Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 7/9.
Góp ý dự luật, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị ban soạn thảo rà soát và làm rõ các loại hình khác có thể bị lợi dụng để rửa tiền ngoài loại hình bảo hiểm nhân thọ, tại điểm 1 khoản 1 Điều 4.
Đối với vấn đề lợi dụng để rửa tiền tài trợ khủng bố, đại biểu nêu rõ hiện Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn và nằm trong số mười nước có số người tham gia đông. “Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu và đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền”, ông Phước nói.
Đại biểu nêu thực trạng thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định.
“Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là cần thiết, đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới đồng thời đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố”, ông Phước kiến nghị.
Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) nhìn nhận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã khắc phục được nhiều lỗ hổng, quy định của luật hiện hành.
Cụ thể, dự luật cơ bản đã có quy định chặt để giúp kiểm soát dòng tiền ra vào, giải quyết vấn đề nghi ngờ rửa tiền. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 3 (về giải thích từ ngữ rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có), ông Đức băn khoăn tài sản do nguồn gốc phạm tội mà có thì chúng ta phải xác định cụ thể như thế nào trong Luật Phòng, chống rửa tiền.
“Nếu phải đợi đến khi có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thì toàn bộ hoạt động giao dịch đáng ngờ hoặc có nghi ngờ về rửa tiền rất khó áp dụng biện pháp phòng, chống. Đây là vấn đề phải bổ sung, xem xét ở trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền”, đại biểu kiến nghị.