Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Tranh cãi về liệu pháp đông y chữa Covid-19 của Trung Quốc

Trung Quốc đang ra sức quảng bá và thúc đẩy việc ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân Covid-19, dù hiệu quả của đông y vẫn cần được chứng minh.

Trung Quốc đang ra sức quảng bá việc dùng y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân Covid-19, dù hiệu quả của đông y vẫn cần được chứng minh. Giới khoa học phương Tây nghi ngờ các phương thuốc nghìn năm này.

Vương Đại Sơn (không phải tên thật), tài xế xe buýt ở tỉnh Hồ Bắc, nghĩ rằng một loại thuốc thảo mộc có thể đã cứu mạng anh. Thuốc thang sắc thành nước màu nâu vàng, được sản xuất bởi một công ty nhà nước lớn là một trong những bài thuốc đông y các bác sĩ sử dụng để điều trị cho người đàn ông nhiễm virus corona trong hai tuần tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán.

Anh nói đã bớt ho và sốt vài ngày sau khi dùng thuốc. Anh không nghĩ có thể tự khỏe lại, dù hầu hết bệnh nhân virus corona cuối cùng đều bình phục.

Cũng tại Vũ Hán, anh Hùng Thanh Trấn, kỹ sư chế tạo thiết bị bay không người lái, cũng được các bác sĩ cho dùng thang thuốc kết hợp 20 loại thảo dược, bao gồm ma hoàng, quế chi và cam thảo, như anh Vương.

Song không giống hầu hết bệnh nhân xung quanh, anh Hùng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của thuốc và không muốn uống.

"Tôi nghĩ thứ này chỉ để giúp người ta bớt lo thôi", anh nói. Anh được xuất viện hồi cuối tháng 2, sau hơn hai tuần điều trị tại bệnh viện dã chiến do các bác sĩ đông y vận hành, nơi không dùng đến thuốc hay các phương pháp điều trị phương Tây, trừ thuốc cho các bệnh nền như cao huyết áp.

Được phát triển từ các bài thuốc ra đời trước Công nguyên hơn hai thế kỷ, "thanh phế bài độc thang" (thang thuốc thanh lọc phổi và giải độc) nói trên là một trong 6 loại dược phẩm đông y mà chính phủ Trung Quốc nói có hiệu quả trong chữa trị bệnh nhân Covid-19 ở nước này.

Trong khi giới chức khắp thế giới đang khuyến cáo người dân thận trọng với các phương pháp điều trị thay thế đối với Covid-19, điều ngược lại đang diễn ra ở Trung Quốc.

Y học cổ truyền, còn gọi là Trung y hoặc đông y (phân biệt với "tây y", tức y học phương Tây), đang được nhà nước quảng bá rầm rộ, rằng hơn 90% bệnh nhân virus corona chủng mới ở nước này đã được chữa trị bằng liệu pháp đông y.

"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ 'kinh nghiệm Trung Quốc' và 'giải pháp Trung Quốc' trong việc điều trị Covid-19, để có thêm nhiều quốc gia biết đến Trung y, hiểu về Trung y và ứng dụng Trung y", bà Dư Diễm Hồng, Bí thư chi bộ kiêm Phó cục trưởng Cục Quản lý Trung y dược Nhà nước Trung Quốc, nói trong họp báo hôm 23/3, theo Tân Hoa Xã.

trung quoc dung dong y chua tri covid-19 anh 1

Tuy nhiên, ngay cả tại Trung Quốc, nơi đông y rất được tin tưởng, chính phủ vẫn không thể xua tan mọi hoài nghi và vẫn có những người như anh Hùng. Trên thế giới, những phương thuốc thảo mộc này có thể càng phải đối mặt với sự ngờ vực lớn hơn từ giới khoa học phương Tây, những người lâu nay vốn luôn chất vấn về sự an toàn và hiệu quả của đông y.

"Các hỗn dược đông y có thể chứa độc tính, bị nhiễm hoặc bị trộn lẫn với các loại thuốc cần kê đơn; chúng cũng có thể tương tác với các loại thuốc cần kê đơn", ông Edzard Ernst, giáo sư danh dự về y học thay thế tại Đại học Exeter ở Anh, nói với NBC News.

Ông cho rằng thuốc đông y "tiềm ẩn những nguy cơ trực tiếp lẫn gián tiếp đối với bệnh nhân", đem đến cho bệnh nhân cảm giác an tâm giả tạo, khiến họ bỏ qua các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị đã được chứng minh.

