Khi Tổng thống Biden Joe lên kế hoạch cho chuyến đi chính trị đầy rủi ro tới Saudi Arabia vào mùa hè vừa rồi, các trợ lý hàng đầu của ông nghĩ rằng họ đã đạt được một thỏa thuận bí mật để tăng sản lượng dầu vào cuối năm nay.
Thế nhưng, mọi chuyện không diễn ra theo cách đó, theo New York Times.
Ông Biden đã có chuyến đi. Nhưng vào đầu tháng 10, OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, gây bất ngờ khi quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Các quan chức chính quyền Biden ngay sau đó đã bày tỏ sự tức giận và yêu cầu đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với quốc gia này. Một số nhà lập pháp cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman lừa gạt chính quyền Biden.
Thậm chí, các quan chức Mỹ cho biết vài ngày trước quyết định của OPEC+, họ đã nhận được sự đảm bảo từ thái tử Saudi Arabia là sẽ không cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố sau đó, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết "vương quốc bác bỏ cáo buộc và nhấn mạnh rằng những phân tích do các nguồn ẩn danh đưa ra là hoàn toàn sai sự thật".
Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói nước này là bên "chín chắn hơn" trong cuộc tranh cãi gần đây với Mỹ về quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+.
“Chúng tôi liên tục nghe người ta hỏi 'Thuận chúng tôi hay chống chúng tôi?’, liệu họ có bao giờ nói ‘Chúng tôi sát cánh bên người dân Saudi Arabia’ không?”, Reuters dẫn lời Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng.
Tổng thống Biden đến Saudi Arabia vào tháng 7. Ảnh: New York Times. |
Hiểu nhầm
Một số nhà phân tích cho rằng các quan chức cấp cao của Mỹ và Saudi Arabia đã hiểu nhầm nhau khi đề cập đến các vấn đề về động lực của thị trường dầu mỏ và địa chính trị. Họ nhận định chính quyền Biden sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu xem mọi thứ diễn ra như thế nào.
“Việc giải mã các quyết định được đưa ra của Saudi Arabia bây giờ khá phức tạp”, Hussein Ibish, học giả tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, cho biết.
“Ngay cả những người am hiểu nhất ở Mỹ cũng thường không chắc chắn”, ông nói thêm.
Dù vậy, các quan chức Nhà Trắng khẳng định chiến lược tổng thể của họ để giảm chi phí năng lượng đang hoạt động.
“Chúng tôi có bất đồng với Saudi Arabia về việc cắt giảm sản lượng gần đây, nhưng chính sách năng lượng của chúng tôi luôn tập trung vào giá chứ không phải số lượng. Và chính sách đó đang thành công với giá dầu thô giảm hơn 30% chỉ trong năm nay”, Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết vào tối 25/10.
Tuy nhiên, chính quyền Biden lưu ý họ đang chuẩn bị cho một đợt tăng giá khác có khả năng xảy ra vào tháng 12, nếu lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu Nga có hiệu lực và Saudi Arabia từ chối tăng sản lượng dầu để bù đắp cho việc giảm nguồn cung theo dự kiến.
Ông Biden gặp Thái tử Mohammed bin Salman tại Saudi Arabia. Ảnh: New York Times. |
Cái cụng tay vô ích ở Jeddah
Các quan chức chính quyền Biden đã bắt đầu lên kế hoạch từ mùa xuân năm nay để chuẩn bị cho việc tổng thống tham gia cuộc gặp thượng đỉnh ở Saudi Arabia.
Họ biết rằng một chuyến đi như vậy sẽ mang lại những lời chỉ trích bởi trước đó, ông Biden từng tố cáo Thái tử Mohammed đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, đồng thời tuyên bố sẽ cô lập Saudi Arabia trên trường quốc tế trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng một số phụ tá của tổng thống cũng nhìn thấy lợi ích từ chuyến đi và đã âm thầm cố gắng sửa chữa mối quan hệ ấy. Họ cho rằng nó có thể ngay lập tức củng cố cam kết của Saudi Arabia trong việc thuyết phục OPEC tăng sản lượng dầu, giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt.
Những người ủng hộ hàng đầu cho chuyến thăm, bao gồm đặc phái viên năng lượng Amos Hochstein và Brett McGurk, quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia về chính sách Trung Đông, đã gặp Thái tử Mohammed cùng các cố vấn của ông vào mùa xuân. Mỹ cho biết vào tháng 5, họ đã đạt được một thỏa thuận dầu khí riêng với Saudi Arabia gồm hai phần.
