Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mỹ hẹp cửa trừng phạt Saudi Arabia

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Saudi Arabia gia tăng căng thẳng, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét một số biện pháp nhằm tăng cường trừng phạt đối với Saudi Arabia.

My,  Saudi Arabia,  giam san luong dau anh 1

Sau động thái cắt giảm sản lượng khai thác dầu của tổ chức OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu, Tổng thống Joe Biden nói với CNN rằng đã đến lúc Mỹ phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Saudi Arabia.

Ngày 14/10, Saudi Arabia phản pháo rằng yêu cầu của Mỹ nhằm hoãn quyết định cắt giảm sản lượng "trong một tháng" sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế.

Theo New York Times ngày 13/10, Nhà Trắng cho rằng Riyadh đang cố gắng "xoay chuyển" vấn đề. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhắc lại rằng Mỹ đang “đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia”.

Nhà Trắng và đảng Dân chủ đã đề xuất hàng loạt các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia. Giới phân tích cho rằng nếu các động thái quyết liệt này của Mỹ trở thành hiện thực, chúng có thể làm suy giảm nghiêm trọng mối quan hệ đối tác 8 thập kỷ của Mỹ với vương quốc này.

Dự luật NOPEC

Ngay sau khi Saudi Arabia quyết định giảm sản lượng dầu, Nhà Trắng và Tổng thống Biden cho biết sẽ "tham vấn Quốc hội Mỹ về việc bổ sung thêm các công cụ và cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu quyền kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng". Đây được xem như động thái ủng hộ NOPEC và rất có thể sẽ đặt dấu chấm hết đối với OPEC.

Theo Washington Post, dự luật NOPEC sẽ cho phép Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền đối với OPEC vì cố gắng kiểm soát sản lượng dầu hoặc gây ảnh hưởng đến giá dầu thô. Thỏa thuận sẽ đưa giá dầu khỏi sự kìm kẹp của một số nước bằng cách buộc các thành viên OPEC phải tuân theo luật chống độc quyền.

Nếu được thông qua, dự luật cũng sẽ thu hồi quyền miễn trừ tư pháp đối với các thành viên OPEC và các công ty dầu mỏ thuộc tổ chức này, đồng thời khởi xướng vụ kiện với tổ chức này về việc thông đồng để "thổi" giá dầu.

My,  Saudi Arabia,  giam san luong dau anh 2

Nếu được thông qua, dự luật NOPEC sẽ cho phép Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền đối với OPEC. Ảnh: Reuters.

Một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật NOPEC vào tháng 5. Nhưng để trở thành luật, dự luật vẫn cần phải được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua và được tổng thống ký Mỹ chấp thuận.

Một khảo sát thực hiện bởi Morning Consult và Politico cho biết chỉ dưới một nửa số cử tri Mỹ tham gia ủng hộ dự luật NOPEC, bao gồm hơn một nửa đảng viên Dân chủ và 40% đảng viên Cộng hòa.

Tuy nhiên, theo CNN, các nhà phân tích cho biết việc thông qua đạo luật cũng sẽ không tránh khỏi gây ra hậu quả với Mỹ.

CNN dẫn lời bà Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, Đại học Columbia, cho biết: “Tôi nghĩ động thái sẽ khiến cho tất cả loại hình liên doanh và đầu tư với các công ty dầu mỏ quốc gia trở nên phức tạp hơn”.

Cũng có những lo ngại rằng việc dỡ bỏ giới hạn sản lượng sẽ khiến giá dầu giảm xuống thấp, đến mức ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ có thể ngừng hoạt động. Saudi Arabia có chi phí khai thác dầu thấp nhất trên thế giới, vì vậy quốc gia này có thể tiếp tục thu lợi nhuận với giá dầu cạnh tranh. Chi phí khai thác dầu ở Mỹ cũng cao hơn đáng kể.

Viện Dầu khí Mỹ đã phản đối mạnh mẽ dự luật này, cho rằng nó sẽ gây bất lợi cho các lợi ích ngoại giao, quân sự và kinh doanh của Mỹ. Vào tháng 5, Phòng Thương mại Mỹ cho biết dự luật này “sẽ không có tác động đến việc điều chỉnh giá xăng dầu”.

Dừng bán vũ khí cho Saudi Arabia

Theo Reuters đưa tin ngày 11/10, ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã lên tiếng kêu gọi "lập tức đóng băng" quan hệ Mỹ - Saudi Arabia, bao gồm chấm dứt việc bán vũ khí vượt quá số lượng cần thiết.