Dù vậy, giới chức Trung Quốc vẫn đang nỗ lực "quốc tế hóa" đông y trong tham vọng biến "bảo vật" này, theo cách gọi là Chủ tịch Tập Cận Bình, trở thành một "Con đường Tơ lụa" mới.

Virus corona chủng mới, tên chính thức là SARS-CoV-2, đã khiến hơn 2,3 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu, trong đó gần 161.000 người đã tử vong (tới ngày 19/4), nhưng cho đến nay chưa có thuốc đặc trị hoặc vaccine.

Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra cách để tiêu diệt virus gây chết người. Song hiện tại, các phương pháp điều trị chính thống vẫn tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng - và đó là lý do khiến Trung Quốc tin rằng các bài thuốc cổ sẽ giúp ích.

Trong vòng vài tuần sau khi Vũ Hán phong tỏa, truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu chiến dịch tuyên truyền về hiệu quả của đông y.

China Daily, báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc, đã xây dựng một chuyên trang về dịch Covid-19 mang tên "Fighting Covid-19 the Chinese way" (Chiến đấu với Covid-19 theo cách Trung Quốc). Chuyên trang dành một phần không nhỏ để đăng tải các bài viết liên quan đến đông y.

"Trung y không thể tiêu diệt virus corona chủng mới nhưng có thể chữa trị cho bệnh nhân Covid-19. Trung y có thể loại bỏ những đống rác gây bệnh ra khỏi cơ thể con người", ông Trương Bác Lễ, học giả Viện Công trình Trung Quốc, Hiệu trưởng Đại học Trung y Thiên Tân, được dẫn lời trong một đồ họa trên chuyên trang (ảnh bên).

"Rác được dẹp sạch, virus sẽ không còn nơi để sinh sống, tự khắc biến mất và người bệnh sẽ khỏe lại", theo vị chuyên gia là thành viên của nhóm cố vấn chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

"Bằng cách điều chỉnh sức khỏe toàn bộ cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch, Trung y có thể giúp kích hoạt khả năng đề kháng và phục hồi của bệnh nhân, đây là một phương pháp điều trị hiệu quả", bà Dư Diễm Hồng nói trong họp báo hôm 23/3 ở Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh tại Trung Quốc.

Bà cho biết y học cổ truyền từng giúp chữa trị các bệnh virus trong quá khứ, chẳng hạn dịch SARS năm 2002-2003 hay dịch cúm H1N1 năm 2009.

Theo thống kê chính thức được bà Dư dẫn ra, tổng cộng 74.187 bệnh nhân, tức 91,5% ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đại lục, được chỉ định các liệu pháp đông y trong quá trình chữa trị, tính đến ngày 23/3. Hơn 90% trong số đó đã cho thấy sự cải thiện về tình trạng bệnh.

Với sự đồng ý của chính phủ, bác sĩ Trương cùng 208 chuyên gia khác thành lập đội ngũ bác sĩ y học cổ truyền để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở quận Giang Hạ của Vũ Hán. Họ sử dụng kết hợp hai bài thuốc Trung y, "thanh phế bài độc thang" dạng sắc và "tuyên phế bài độc phương" (thông khí phổi, giải độc) dạng viên, kèm các liệu pháp như thái cực quyền, bát đoạn cẩm khí công và châm cứu, theo China Daily.

Hai phương thuốc này cùng với ba loại thuốc thương mại và một phương thuốc khác được đưa vào danh sách "tam dược tam phương" đông y để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng Trung Quốc. "Tam phương", tức ba phương thuốc, ngoài hai cái tên kể trên còn có "hóa thấp bài độc phương". "Tam dược" chỉ ba loại thuốc đã được đăng ký tên thương mại bao gồm: Kim hoa Thanh cảm, Liên hoa Thanh ổn và Huyết Tất Tịch.

trung quoc dung dong y chua tri covid-19 anh 2

Theo chuyên gia Trương, các phương pháp chữa trị bằng đông y cho thấy hiệu quả trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh do virus corona chủng mới gây ra. Ông dẫn số liệu: Đầu tháng 2, 80% trong số người được đưa vào 4 nhóm sốt, tiếp xúc gần, nghi ngờ và theo dõi y tế tại Vũ Hán cho kết quả dương tính với virus. Song sau khi họ dùng thuốc đông y trong 10 ngày, tỷ lệ này giảm còn 30%, và đến cuối tháng 2, chưa tới 10% dương tính.

