố gắng kết hợp yếu tố từ các thể loại khác vào phiên bản hip hop của mình”, Hiphopdx nhận định.
Khán giả Việt tranh cãi
Trong cuộc phỏng vấn với The Cloud, F.Hero chia sẻ anh có tham vọng đưa âm nhạc Thái Lan trước hết ra Đông Nam Á rồi tới Châu Á và cuối cùng là toàn cầu.
“Cảm hứng đến từ Hàn Quốc. Phải thừa nhận BTS, BlackPink hay Stray Kids đều đưa tiếng Hàn lên khắp các bảng xếp hạng và đã được công nhận ở cả Mỹ lẫn trên toàn thế giới. Điều đó cho chúng ta thấy ngôn ngữ không phải rào cản trong việc đưa âm nhạc ra quốc tế. Bởi Hàn Quốc đã chứng minh họ có thể đưa tiếng Hàn ra toàn cầu.
Khán giả Việt đang tranh cãi về sự xuất hiện của F.Hero. Ảnh: NationTV. |
Điều này mang lại nguồn cảm hứng cho chúng tôi và chúng tôi cảm thấy muốn làm cho T-POP (nhạc pop Thái Lan) khiến cả thế giới phải ngoái nhìn lại. Năm ngoái chúng tôi cũng làm việc với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam. Năm nay chúng tôi đang cố gắng hợp tác với Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia. Chúng tôi đang cố gắng củng cố thị trường Đông Nam Á. Bởi chúng tôi tin rằng đây là một thị trường thú vị trong tương lai”, rapper nói.
F.Hero nói ngôn ngữ không phải rào cản trong âm nhạc, khi nghe một bản nhạc hay, tất cả chúng ta chung một nguồn cội. Dẫu vậy, điều khiến khán giả Việt ái ngại nhất về chiếc ghế nóng của F.Hero ở Rap Việt lại chính là vấn đề ngôn ngữ. Họ không phủ nhận tài năng và thành tích của F.Hero nhưng trong khuôn khổ một cuộc thi rap tại Việt Nam, khán giả băn khoăn F.Hero liệu có thể hiểu nội dung thí sinh muốn truyền tải khi ngôn ngữ họ thể hiện là tiếng Việt. Đương nhiên, chương trình có thể cung cấp cho nam rapper bản lời đã dịch trước đó nhưng ngôn ngữ vẫn được xem là một trở ngại rất lớn.
Về tin tức F.Hero ngồi ghế nóng Rap Việt, JustaTee bình luận: “Chưa hiểu hết anh Thái đã phải hiểu thêm tiếng Thái”. Đương nhiên đó chỉ là bình luận mang tính hài hước của JustaTee nhưng thực chất cũng là nỗi lòng của nhiều khán giả.
“Mang danh Rap Việt nhưng theo dõi chương trình lại phải đọc phụ đề”, “Việt Nam đâu thiếu gì rapper đâu, sao phải mời rapper Thái Lan. Rồi anh ấy có hiểu thí sinh rap gì không?”, “Việt Nam hết rapper rồi sao?”, “Rap Việt thì mời nghệ sĩ Thái Lan làm gì vậy”, “Rap Việt nhưng mời giám khảo không biết tiếng Việt”, khán giả tranh cãi.
Thậm chí, trước những tranh cãi dữ dội từ cộng đồng mạng, Á quân Rap Việt mùa 2 Blacka lên tiếng: “Thấy toàn bình luận tiêu cực, mình không hiểu tại sao. Mấy bạn không thể thể hiện một chút tinh thần quý khách thân thiện với một nhân vật tầm cỡ như vậy ở nước bạn sao. Người ta cũng phải cỡ nào bên đó thì mới được mời chứ”.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý do GS Gianni Kriscak cùng Hiền Nguyễn Soprano (nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), Trịnh Thị Oanh (giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương) thực hiện. Sách ra mắt vào tháng 2 và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận.
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý là tác phẩm hiếm hoi về opera được thực hiện bằng tiếng Việt. Qua cuốn sách này, các tác giả đưa ra câu chuyện về một thành tựu văn hóa kinh điển của thế giới nhưng bằng góc nhìn nhẹ nhàng, dễ tiếp cận thay vì quá nặng nề, phức tạp. Các tác giả không đề cập quá nhiều tên, chi tiết và chỉ đưa vào cuốn sách những khoảnh khắc quan trọng, thú vị nhất trong giai đoạn đầu tiên của các vở opera.