Người hâm mộ Morocco khóc nức nở sau khi đội nhà bị loại ở bán kết World Cup 2022. Ảnh: Reuters. |
Nếu Euro bỏ trận tranh hạng ba từ năm 1980, thì những cuộc đấu dành cho đội thua cuộc ở bán kết lại được xem là truyền thống trong các kỳ World Cup. Chỉ có hai kỳ World Cup trong lịch sử không tổ chức trận tranh hạng ba, đó là giải đấu năm 1930 (kỳ World Cup đầu tiên) và năm 1950.
Kể từ World Cup 1954, các trận tranh hạng ba luôn được diễn ra, ngay cả khi nó nhận nhiều chỉ trích từ người hâm mộ lẫn chính các cầu thủ tham dự.
Trận đấu vô nghĩa nhất World Cup?
"Tôi không biết tại sao người ta lại tổ chức những trận đấu kiểu như vậy", cựu tuyển thủ Anh, Chris Waddle, nói về trận tranh hạng ba ở World Cup 2018. "Bạn hãy nói chuyện với các cầu thủ, những người trong cuộc, và chẳng ai muốn tham dự những trận đấu kiểu như thế. Hãy trao huy chương đồng cho tất cả và để họ về nhà".
Waddle từng tham dự trận tranh hạng ba World Cup 1990, nơi tuyển Anh để thua 1-2 trước Italy. Cựu cầu thủ Tottenham cam đoan rằng sau thất bại ở bán kết, chẳng cầu thủ nào còn tâm trạng để chơi thêm một trận đấu "vô nghĩa" nữa. "Họ (các cầu thủ thua ở bán kết) chỉ muốn về nhà. Họ đã trải qua nỗi thất vọng lớn nhất ở bán kết rồi", Waddle kết luận.
Quan điểm của Waddle vốn được cộng đồng bóng đá châu Âu chia sẻ từ lâu. Phần lớn các giải đấu cúp ở châu Âu đã bỏ trận tranh hạng ba, và trao huy chương đồng cho cả hai đội thua ở bán kết. Trận tranh hạng ba cuối cùng của Euro diễn ra vào năm 1980, khi Tiệp Khắc đánh bại Italy 9-8 trên chấm luân lưu. Các giải đấu cấp câu lạc bộ hàng đầu của châu Âu như Champions League, Europa League, FA Cup hoặc Copa del Rey (Cúp nhà Vua) cũng không có trận tranh hạng ba.
Ở World Cup 2014, Louis van Gaal đã gọi trận tranh hạng ba giữa Hà Lan và Brazil là cuộc đối đầu "vô nghĩa nhất giải đấu". HLV người Hà Lan khi đó nói: "Tôi nghĩ trận đấu này (tranh hạng ba) không bao giờ nên diễn ra và tôi đã nói điều này suốt 10 năm rồi. Điều tồi tệ nhất là khi bạn thua hai trận liên tiếp. Ở một giải đấu mà bạn đã chơi xuất sắc, việc phải về nhà với tư cách kẻ thất bại chỉ vì thua thêm trận tranh hạng ba theo quan điểm của tôi, là rất phi thể thao".
Van Gaal cũng tin rằng trận tranh hạng ba còn gây ra bất công khi được tổ chức gấp gáp sau vòng bán kết. "Thật không công bằng khi chúng tôi có ít hơn một ngày để phục hồi so với đối thủ của mình", ông nói. "Vì vậy, trong một giải đấu kiểu như World Cup, bạn không nên để các cầu thủ thi đấu tranh vị trí thứ ba. Bởi vì chỉ có một giải thưởng quan trọng và đó là trở thành nhà vô địch thế giới".
Ở World Cup 2014, dù được nghỉ ít hơn đội chủ nhà Brazil một ngày, Hà Lan vẫn đánh bại đối thủ 3-0 ở trận tranh hạng ba. Tuy nhiên, HLV Van Gaal sau đó vẫn không mấy vui vẻ vì cho rằng Brazil thua vì tinh thần của họ đã xuống thấp sau thảm bại 1-7 trước Đức tại bán kết.
