Giới đầu cơ đã mang đến nhà máy ở Trung Quốc những vali đầy tiền để đảm bảo có được những chiếc khẩu trang vừa "ra lò". Những chiếc máy thở được mua đi bán lại như thể đó là than đá, trước khi đến tay người mua cuối cùng với mức giá "muốn khóc".
Các chính phủ chi số tiền lên đến 8 con số để mua các mặt hàng khẩn thiết này nhưng cuối cùng lại trắng tay trước một chính phủ khác nhanh hơn trong việc chi tiền. Những người mua chi cả triệu đô nhưng cuối cùng chỉ được "mặt nạ hóa trang Halloween dơ dáy".
Thế giới đang ở trong "cuộc săn tìm vàng" đối với thiết bị y tế và không có sự kiểm soát hay giới hạn nào, theo một bài viết trên South China Morning Post.
Thị trường thiết bị y tế tại Trung Quốc hiện nay được ví như "Miền Tây hoang dã", không có sự kiểm soát hay giới hạn nào. Ảnh: SCMP. |
Miền Tây hoang dã
"Đây là Miền Tây hoang dã - luật lệ đang được viết lại mỗi ngày", Fabien Gaussorgues, đồng sáng lập của Sofeast, công ty giám sát việc kiểm soát chất lượng tại Thâm Quyến, bình luận.
"Số tiền trong ngành gây kinh ngạc, tăng trưởng rất nhanh. Việc thẩm tra (trước khi ký hợp đồng mua bán) đôi khi không phải là một lựa chọn - người ta không có thời gian. Mọi khía cạnh đều phức tạp".
Bài viết dẫn ra ví dụ: một bang ở Mỹ đang trong quá trình mua máy thở từ một nhà máy ở Trung Quốc trước Tết Thanh Minh 4/4. Bên bán yêu cầu trả trước toàn bộ số tiền, điều giờ đây đã trở thành thông lệ.
Do không biết về việc nghỉ lễ tết ở Trung Quốc, cũng như tốc độ mà thị trường đang di chuyển, bên mua tiến hành chuyển khoản vào ngày 3/4, khi các ngân hàng ở Trung Quốc đều đóng cửa. Tiền vào tài khoản bên bán ngày 7/4, khi số máy thở đó đã được bán cho người khác.
Bối cảnh hiện nay đã khiến nhiều công ty ở Trung Quốc đã chuyển sang sản xuất khẩu trang và thiết bị khác mỗi ngày. Một số nhà sản xuất yêu cầu đặt cọc dù chỉ là để đi thăm nhà máy, xem hàng mẫu hay xem giấy phép sản xuất.
Một số chính phủ đôi khi muốn mua hàng "bất cứ đâu trừ Trung Quốc" do lo ngại về chất lượng sản phẩm hoặc tính toán địa chính trị, song do tình hình hạn chế xuất khẩu ở nhiều nước, Trung Quốc cuối cùng trở thành lựa chọn duy nhất.
Hơn 38.000 công ty mới đăng ký sản xuất hoặc mua bán khẩu trang tại Trung Quốc từ đầu năm 2020, tăng gấp nhiều lần so với mức 8.594 công ty trong cả năm 2019. Nhiều công ty vốn sản xuất bóng golf, thuốc lá điện tử và linh kiện ô tô quay sang sản xuất khẩu trang vì "có thể thu lời trong vòng 2 tuần sản xuất".
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trùng Khánh, Trung Quốc, hồi tháng 1. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Sự tham gia ồ ạt của các nhà sản xuất mới đã khiến quá trình kiểm soát chất lượng trở nên lỏng lẻo và Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích ở nước ngoài, buộc họ phải siết chặt quy định xuất khẩu.
Thị trường tăng trưởng chóng mặt cũng làm xuất hiện nhiều người "vô lương tâm" chỉ muốn kiếm lời nhanh chóng, theo bài viết của SCMP.
Những chiêu lừa đảo, đẩy giá
Harris Broken, công ty luật quốc tế nổi tiếng, đã tiếp nhận 3 vụ mất tiền vì mua bán khẩu trang Trung Quốc chỉ trong một ngày tháng 3. Số tiền trong mỗi vụ lên đến 1 triệu USD.
Trong một vụ, một doanh nhân người Mỹ đầu tư 1 triệu USD cho một nhà cung cấp vải vóc Trung Quốc để sản xuất khẩu trang, nhưng tay này đã biến mất cùng số tiền. Trong một vụ khác, người mua chi 1 triệu USD để mua khẩu trang y tế song cuối cùng nhận về "những chiếc mặt nạ hóa trang Halloween dơ dáy".
"Tôi nhận được 40 email một ngày hỏi chỗ mua khẩu trang. Họ không phải muốn giúp đỡ gì, mà chỉ muốn mua được hàng rẻ để bán với giá cao", ông Dan Harris, chủ hãng luật, cho hay.
"Một người gọi tôi mà đề nghị đưa 50.000 USD để có được danh sách các nhà cung cấp khẩu trang từ chúng tôi".
Lực lượng chức năng Hong Kong phát hiện khẩu trang kém chất lượng tại một cửa hàng hôm 17/4. Ảnh: SCMP. |
Đối với người mua nước ngoài, giá bán khẩu trang y tế cơ bản từ nhà máy Trung Quốc đã tăng từ 30 lên đến 70 cent Mỹ. Giá bán găng tay đã tăng gấp đối, nhưng nhà máy thậm chí không muốn gặp bạn nếu bạn không đặt mua ít nhất 100.000 chiếc.
Tại Trung Quốc hiện nay, "máy sản xuất khẩu trang giống như máy in tiền", David Sun, chủ một công ty hậu cần ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nói. "Nhiều nhà máy đã sản xuất trong khi chờ đợi giấy phép".
Dennis Meseroll, đồng sáng lập công ty tư vấn Consultancy Tractus Asia, ví von thị trường máy thở tại Trung Quốc hiện nay giống như "hội chứng hoa tulip (tulip mania) ở Hà Lan vào thế kỷ 17. Giá bán một củ tulip khi đó mới xuất hiện cao gấp 10 lần thu nhập hàng năm của một thợ thủ công lành nghề, trước khi giảm xuống đáy.
Giá bán một chiếc máy thở AeonMed được xản xuất tại Trung Quốc đã tăng từ mức 10.000 USD cách đây vài tuần lên thành 75.000 USD.
Các chuyên gia lý giải sở dĩ giá bán tăng cao là vì sự xuất hiện của "cơn bão" người mua bán trung gian để kiếm lời.
"Bạn có hàng nghìn kẻ xấu đang cố kiếm lời nhanh, trong khi người mua từ nước ngoài không biết cách làm ăn với Trung Quốc. Họ đang bị trấn lột", Clive Greenwood, giám đốc một nhà cung cấp tại Tô Châu, Trung Quốc, nhận xét.