Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tranh luận về hành vi bị cáo buộc là bạo lực gia đình

Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại các hành vi được coi là bạo lực gia đình quy định trong dự thảo luật, đảm bảo phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục Việt Nam.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 8/9. Quy định từng hành vi bạo lực gia đình, chủ thể điều chỉnh của luật... là những nội dung nhận được nhiều góp ý.

Quy định hành vi chưa phù hợp với truyền thống gia đình Việt

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn với nội dung: "Cưỡng ép thành viên gia đình học tập quá sức là hành vi bạo lực gia đình".

Bà Thanh phân tích Luật Hôn nhân và gia đình quy định: "Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập". Trên thực tế, bố, mẹ thường đôn đốc, thậm chí là ép buộc con học tập. Việc làm này phần lớn với mục đích tốt đẹp cho con.

Ngoài ra, quy định cưỡng ép thành viên gia đình học tập quá sức như trong dự thảo mang tính định tính, chưa định lượng và chưa cụ thể hóa hành vi gây hậu quả như thế nào thì coi là bạo lực. Bà đề xuất ban soạn thảo xem xét lại nội dung trên cho phù hợp với mục đích tốt đẹp trong việc giáo dục con học tập, Luật Hôn nhân và gia đình.

bao luc gia dinh anh 1

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) kiến nghị rà soát đảm bảo thống nhất Luật Phòng chống bạo lực gia đình với Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) điểm lại một loạt hành vi về bạo lực gia đình nêu trong dự luật như "hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc các hành vi cố ý xâm hại"; "lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm"…

Các nội dung này được đại biểu đánh giá chưa phù hợp với thực tế cuộc sống gia đình Việt Nam, đặc biệt gia đình nhiều thế hệ, “tứ đại đồng đường”.

Ông lấy ví dụ về việc “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, con hư, nghịch, bố mẹ giáo dục không được, nhắc nhở không được cuối cùng dọa "bố sẽ cho mấy roi". Nếu quy định như vậy thì hành vi này là đe dọa sẽ sử dụng vũ lực. Trong khi đó Bộ luật Hình sự quy định tất cả hành vi như hành hạ, ngược đãi, làm nhục đều phải xảy ra thường xuyên trong một thời gian dài.

“Ví dụ, ông chồng đi uống rượu về, bà vợ chì chiết một lần thôi nhưng không cẩn thận lại trở thành vi phạm về bạo lực gia đình”, ông Đức nói về đề nghị ban soạn tính toán kỹ, tránh để luật trở thành sự ngột ngạt trong vấn đề giáo dục theo văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của người dân Việt Nam.

Ai quản lý trường hợp bị phạt lao động trong cộng đồng?

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng người đã ly hôn và anh, chị, em ruột của người đã ly hôn không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Đặc biệt, khi dự luật có quy định hành vi bạo lực gia đình có nội dung: "Bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục gia đình là trẻ em, phụ nữ nuôi dưỡng con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng chăm sóc".

bao luc gia dinh anh 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Phạm Thắng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề xuất quy định hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha, mẹ và con, không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ. Bà lý giải theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rất cụ thể, đó là "ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án". Theo đó, mọi quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng cũng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

Về biện pháp răn đe, xử lý người vi phạm thực hiện công việc phục vụ trong cộng đồng mỗi lần không quá 20 giờ và một lần không quá 4 giờ, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng khó khả thi.

Ông đề xuất cơ quan chức năng chỉ cần phạt một buổi lao động. Bởi nếu quy lao động không quá 4 giờ/ngày, với mức phạt cao nhất là 20 giờ thì người bị phạt cần tới 5 ngày.

“Nói ví dụ bây giờ người bị phạt là lao động chính của gia đình, nếu bắt phạt như vậy thì mất tiền, mất ngày công lao động rồi ai mang cơm, chăm sóc cho họ, ai quản lý họ trong hoạt động cộng đồng?”, ông nói và đề xuất giải pháp công khai hóa, giáo dục tại nhà.

Vợ lấy thẻ ATM của chồng có phải bạo lực gia đình?

Dự thảo Luật Bạo lực gia đình sửa đổi coi hành vi kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính, là bạo lực gia đình.

18 hành vi có thể bị cáo buộc bạo lực gia đình

Dự luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định 18 hành vi được coi là bạo lực. Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hàng loạt hành vi từ thực tiễn.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm