Nếu nhà đầu tư chuyên nghiệp thu lợi nhuận nhờ đầu tư vào tài sản trong giai đoạn bùng nổ, cách ghi nhận kế toán mới sẽ ghi nhận lợi nhuận thành gia tăng đóng góp cho GDP. Bán khống (short-selling), hay vay mượn tài sản và bán nó đi với kỳ vọng sẽ mua lại khi giá giảm, là một hoạt động đầu cơ khác cũng gia tăng đóng góp cho GDP theo cách đo lường mới.
Nếu người ta kiếm được tiền bằng cách bán khống các khoản đầu tư liên quan đến tài sản trước cơn suy thoái, như cách giám đốc quỹ đầu cơ tai tiếng John Paulson đã làm trước vụ phá sản năm 2008, lợi nhuận này sẽ làm gia tăng GDP.
Nhưng rõ ràng, giả dụ, nếu giá xe buýt cứ tiếp tục tăng, chúng ta sẽ lên tiếng đòi được giải thích tại sao các công ty vận tải xe buýt làm việc ngày càng kém hiệu quả, và có hành động ngăn chặn sự độc quyền để đẩy giá lên cao. Nhưng khi chi phí trung gian tài chính vẫn tiếp tục tăng cao, chúng ta lại ăn mừng sự ra đời của một ngành ngân hàng và bảo hiểm sôi động và thành công.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels. |
Theo các lý thuyết xem ngành tài chính là sản xuất, việc mở rộng không ngừng của nó không gây hại cho nền kinh tế; thực tế, nó hỗ trợ việc luân chuyển hàng hóa và dịch vụ. Nhưng trong phần lớn trường hợp, các quỹ đầu tư và ngân hàng hành động để gia tăng lợi nhuận của mình hơn là chuyển lợi nhuận vào các hình thức đầu tư khác, ví dụ như công nghệ xanh.
Macquarie, một ngân hàng của Úc tranh thủ sáp nhập sau khi tư nhân hóa để trở thành nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất thế giới, đã nhanh chóng nổi tiếng là biết cách gia tăng khoản nợ trên những tài sản này và chuyển doanh thu thành tiền trả lãi, đồng thời phân phối cho cổ đông.
Sau khi mua lại Thames Water năm 2006, họ đã chứng khoán hóa để gia tăng nợ của công ty từ 3,2 tỷ bảng lên mức 7,8 tỷ bảng vào năm 2012, trong khi vẫn tránh xa các đầu tư hạ tầng lớn. Chiến lược này đã gióng hồi chuông cảnh báo cho các nhà môi trường, khi vào năm 2017, Macquarie tiếp tục thu mua Ngân hàng Đầu tư Xanh, một công ty tài chính lớn phục vụ các dự án bảo tồn và năng lượng tái tạo do chính phủ Anh thành lập trước đó năm năm.
Ngoài ra, khi các nhà tài phiệt nhận thấy phía công nợ của họ có rất ít giá trị tiềm ẩn, họ càng cố gắng phát hành thêm nợ để gia tăng nguồn vốn. Khi họ không thể tiếp tục, giảm phát nợ xuất hiện, như nó đã xuất hiện tại Mỹ và châu Âu năm 2007 - 2008 và vẫn còn tác hại đến tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu 10 năm sau đó.
Xã hội nói chung chính là người gánh chịu chi phí của cơn cuồng đầu cơ: thất nghiệp gia tăng, tiền lương bị giam, đặc biệt là đối với những người bị bỏ lại trong lần mở rộng kinh tế trước đó. Nói cách khác, giá trị bị khai thác từ thu nhập của người lao động để duy trì lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Do đó, thật khó mà nghĩ ngành tài chính không phải là kẻ trục lợi, hay người khai thác giá trị. Thực tế, đây chính là tuyên cáo về tài chính trước thập niên 1970, được thể hiện trong tài khoản quốc gia, trước khi có quyết định gán “giá trị cộng thêm” cho ngân hàng và các hoạt động của họ trên thị trường tài chính.
Quyết định này đã tái xếp loại hoạt động sản xuất, và lợi nhuận tài chính mà nhà kinh tế học trước kia dễ dàng gán cho độc quyền của ngân hàng, nay gắn liền với kinh tế quy mô và nhận định của chính phủ rằng nó đã phát triển quá lớn nên không được thất bại.
Việc vẽ lại ranh giới sản xuất để bao hàm tài chính một phần là do vận động hành lang từ các ngân hàng, đây cũng là một đặc tính thể hiện quyền lực và tác động thị trường của họ. Khi thể hiện mình là một nguồn đóng góp lớn và ngày càng tăng cho đầu ra quốc gia, họ đã lật đổ lập luận của các quy định trước đó dành cho ngành tài chính.
Nếu trước kia những quy định này được xem là cơ chế bảo vệ trước những hành vi trục lợi hay liều lĩnh, thì nay nó bị phơi bày thành xiềng xích cản trở việc giao thương quý giá của tiền tệ và rủi ro.