Tổng cộng 4.900 bác sĩ y học cổ truyền đã có mặt tại Hồ Bắc, chiếm 13% số nhân viên y tế được huy động đến tỉnh này hỗ trợ chống dịch, bà Dư cho biết. Điều này đã giúp giải tỏa áp lực do sự thiếu hụt nguồn lực y tế gây ra, và việc điều trị bằng đông y đã được đưa vào các phiên bản thứ 5, 6 và 7 của hướng dẫn phòng chống dịch bệnh do Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc ban hành.

Tuy nhiên, giới khoa học phương Tây vẫn nhìn đông y với ánh mắt đầy quan ngại và có thể còn lâu Trung Quốc mới thuyết phục được các nước này áp dụng đông y trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

trung quoc dung dong y chua tri covid-19 anh 3

"Tôi nghĩ nỗ lực quảng bá Trung y trên thế giới có thể có kết quả ở một số khu vực, ví dụ như châu Phi", Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức tham vấn chính sách có trụ sở tại Washington, bình luận trên CNN.

"Nhưng trừ khi việc phát triển và tiếp thị đông y tuân theo các tiêu chuẩn hiện đại, như những gì được làm với thuốc artemisinin, đông y khó có thể được đón nhận nồng nhiệt ở phương Tây".

Artemisinin, hay chiết xuất thanh hao tố, là giải pháp được công nhận trên toàn cầu trong chữa trị bệnh sốt rét, có nguồn gốc từ cây thanh hao hoa vàng, loại thảo dược được sử dụng trong đông y. Đồ U U, nhà khoa học Trung Quốc tìm ra artemisinin từ những ghi ghép trong y thư cổ nước này, được trao giải Nobel Y Sinh năm 2015.

"Hầu như mọi sản phẩm đông y ở Trung Quốc đều không trải qua các quy trình nghiêm ngặt mà y học hiện đại phương Tây yêu cầu. Đó là một phần lý do tại sao người phương Tây không tin tưởng đông y", ông Huang nói.

Những phương thuốc đông y được lấy từ kho tàng y thư cổ hàng nghìn năm ở Trung Quốc, như cuốn Hoàng Đế Nội Kinh nổi tiếng. Thành phần trong phương thuốc cho Covid-19 bao gồm hàng chục loại thảo mộc kết hợp, nhưng phân tích chi tiết từng loại không được biết đến rộng rãi.

Theo ông Dan Larhammar, nhà sinh học tế bào phân tử, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, việc không hiểu biết tường tận về thành phần góp phần làm gia tăng sự nghi ngờ về hiệu quả của thuốc.

"Chúng tôi cần biết sản phẩm được tuyên bố có tác dụng cụ thể là gì và bằng chứng ra sao", ông nói, trước khi chỉ ra tầm quan trọng của việc hiểu các biến thể khác nhau của thuốc penicillin.

Các bài viết gần đây trên tạp chí Xu hướng Sinh học và tạp chí Y học Tích hợp Trung Quốc ủng hộ việc áp dụng các phương pháp điều trị truyền thống khác nhau đối với Covid-19.

Song ông Larhammar nói các nghiên cứu này và một số nghiên cứu khác tương tự thiếu sự nghiêm ngặt về khoa học: không có kích thước mẫu phù hợp, sử dụng các thuật ngữ mơ hồ và các khái niệm phi khoa học hoặc thử nghiệm quá nhiều cách kết hợp thảo mộc để phân tích tác dụng cụ thể của chúng.

"Chúng giống như những trò nhại. Không ai có thể xem việc này là nghiêm túc", ông nói trong một email gửi NBC News.

Ngay cả ở Trung Quốc, một bộ phận chuyên gia vẫn tranh luận về tác dụng của đông y.

"Cần thận trọng và không cho bệnh nhân dùng các loại thuốc chưa rõ hiệu quả, có thể gây bất lợi cho những bệnh nhân Covid-19 nặng", Xiao Yonghong, nhà dịch tễ học tại Đại học Y Chiết Giang, viết trên chuyên san y khoa The Lancet hồi tháng 3. Ông liệt kê đông y cùng một số loại thuốc tây khác chưa được chứng minh là hiệu quả trong điều trị căn bệnh mới.

Những con số có vẻ đầy lạc quan được giới chức công bố - chẳng hạn 92% bệnh nhân Covid-19 được điều trị đông y tại Bắc Kinh có tiến triển tốt - cũng nên được nhìn nhận bằng sự tỉnh táo, theo các chuyên gia.

