Thông thường, tiêu đề của bài hát được lấy trực tiếp từ phần điệp khúc hoặc phần hook. Đây là một trong những cách rõ ràng nhất nhạc sĩ thường áp dụng để khiến bài hát tạo dấu ấn với khán giả.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tiêu đề bài hát không có mối liên hệ nào với lời ca khúc, thậm chí chúng khá sáo rỗng, vô nghĩa và phản cảm. Theo Ramita Arora - nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Berklee - đôi khi, tiêu đề phản ánh suy nghĩ lười biếng của các nhạc sĩ.
Tiêu đề có thể đi theo hàng nghìn hướng khác nhau. Việc đúng sai của các tiêu đề bài hát đã nhiều lần gây tranh cãi, đặc biệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Ramita Arora cho rằng một điều chắc chắn đúng là nếu muốn bài có tác động và thu hút người nghe thì bài hát nên được đặt tên có chủ đích và ý nghĩa, lành mạnh.
Đánh mất nét đẹp trong tiêu đề bài hát?
Thực tế, việc đặt tiêu đề bài hát gây tranh cãi qua từng năm ở Vpop. Rất nhiều lần, công chúng phẫn nộ vì những bài hát có tiêu đề phản cảm. Tuy nhiên, bất chấp sự chán nản của khán giả, Vpop vẫn xuất hiện những bài hát có tiêu đề nhảm nhí, vô nghĩa.
Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn là một trong những sản phẩm gây tranh luận thời gian qua. Lý do là tiêu đề bài hát.
Ca khúc được Trịnh Thăng Bình phát hành vào tháng 6. Ngay sau khi công bố tiêu đề bài hát, Trịnh Thăng Bình và Liz Kim Cương đã đối diện nhiều ý kiến trái chiều. Tiêu đề không phản cảm nhưng khán giả cho rằng nó vô nghĩa, nhảm nhí và “ăn theo” bài hát trước đó của Trịnh Thăng Bình là Khác biệt to lớn.
Giải thích về tiêu đề bài hát, Trịnh Thăng Bình cho biết: "Ca khúc này đúng là phần 2 của Khác biệt to lớn, về rất nhiều thứ, từ âm nhạc, ý tưởng, đến nội dung. Nên tôi muốn liên kết hai bài hát về mọi mặt, từ tên bài cho đến người thể hiện".
Tuy nhiên, khán giả không hài lòng với giải thích của nam ca sĩ. Họ chán nản khi nghệ sĩ Việt hiện giờ đặt yếu tố câu view, gây chú ý lên trên sự đẹp đẽ, ý nghĩa của tiêu đề bài hát.
Tiêu đề bài hát được nhận xét là quá dài và vô nghĩa. |
Họ bình luận: “Tên bài hát ngày càng kỳ cục như thế à?”, “Tôi quá sợ hãi vì câu cú bài hát ngày nay”, “Khoan bàn đến vấn đề nhạc mà nhạc Vpop giờ đặt tên kỳ cục như vậy hả?”, “Tựa bài hát vừa dài lại nhảm nhí”.
Oh My Chuối, Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu, Cắm sừng ai đừng cắm sừng em, Thu dẩm, Em sai rồi anh xin lỗi em đi… là những bài hát gây thất vọng về tiêu đề. Mẩy thật mẩy của BigDaddy, Emily được phát hành từ giữa năm 2021. Sản phẩm này bị chỉ trích vì cả tiêu đề, hình ảnh lẫn ca từ phản cảm. Sau khi vấp phải ồn ào, MV bị ẩn và đến nay chưa xuất hiện trở lại. Nhiều khán giả thậm chí đã dùng từ thảm họa với sản phẩm này.
MV Cần xa của Hiền Hồ từng khiến nhiều khán giả thắc mắc. Tiêu đề được nhận xét giống một loại chất kích thích. Khi đó, nữ ca sĩ giải thích: “Tôi nghĩ sau khi xem MV, mọi người sẽ nghĩ tiêu đề theo hướng tích cực. Trong MV, 'cần xa' là từ súc tích nhất để nói với những cô gái thông điệp hãy tránh xa chàng trai lăng nhăng để sống lạc quan, mạnh mẽ và tự tin rời xa những ai lừa dối, làm mình đau khổ”.
Bài hát phải đẹp từ cái tên
Trao đổi về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng nói: “Tôi là người theo chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Đối với tôi, một bài hát là phải đẹp từ giai điệu, đến ca từ, nội dung ý nghĩa. Đẹp đến cả cái tên, đó mới là sự hoàn mỹ. Người sáng tác là người điêu khắc nên trách nhiệm của người sáng tác là miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp".
Trước đó, Nắng cực, Như cái lò, Như lời đồn… cũng gây tranh cãi dữ dội trong cả dư luận lẫn giới chuyên môn vì tiêu đề được cho là quá phản cảm, dễ gây liên tưởng tới những vấn đề nhạy cảm.
"Nếu chúng ta cứ cười xuề xòa với những cái tên như Nắng cực, Như cái lò, Như lời đồn… rồi biện minh do mọi người nhạy cảm nên suy diễn chứ tôi chả ý gì thì sớm muộn cũng sẽ nhan nhản những bài khác. Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện lẫn tình cảm của khán giả, có đáng không? Cần hướng tâm hồn của chính mình và mọi người đến những điều tích cực trong cuộc sống. Cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp, rồi dẫn đến hành vi và lối sống đẹp”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nêu quan điểm.
Như lời đồn của Bảo Anh gây tranh cãi suốt thời gian dài. |
Trong khi đó, nhạc sĩ Tú Dưa nhận định với Zing: "Vốn từ ngữ của tiếng Việt phong phú, do đó không nhất thiết phải dùng những từ ngữ dung tục để nói về một vấn đề nào đó. Ai cũng muốn thể hiện cái tôi và tôi không khắt khe với việc đó. Nhưng tôi nghĩ cần có ý thức vì người làm văn hóa không thể thiếu phông văn hóa được".