Van Gaal là HLV phản đối mạnh mẽ việc tổ chức các trận đấu tranh hạng ba ở World Cup. Ảnh: Reuters. |
Tại World Cup 2022, trận tranh hạng ba giữa Croatia và Morocco sẽ diễn ra vào lúc 22h ngày 17/12 (giờ Hà Nội), tức chỉ hai ngày sau khi trận bán kết thứ hai kết thúc. Điều này có thể mang đến bất lợi về thể lực cho Morocco, như chính HLV trưởng của họ chia sẻ.
"Trận đấu với Croatia sẽ là một thử thách về mặt tinh thần", Walid Regragui thừa nhận. "Chúng tôi có nhiều cầu thủ bị chấn thương và đang ở chặng đường cuối cùng. Chúng tôi muốn giành chiến thắng nhưng tôi cũng muốn cho phép những cầu thủ chưa thi đấu ra sân và thi đấu".
Từ phát biểu của HLV Regragui, "Sư tử Atlas" nhiều khả năng không thể tung ra đội hình mạnh nhất trong trận hạng ba. Nhưng đối thủ của họ, Croatia, tin rằng khát khao giành huy chương đồng của Morocco vẫn rất lớn.
Tiền đạo Andrej Kramaric nói: "Nếu bạn giành huy chương ở World Cup, bạn sẽ trở thành người hùng bất tử tại đất nước của bạn. Tôi nghĩ rằng nếu bạn đặt câu hỏi này (về sự vô nghĩa của trận tranh hạng ba) với các cầu thủ Morocco, tôi không nghĩ họ sẽ nhìn nhận theo cách đó".
Người từng giành huy chương bạc World Cup 2018 khẳng định: "8 người trong đội hình hiện tại từng chơi giải đấu tại Nga, nên hiểu cảm giác giành huy chương tại World Cup, nhưng còn nhiều cầu thủ chưa có trải nghiệm đó. Họ muốn giành được tấm huy chương đồng bởi vì thành tựu đó sẽ theo bạn trong hết quãng đời còn lại".
Lợi ích tài chính
Từ phát biểu của Kramaric, có thể thấy tính chất của trận tranh hạng ba World Cup còn tùy thuộc vào đội bóng nào sẽ tham dự cuộc đối đầu đó. Với những nền bóng đá không giàu truyền thống như Morocco, trận tranh hạng ba World Cup luôn có ý nghĩa lớn. Điều đó khác với các nền bóng đá như Hà Lan hay Brazil.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo quan điểm của Kramaric, FIFA phải chăng nên học theo Euro để trao huy chương đồng cho cả Morocco lẫn Croatia? Có một lý do khác để FIFA tổ chức thêm trận tranh hạng ba, đó là tiền bản quyền truyền hình.
Morocco và Croatia sẽ chơi trận tranh hạng ba World Cup 2022. Ảnh: Reuters. |
Chênh lệch tiền thưởng giữa đội xếp thứ ba và thứ tư ở World Cup 2022 là 2 triệu USD. Đội thắng trong trận đấu giữa Croatia và Morocco sắp tới sẽ nhận 27 triệu USD tiền thưởng từ FIFA, trong khi đội thua nhận 25 triệu USD. Với FIFA, giá trị của trận tranh hạng ba còn lớn hơn con số 2 triệu USD rất nhiều.
FIFA ước tính nhận được 4,7 tỷ USD doanh thu từ World Cup 2022 (dữ liệu từ Forbes), trong đó riêng tiền bản quyền truyền hình của 64 trận đấu đã chiếm hơn phân nửa, ở mức 2,64 tỷ USD. Ngay cả khi trận tranh hạng ba World Cup 2022 không có nhiều ý nghĩa với một bộ phận người hâm mộ, nó vẫn giúp FIFA đảm bảo lợi ích cho các đài truyền hình hay nhà tài trợ.
Một trong những lý do khiến FIFA nâng số đội tham dự World Cup 2026 lên con số 48, đó là việc họ sẽ có thêm tiền bản quyền truyền hình từ số lượng các trận đấu tăng lên. UEFA cũng lên kế hoạch làm điều tương tự với Euro, vì thế thật khó để FIFA từ bỏ trận tranh hạng ba của World Cup.
Những tranh cãi về sự thiếu fair-play của trận tranh hạng ba World Cup vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai, nhưng khi bóng đá đã trở thành ngành công nghiệp không khói có giá trị hàng tỷ USD, lợi ích tài chính vẫn là thứ quan trọng hàng đầu.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...