"Bạn phải hiểu là 80% bệnh nhân là ở thể nhẹ. Thậm chí nếu họ không làm gì, họ cuối cùng cũng có thể bình phục", chuyên gia Huang của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói với CNN.

Lao Lixing, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Tích hợp Virginia, thừa nhận rằng những con số đó không thể đánh giá ở bề mặt.

"Chúng ta không có thống kê làm bằng chứng cho thấy ai trong số những bệnh nhân có tiến triển tốt là nhờ vào đông y", ông nói trên South China Morning Post.

Sự hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của đông y vẫn tồn tại sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên công khai ủng hộ việc ứng dụng đông y vào năm 2018 - bằng cách đưa phương pháp chữa trị cổ xưa vào cuốn sách có ảnh hưởng lớn của họ, trong đó phân loại hàng nghìn bệnh.

Một số người trong cộng đồng y sinh cho rằng WHO đã bỏ qua độc tính của một số loại thuốc thảo mộc và việc thiếu bằng chứng cho thấy tác dụng của thuốc, trong khi những người ủng hộ quyền động vật nói rằng việc này sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho các loài như hổ, tê tê, gấu và tê giác - các bộ phận cơ thể của chúng là thành phần được sử dụng trong đông y.

Đối với virus corona chủng mới, WHO ban đầu khuyên không nên chữa trị bằng đông y trên website, nói rằng những người mắc Covid-19 nên tránh "dùng các phương thuốc thảo mộc cổ truyền".

Song dòng này sau đó đã bị gỡ bỏ.

"Vào ngày 4/3, tại cuộc họp ban biên tập nhóm tin tức và thông tin rủi ro ở Geneva, một quyết định đã được đưa ra để loại bỏ dòng đó vì nó bao hàm quá rộng và không tính đến việc nhiều người chuyển sang dùng thuốc cổ truyền để làm giảm bớt một số triệu chứng nhẹ hơn của Covid-19", WHO cho biết trong một tuyên bố được đăng trên tài khoản chính thức của họ ở WeChat, mạng xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc.

Theo The Australia, đó là "thắng lợi sớm" cho Trung Quốc, nước giờ đây đã được xem là thành công trong việc khống chế dịch bệnh, bất chấp những cáo buộc về sai lầm và che đậy lúc đầu.

Sự thay đổi trong khuyên của WHO - tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước chỉ trích là "thiên vị Trung Quốc" - diễn ra vài ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng đại dịch cho thấy sự cần thiết của "Con đường Tơ lụa Y tế" toàn cầu.

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các nhân viên y tế "tuân thủ việc ứng dụng Trung y song song với y học phương Tây" trong cuộc chiến chống dịch. Ông nói "nhiều người thích dùng thuốc Trung y vì nó ít có tác dụng phụ, hiệu quả và tương đối rẻ".

Trong lúc cả thế giới đang chạy đua tìm vaccine và thuốc đặc trị cho Covid-19, chỉ thị này có vẻ như là một nỗ lực khác nhằm góp phần "quốc tế hóa" y học cổ truyền Trung Hoa.

Kể từ khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong ở tỉnh Hồ Bắc bắt đầu bình ổn, chính phủ Trung Quốc đã gửi hàng viện trợ cho các quốc gia khác nơi dịch bệnh lây lan nhanh chóng - từ dụng cụ xét nghiệm đến thuốc và đội ngũ bác sỹ y học cổ truyền.

Trung Quốc đã gửi 100.000 hộp Liên hoa Thanh ổn tới Italy trong tháng này, theo đài truyền hình CGTN của Trung Quốc. Một nhóm 12 bác sĩ cũng được cử đến để hỗ trợ chống dịch ở Milan, bao gồm hai chuyên gia đông y.

Tại Anh, ngày càng nhiều bệnh nhân đang điều trị bằng đông y đã yêu cầu các phương thuốc để ngăn ngừa và điều trị Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 12, theo Qikan Yin, Tổng giám đốc Viện Y học Trung Quốc tại London.

Theo Tân Hoa Xã, đông y đang ngày càng phổ biến ở châu Phi vì "chứng tỏ hiệu quả" trong việc điều trị Covid-19. Nhiều quốc gia thuộc châu lục đã đưa đông y vào hệ thống y tế công cộng.

