Luật Thanh tra (sửa đổi) được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 7/9. Thời hạn công khai kết quả thanh tra, giữ nguyên thanh tra huyện và điều kiện thành lập thanh tra cấp tổng cục, cấp sở... là những nội dung lớn nhận được nhiều góp ý.
Sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra
Phương án tiếp tục giữ thanh tra huyện như hiện hành được đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng không tổ chức thanh tra huyện hoặc không thành lập thanh tra huyện tại một số huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá việc tiếp tục duy trì thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý Nhà nước là cần thiết, bảo đảm chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện các sai phạm từ ở cơ sở. Đồng thời, nội dung này bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương.
“Thanh tra huyện còn là đầu mối triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật”, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp, mà là chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Do đó, cơ quan chỉnh lý dự án luật đề nghị giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngoài ra, các ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng đồng tình với quy định của dự thảo luật về thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong luật tiêu chí, nguyên tắc thành lập.
Về quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo cho rằng quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn việc phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra sở có thể làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực có phạm vi quản lý chuyên ngành rộng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật như đất đai, tài nguyên, môi trường, y tế, tài chính, giáo dục…
Do đó, dự thảo luật thiết kế theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy phát biểu góp ý dự thảo luật. Ảnh: Phạm Thắng. |
Góp ý thêm, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng cần quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền thành lập cơ quan thanh tra sở ngay trong luật.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đồng tình chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay, tất cả vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này. Vì tất cả sở đều có cơ quan thanh tra, nên thực tế có những trường học phải tiếp thanh tra chuyên ngành của sở giáo dục, thanh tra sở tài chính, thanh tra của sở nội vụ.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum), đề nghị cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập thanh tra cấp sở trên phạm vi cả nước. “Tránh tình trạng thực hiện không thống nhất, đồng bộ, hoặc thành lập theo nhận thức của địa phương, áp lực biên chế mà không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Lo ngại việc bỏ thời hạn công khai kết luận thanh tra
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn khi dự thảo đã bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra.
"Luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra, trong thời hạn 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra. Đây cũng là yêu cầu của pháp luật về phòng chống tham nhũng, đòi hỏi phải công khai minh bạch hoạt động của cơ quan tổ chức để phòng ngừa tham nhũng", ông Cường nói.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bỏ quy định về thời hạn công khai. Dự thảo cũng thể hiện một số nội dung khác như có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra; nghiêm cấm tiết lộ thông tin khi kết luận thanh tra chưa được công khai.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc sửa đổi này có thể đem lại thuận lợi cho cơ quan thực hiện thanh tra, nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra.
Ông Cường cũng nhấn mạnh việc khó xác định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra, vì kết luận này có thể bị sửa đổi, bổ sung trước khi công khai.
“Về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành, tuy nhiên, nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành được mà không vi phạm điều cấm là tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra”, ông Cường băn khoăn.
Do đó, vị đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong thời hạn 10-15 ngày sau khi ký thì phải công khai kết luận thanh tra, tránh sự can thiệp, tác động vào kết luận thanh tra sau khi đã được ký.