Không khí phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 5/11 tại Quốc hội tiếp tục "nóng" với các quan điểm thảo luận, tranh luận về thủy điện và tác động của xây dựng thủy điện đến các đợt thiên tai, lũ lụt.
Đây cũng là vấn đề xuyên suốt được đại biểu Quốc hội nhắc đến trong kỳ họp lần này.
"Nếu mọi thứ đều đúng, chỉ có trời sai"
Giơ biển xin tranh luận, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh muốn trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về mối liên quan giữa thủy điện và môi trường.
Giải thích băn khoăn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc dự án thủy điện có hai mặt, vậy mặt nào là chủ đạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc có quy trình pháp lý quan trọng, bài bản trong quản lý dự án đầu tư thủy điện.
Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đánh giá dự án đó có hiệu quả hay không, mức độ tác động tiêu cực thế nào.
Cũng theo tư lệnh ngành công thương, dự án thủy điện còn phải thoả mãn yêu cầu hạn chế tiêu cực để khai thác tốt ưu thế.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tranh luận với các đại biểu Quốc hội về tác động của thủy điện. Ảnh: Quốc hội. |
Với ý kiến nhận định thủy điện liên quan đến xâm phạm đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ có những khâu rất quan trọng trong xây dựng dự án thủy điện. Trước hết, phải bổ sung quy hoạch với tiêu chí nếu vượt quá 10 ha rừng/MW thì dự án sẽ không được xem xét.
Ngoài ra, khi bổ sung vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của tất cả bộ, ngành liên quan để bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong quy hoạch.
“Đây là chốt chặn đầu tiên, trong đó quy trình đầu tư bao gồm cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, sau đó quản lý dự án đầu tư”, Bộ trưởng Công Thương cho biết các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm. Quy trình này nhằm kiểm tra việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo khả thi cũng như tác động đến môi trường của dự án.
Trước ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc về vòng đời của thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các dự án này khi hết khấu hao, hết vòng đời sẽ căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Điện lực để báo cáo về chất lượng, từ đó xác định hướng sử dụng hoặc phải tháo dỡ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Ảnh: Quốc hội. |
Tranh luận với Bộ trưởng Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói: “Phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá”.
Theo ông, khi Bộ trưởng nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch và do tổ chức thực hiện, nhận định như vậy là “chưa ổn”.
Đưa ra nhận xét cá nhân, ông Hồng cho rằng ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt.
Lợi ích nhóm sẽ gây hậu họa
Tham gia tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đồng tình với quan điểm xây dựng thủy điện luôn có hai mặt.
Với mặt tích cực, ông cho rằng cần ủng hộ việc chúng ta đã thực hiện đúng các quy trình, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Còn mặt tiêu cực, Bộ Công Thương đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, đặc biệt trong nhiệm kỳ này. Song, ông đề nghị Bộ trưởng Công Thương cần kiểm soát có hiệu quả hơn những mặt tiêu cực.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói nếu ví thủy điện như "bom nổ chậm" thì phải tháo ngòi nổ đó. Ảnh: Quốc hội. |
Đồng tình một phần với phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc là các dự án thuỷ điện như “quả bom nổ chậm”, song ông Thịnh cho rằng đây là nhận thức chủ quan về điều kiện khách quan.
“Vấn đề đặt ra là có đúng như vậy không? Nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo ngòi nổ đó. Bom mìn ở Biển Đông chúng ta còn tháo được, rừng núi chúng ta cũng có thể tháo được. Tôi nghĩ cũng không đến mức quả bom nổ chậm, nếu đúng quả bom nổ chậm thì nguy hiểm quá”, ông Thịnh nói.
“Đừng tùy tiện so sánh vấn đề thủy điện với Biển Đông”, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục tranh luận. Ông cảnh báo nếu không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì nó sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.
Đồng tình với việc doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện, song ông Quốc góp ý phải yêu cầu doanh nghiệp đóng trước một khoản tiền “phí môi trường”, để sau này dừng khai thác còn dùng tiền đó khắc phục, tránh tình trạng sau này doanh nghiệp thoái thác.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, không nên tùy tiện so sánh thủy điện với Biển Đông. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải ‘nắm đằng chuôi’”, ông Quốc góp ý và cảnh báo yếu tố lợi ích nhóm sẽ gây tổn hại về sau.
Giơ biển tranh luận về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tự nhận là dân “ngoại đạo”, song ông Vân nhắc đến lịch sử xây dựng các dự án thủy điện, bắt nguồn từ dự án thủy điện sông Đà. Trong đó mặt tích cực là điều tiết lũ tốt.
Nhưng theo ông Vân, mặt trái là việc lạm dụng trong xây dựng, lợi dụng địa điểm và quy trình khi đầu tư thủy điện.
“Đáng tiếc rằng một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên”, đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh đó là điều đáng lên án.
Theo ông, đánh giá phải khách quan, nhiều chiều và con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, xử là xử động cơ mục đích của họ. “Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, ông Vân nêu quan điểm.