Trong khi nhiều chính trị gia ủng hộ ý kiến của ông Bob Menendez, một số khác bày tỏ quan ngại rằng quyết định này sẽ thúc đẩy khả năng Saudi Arabia tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí từ Nga.

Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với doanh thu quân sự nước ngoài đạt trung bình khoảng 47 tỷ USD trong năm tài chính 2021. Theo báo cáo năm 2021 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Saudi Arabia là khách hàng chủ chốt của Mỹ, chiếm 24% tổng doanh số bán vũ khí của nước này.

My,  Saudi Arabia,  giam san luong dau anh 3

Quyết định đóng băng việc mua bán vũ khí nhiều khả năng sẽ không xảy ra. Ảnh: Reuters.

CNN dẫn lời học giả Karen Young cho rằng quyết định vĩnh viễn đóng băng việc mua bán vũ khí sẽ không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên Saudi Arabia có thể sẽ gặp phải những biện pháp hạn chế khác về vũ khí được bán.

Trong khi Saudi Arabia vẫn chưa tìm được nguồn cung thay thế Mỹ, việc Mỹ gia tăng các biện pháp hạn chế có thể tạo cơ hội để những nhà cung cấp khác thay thế vai trò của quốc gia này tại Saudi Arabia.

Theo các nhà phân tích, Saudi Arabia trên thực tế đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và có thể sẽ phải mua vũ khí từ một nguồn cung khác nếu Mỹ tiếp tục tăng cường hạn chế.

Rút quân đội Mỹ khỏi Saudi Arabia và UAE

Theo CNN, ba nhà lập pháp đảng Dân chủ vào tuần trước đã công bố một dự luật nhằm "chấm dứt sự bảo vệ của Mỹ đối với các đối tác ở Vùng Vịnh" bằng cách rút quân đội Mỹ khỏi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một thành viên khác của OPEC+.

Khoảng 3.500 quân nhân Mỹ hiện có mặt tại UAE. Dù đã rút hầu hết quân đội khỏi Saudi Arabia vào năm 2003, Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho vương quốc để chống lại các cuộc tấn công của lực lượng Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen.

My,  Saudi Arabia,  giam san luong dau anh 4

Theo các nhà phân tích, kịch bản Mỹ rút quân đội khỏi Saudi Arabia sẽ khó xảy ra. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kịch bản Mỹ rút quân đội khỏi Saudi Arabia sẽ khó xảy ra. Động thái này sẽ để lại một lỗ hổng sức mạnh trong khu vực, tạo cơ hội để các quốc gia khác thay thế vai trò của Mỹ.

Phó giáo sư Dave DesRoches tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược cận Đông Nam Á tại Washington cho biết các căn cứ quân sự đóng tại Saudi Arabia đã giúp vương quốc này tránh tấn công dân thường trong cuộc chiến ở Yemen.

Ông cũng cho rằng mối quan hệ quốc phòng bị cắt đứt có thể mất nhiều năm để xây dựng lại và sẽ gây tổn hại đến uy tín của Mỹ với tư cách là một đối tác an ninh trên thế giới.

Mỹ còn lựa chọn nào khác để trừng phạt Saudia Arabia?

Các chuyên gia cho rằng các phương án trừng phạt Saudi Arabia đưa ra bởi chính trị gia Mỹ là không thực tế. Nhà Trắng có thể sẽ phải tìm kiếm một giải pháp khác ít "đao to búa lớn" và giữ thể diện hơn.

CNN dẫn lời học giả Karen Young, cho biết: “Chính quyền Biden đang làm gia tăng căng thẳng chỉ vì lợi ích chính trị và hành động đó thiển cận một cách nguy hiểm".

“Chúng ta có thể kết thúc căng thẳng bằng một tuyên bố bớt căng thẳng hơn về việc mua bán vũ khí và một lời nhắc nhở về 'các giá trị'”, bà nói.

Nguyên nhân của gáo nước lạnh Saudi Arabia dành cho Mỹ

Nhiều lý do được đưa ra xung quanh quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô và giữ giá dầu ở mức cao của Saudi Arabia, bất chấp yêu cầu từ Mỹ.

Gáo nước lạnh của Saudi Arabia đối với Mỹ

Tiết lộ mới của Saudi Arabia về việc chính quyền Biden nhờ nước này trì hoãn quyết định giảm sản lượng dầu thêm một tháng đã khiến quan hệ hai bên ngày càng căng thẳng.

Đức Mạnh

Bạn có thể quan tâm