Vấn đề tác động của mất rừng, của các dự án thủy điện nhỏ đến thiên tai, mưa lũ vẫn chưa hết nóng sau 3 ngày thảo luận kinh tế - xã hội ở nghị trường Quốc hội.
Chiều 6/11, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.
“Có hoặc không, chứ không có nhưng”
“Tôi không nói thủy điện nhỏ không phải nguyên nhân, nhưng chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác”, tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường nói.
Nhắc lại chất vấn của nữ đại biểu về so sánh giữa rừng và trời, ông Trần Hồng Hà nói: “Rừng còn quan trọng hơn trời”.
Hướng về phía đại biểu trong hội trường, ông Hà nhấn mạnh rừng còn là nơi cung cấp 70% các tài nguyên cho con người, rừng cho sinh thủy, trong chiến tranh thì rừng che bộ đội.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác. Ảnh: Quốc hội. |
Bộ trưởng TN&MT nhắc lại quan điểm “thủy điện không phải nguyên nhân” và cho rằng hậu quả là do con người khai thác tài nguyên không dựa vào các quy luật tự nhiên.
“Mất rừng không có nghĩa là do thủy điện, mất rừng là do con người có tư duy sai trái khi trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã”, ông nhấn mạnh.
Cho biết hai Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ cùng Quốc hội xem xét vấn đề này, ông Hà cam kết sẽ rà soát từng mét vuông đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Ông Hà nói thêm mong đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nghe lại băng ghi âm câu trả lời của bộ trưởng tại phiên họp trước đó “để hiểu nhau hơn”.
Chưa hài lòng với phần trả lời của tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường, nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục tranh luận: “Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu, Bộ trưởng có nghe nhưng không hiểu tôi hỏi gì. Tôi hỏi nhưng Bộ trưởng chưa trả lời”.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho rằng Bộ trưởng Trần Hồng Hà chưa trả lời câu hỏi bà đặt ra. Ảnh: Quốc hội. |
Tiếp đó, đại biểu cho biết bà đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ việc tiếp tục xây dựng thủy điện nhỏ nữa không nhưng ông chưa trả lời. "Có hoặc không, chứ không có nhưng", nữ đại biểu thẳng thắn.
Đồng thời, bà đặt câu hỏi về việc ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có mối quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay. Những điều này liên quan đến vụ sạt lở vừa qua ở miền Trung.
"Không tự nhiên mà trời mưa được, cũng không tự nhiên mà địa chất đứt gãy. Bộ trưởng có nói trong nghị trường này rằng dân ở đó sống cả trăm năm nay và họ trồng rừng cây sản xuất, thì đó chính là lý do của vụ sạt lở. Tức là cây rừng tự nhiên đã mất đi rất lâu rồi, không có sự cải tạo đất và từ đó gây ra địa chấn về môi trường", bà Ksor H’Bơ Khăp phân tích.
Từ đó, bà đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc đánh giá tác động môi trường đối với những dự án, công trình này và khẳng định khâu này rõ ràng là có sự sai sót nên mới gây nên hậu quả như ngày hôm nay.
Thứ ba, bà cho biết với tư cách chuyên gia, Bộ trưởng cũng chưa trả lời về việc tham mưu cho Chính phủ. Ngoài ra, bà đặt thêm câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam.
Trong buổi chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chưa được sắp xếp trả lời tranh luận của nữ đại biểu Tây Nguyên. Phiên chất vấn sẽ trở lại vào sáng 9/11.
"Làm sao diện tích rừng tự nhiên tăng lên được”
Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội trước đó, vấn đề liên quan đến rừng, thủy điện và thiên tai cũng làm nóng nghị trường.
Giải trình trước rất nhiều băn khoăn đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin tổng diện tích rừng hiện nay của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng là 4,3 triệu ha.
“Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu hecta rừng”, ông Cường nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quốc hội. |
Song, ông nhắc tới mặt trái của vấn đề là trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như xưa bởi thời gian quá ngắn. Tư lệnh ngành nông nghiệp giải thích do giai đoạn chiến tranh, Mỹ đã rải rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng của miền Trung nên việc phục hồi phải từng bước.
Chia sẻ con số Bộ trưởng Cường đưa ra là “con số phấn khởi”, nhưng đại biểu Ksor H'Bơ Khăp lại cảm thấy vô lý và “có gì đó sai sai”. Bởi vậy, nữ đại biểu dùng quyền tranh luận trao đổi lại.
Theo đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Và bà khẳng định không có chuyện “rừng tự nhiên lại tăng lên được”.
“Làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?”, nữ đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu tỉnh Gia Lai, rừng là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không con gì có thể sống được ở đó. Vì thế, bà đề nghị Bộ trưởng Cường nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.