Đầu tiên, nước này sẽ đẩy nhanh việc tăng sản lượng của OPEC+ lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8, vốn được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 9. Sau đó, Saudi Arabia sẽ thông báo tăng sản lượng thêm 200.000 thùng/ngày vào mỗi tháng từ tháng 9 đến tháng 12.
Giá dầu đã từ từ giảm xuống vào thời điểm ông Biden đến Jeddah vào ngày 15/7. Với hình ảnh tổng thống Mỹ cụng tay Thái tử Mohammed, các quan chức Nhà Trắng tin rằng ít nhất họ đã củng cố các cam kết với Saudi Arabia trên một số mặt trận.
Giới chức Saudi dường như cũng háo hức chứng minh với người Mỹ rằng họ thực hiện đúng cam kết của mình. Trong hội nghị thượng đỉnh, họ đưa cho các thành viên trong phái đoàn của ông Biden biểu đồ cho thấy giá dầu đã giảm từ hơn 120 USD/thùng xuống còn 101 USD/thùng.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia. Ảnh: New York Times. |
Bất ngờ tháng 10
Người Mỹ rời hội nghị thượng đỉnh với niềm tin rằng thỏa thuận đang đi đúng hướng và Thái tử Mohammed hài lòng. Nhưng ở Riyadh, các quan chức hàng đầu của Saudi đã nói riêng với những người khác rằng họ không có kế hoạch tăng đáng kể sản lượng dầu.
Thật vậy, cảnh báo công khai đầu tiên về điều này được đưa ra vào ngày 3/8, khi OPEC+ công bố sản lượng tăng nhẹ trong tháng 9 là 100.000 thùng/ngày - một nửa so với những gì các quan chức Mỹ tin rằng Saudi Arabia đã hứa với họ.
Giới chức Mỹ cho biết họ không hiểu tại sao quyết định đó lại được đưa ra. Sau đó, vào ngày 5/9, OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày - rút lại mức tăng mà họ đã công bố một tháng trước đó. Các quan chức Mỹ ngày càng hoang mang và lo ngại về hướng đi của vương quốc.
Vào cuối tháng 9, Washington bắt đầu nghe tin rằng Riyadh có thể yêu cầu OPEC+ thông báo cắt giảm sâu sản lượng dầu tại cuộc họp dự kiến vào ngày 5/10. Nhà Trắng ngay lập tức hành động để khiến Thái tử Mohammed từ bỏ ý định.
Vào ngày 24/9, các quan chức Mỹ đã gặp trực tiếp Thái tử Mohammed và Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. Trong cuộc gặp, Thái tử Mohammed đảm bảo với người Mỹ rằng sẽ không có việc cắt giảm sản lượng, theo các quan chức Mỹ.
Nhưng 4 ngày sau đó, Nhà Trắng nhận được tin thái tử đã làm ngược lại. Các quan chức Saudi Arabia thông báo với Nhà Trắng rằng nước này sẽ đảo ngược quyết định, cắt giảm sản lượng tại cuộc họp OPEC+ diễn ra ở Vienna (Áo).
Mỹ đã cử Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói chuyện qua điện thoại với Mohammed al-Jadaan, bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, để phản đối việc cắt giảm sản lượng, nhưng điều đó không thể lay chuyển được quyết định trên.
Các quan chức Mỹ tin rằng Thái tử Mohammed bị ảnh hưởng bởi cuộc họp cấp cao ngày 27/9, trong đó Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz lập luận rằng cần phải cắt giảm sản lượng dầu để giữ giá không giảm mạnh xuống mức 50 USD/thùng.
Theo Bloomberg, động thái của Saudi Arabia đang tạo ra thách thức mới đối với chính quyền ông Biden khi chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng.
Cuốn sách đáng chú ý về Tổng thống Joe Biden
Mục Thế giới giới thiệu sách tham khảo về sự nghiệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden, với tựa đề “Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ” do Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản.
Sách khắc họa sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện, những điều đã xảy ra trong 8 năm ông đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, lý do ông rút khỏi cuộc bầu cử năm 2016 và vì sao ông quyết định trở lại, cạnh tranh cùng ông Donald Trump trong cuộc đua trở thành tổng thống Mỹ.