Là một người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Chợ Lớn, có thể nói, ngay từ nhỏ, Minh Cúc được tiếp xúc một cách sâu sắc nhất với nền văn hóa phong phú mà tổ tiên mình đã mang theo trên bước đường lưu lạc mấy trăm năm về trước.
Đặc biệt, một trong những yếu tố đặc trưng và tạo nên ảnh hưởng rộng rãi nhất đó chính là ẩm thực. Những món ăn, những hương vị, những tên gọi… theo thời gian đã không còn gói gọn trong phạm vi cộng đồng những cư dân Hoa kiều mà lan xa hơn thế để rồi trở thành một phần hồn cốt không thể thiếu của nền văn hóa, ẩm thực phương Nam.
Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự biến đổi trong nếp ăn, nếp ở theo cùng sự phát triển của nhịp sống đô thị, theo một cách vô tình hay hữu ý, người ta lại đang dần lãng quên đi một phần nào hệ ẩm thực đặc sắc như vậy trên chính vùng đất mà mình sinh sống.
Pà pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi ra đời không chỉ là sự tái hiện bằng ngòi bút của tác giả về vẻ đẹp, sự phong phú trong nghệ thuật ẩm thực mà những cư dân Hoa ở vùng Chợ Lớn đã dày công gìn giữ qua nhiều thế hệ, mà thông qua đó, người đọc còn thấy được phần nào “tình người, tình đời trong cuộc sống gắn bó với truyền thống nhưng cởi mở với cộng đồng của họ”.
Sách Pà pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi. |
"Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây"
Đã từng có một thời, rất nhiều người dân ở miền Nam hay cụ thể hơn là thị dân Sài Gòn – Chợ Lớn gói gọn cách nghĩ về lối sống phong lưu, sang trọng trong câu nói này. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên, mà chính là những điều mà con người đã đúc rút ra được sau một quá trình trải nghiệm lâu dài.
Thật vậy, nếu nhìn trong thực tế, cho đến ngày hôm nay, bóng dáng của nghệ thuật ẩm thực người Hoa vẫn có một sức ảnh hưởng rất lớn đối với hệ ẩm thực và khẩu vị của người miền Nam. Nó vẫn phảng phất, hiện diện trong những bữa cơm gia đình, trong mỗi món ăn đường phố hay vào mỗi dịp giỗ chạp, tết nhất cho đến tận ngày hôm nay.
Trong Pà pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi, sự ảnh hưởng giao thoa qua lại giữa hai hệ ẩm thực Việt – Hoa này được Minh Cúc đề cập ngay trong những dòng đầu tiên của cuốn sách:
“Hòa nhập nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng. Những món ăn của người Hoa ở Việt Nam cũng vậy, phù hợp khẩu vị của người Việt nhưng vẫn duy trì hương vị gốc.”
Và có lẽ cũng chính từ sự hòa nhập nhưng không hòa tan này mà khẩu vị ẩm thực của người Hoa ở Việt Nam mặc dù được người Việt ưa thích và cũng tạo nên một sự lan tỏa lớn, tuy nhiên, nó vẫn gìn giữ cho mình một “lãnh địa” riêng không thể hòa lẫn được.
Tính cho đến hiện nay, có khá nhiều món ăn của người Hoa hoặc đã không còn thịnh hành nữa, hoặc đã bị thất truyền khiến cho “những khách tri âm muốn một lần quay lại quá khứ gặp lại 'bạn cũ' mà không thành” lại phải thêm một lần tiếc nuối.
Với chưa đầy 200 trang sách, mặc dù chưa thật sự đầy đủ và chi tiết, nhưng Minh Cúc đã khiến người mộ điệu có thể thỏa mãn được phần nào khi đã tái hiện được những nét tinh túy rất riêng trong hệ ẩm thực phong phú của cư dân vùng Chợ Lớn.
Những nét tinh túy đó không đến từ những thứ cầu kỳ, sang cả mà được chắt lọc trong suốt một quá trình lâu dài của cuộc sống con người. Cũng chính vì thế mà mỗi món ăn lại cất giấu trong mình những câu chuyện đời rất thật, rất riêng.
Một tiệm mỳ ở Chợ Lớn những năm 1960. Ảnh: LIFE. |
Sau món ăn còn là tình, là nghĩa
Ngay từ lời giới thiệu cho cuốn sách, nhà báo Phạm Công Luận đã nhận định: “Minh Cúc viết về món ăn mà như kể chuyện sống trên đời với chữ Nghĩa, chữ Nhân.”
Thật vậy, gắn liền với 29 món ăn được đề cập tới trong toàn bộ cuốn sách là muôn vàn những câu chuyện khác nhau thể hiện cho muôn vàn lối sống và cách cư xử khác nhau. Ẩm thực ở đây, ngoài vai trò vốn có của nó đã trở thành một phương tiện chuyên chở ý nghĩa và triết lý của cuộc sống.
Những câu chuyện được ghi nhận và kể lại bằng ngòi bút theo một cách chân thực nhất, tự nhiên nhất nhưng đồng thời cũng toát lên hết sự ý nhị và tinh tế của chính tác giả, một người phụ nữ mang niềm đam mê lớn với những món ăn của ông cha mình để lại.
Đọc Pà pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi, có đôi lúc, người ta không khỏi ngạc nhiên rằng vì sao Minh Cúc có thể diễn tả mọi thứ sinh động đến như vậy, duyên đến như vậy chỉ bằng những câu văn hết sức gọn gàng và mộc mạc.
Có lẽ điều này chỉ có thể giải thích được bằng hai chữ: tình yêu. Chỉ có tình yêu vô tận mới khiến con người có thể lưu giữ lại được chừng ấy ký ức qua suốt những tháng năm dài. Chỉ có tình yêu mới có đủ khả năng làm con người tái hiện được ký ức một cách nhuần nhuyễn chỉ bằng những câu chữ thô mộc không hề toát ra một chút dụng công nào. Và cũng chỉ có tình yêu mới làm con người có thể đắm chìm trong thế giới được tạo nên từ chính những gì mà mình yêu thích.
Nhưng nếu nhìn xa hơn, những gì mà cuốn sách đã tái hiện được không chỉ là ẩm thực, lối sống, cách nghĩ của những con người tha phương lạc xứ đến khi nhắm mắt lìa đời vẫn đau đáu nỗi niềm về cố hương, mà còn là những đóng góp của họ trong việc định hình cho văn hóa trên quê hương thứ hai của mình.
Đó là Sài Gòn – Chợ Lớn. Đó là Việt Nam. Đó là nơi mà họ căn dặn con cháu sống chết gì cũng phải ở lại vì “đây là nhà của mình”.
Những món ăn được gìn giữ, được truyền đời để nhắc nhở niềm ngưỡng vọng về cố hương nhưng cũng được biến đổi để hòa hợp với khẩu vị của cư dân bản địa. Thiết nghĩ, đó cũng chính là cách mà những cư dân gốc Hoa thể hiện sự nghĩa tình, hòa hợp của mình đối với mảnh đất đã cưu mang họ.
Và cũng từ nền tảng đó, văn hóa của vùng đất Sài Gòn nói chung và của phương Nam nói riêng được vun bồi để tạo nên những đặc tính nổi bật còn lại cho đến hôm nay: sự cởi mở, mộc mạc nhưng chan chứa nghĩa tình.