Bà Dư Diễm Hồng của Cục Quản lý Trung y dược Nhà nước Trung Quốc cho hay các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nước khác, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Mỹ, Iran và Singapore. Bà cũng cho biết Bắc Kinh đã gửi thuốc men và thiết bị châm cứu đến hàng chục nước và khu vực.

trung quoc dung dong y chua tri covid-19 anh 9

Trong cuộc hội đàm trực tuyến với các đồng nghiệp người gốc Hoa ở Mỹ hôm 11/4, chuyên gia Trương Bác Lễ nói rằng Mỹ có "định kiến" đối với y học cổ truyền Trung Quốc nên "đáng tiếc" đã không ứng dụng phương pháp điều trị này.

"Do sự khác biệt về hệ thống xã hội, chúng ta không thể ép người người chấp nhận điều trị bằng Trung y. Thật đáng tiếc khi Mỹ không thể ứng dụng Trung y để điều trị lâm sàng cho bệnh nhân Covid-19", ông nói với Global Times.

Sự ủng hộ của giới chức Trung Quốc đối với việc truyền bá đông y đã vượt ra ngoài phạm vi khoa học. Năm ngoái, ông Tập nói đây là "bảo vật" của văn minh Trung Hoa và sẽ trợ giúp cho "công cuộc chấn hưng dân tộc vĩ đại".

"Trung y là hiện thân của trí tuệ bác học uyên thâm và hàng nghìn năm xây dựng nhận thức về sức khỏe và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn của Trung Quốc. Đây là báu vật của khoa học Trung Quốc cổ đại và là chìa khóa để mở ra kho tàng văn minh Trung Hoa", ông từng nói hồi tháng 10/2019.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ đông y một phần vì niềm tự hào dân tộc và văn hóa. Dưới thời ông Tập, y học cổ truyền đã "phát triển thành một biểu tượng của lòng yêu nước".

"Bạn sẽ không được xem là yêu nước nếu bạn không tin vào y học cổ truyền Trung Quốc", ông Huang nói trên CNN.

trung quoc dung dong y chua tri covid-19 anh 10

Tinh thần đó có thể là lý do sâu xa đằng sau việc các học sinh và giáo viên ở thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, được yêu cầu uống một loại thuốc sắc thì mới có thể quay lại trường hồi đầu tháng 3. Họ cũng được yêu cầu đăng ảnh và video làm bằng chứng cho thấy họ đã uống thuốc, được cho là giúp tăng cường hệ miễn dịch, theo Global Times.

Sự việc dẫn đến làn sóng phẫn nộ trên mạng, trong đó nhiều người đặt câu hỏi tại sao người khỏe mạnh lại bị ép dùng thuốc một cách vô tội vạ như vậy. Sau đó, phòng giáo dục thành phố Lâm Thương đã xin lỗi và rút lại yêu cầu này.

Chính phủ Trung Quốc ước tính giá trị thị trường đông y có thể lên đến hơn 3.000 tỷ nhân dân tệ (430 tỷ USD) vào năm 2020, tăng 71% so với năm 2017, theo CNN. Bắc Kinh cũng đang tìm cách quảng bá lĩnh vực này cùng với "Sáng kiến Vành đai và Con đường", một dự án hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng.

Trong bối cảnh đông y được chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, những người ở phe chỉ trích cũng đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng.

Anh Hùng, bệnh nhân đã bình phục dù trước đó không chấp nhận uống nước thuốc thảo mộc, cho biết anh đã bị chỉ trích trên mạng sau khi công khai đặt câu hỏi về hiệu quả của đông y trên Weibo, nền tảng giống Twitter ở Trung Quốc.

"Nhiều người mù quáng kiểu cực đoan và hẹp hòi", anh nói với CNN. "Vì vậy, bất kể bạn cố gắng nói gì hay tranh luận gì với họ, họ đều không quan tâm đến sự thật".

Thị trường y tế siêu nóng ở TQ - khi khẩu trang thành 'máy in tiền'

Nhu cầu tăng vọt về thiết bị y tế dẫn đến sự sôi động, thậm chí điên cuồng, chưa từng thấy trong thị trường, đặc biệt ở Trung Quốc - nơi "luật lệ đang được viết lại mỗi ngày".

Trung Quốc khẳng định chưa bao giờ che giấu dịch Covid-19

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định ở nước này chưa từng xảy ra tình trạng che giấu bùng phát lây nhiễm virus corona.

Trung Quốc phê duyệt thử nghiệm 2 loại vaccine ngừa Covid-19

Trung Quốc vừa phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu trên người cho 2 loại vaccine ngừa Covid-19, nâng số vaccine đang thử nghiệm ở nước này lên 3 loại.

Đông Phong

Thiết kế: Hà My. Ảnh: China Daily, Tân Hoa Xã

Bạn có thể quan tâm