Thế giới tự nhiên luôn mang trong mình vô vàn bí ẩn, đó là kho tàng bất tận để con người khám phá trong hàng ngàn năm qua. Mỗi dân tộc, lại có những lý giải khác nhau về sự trù phú của Mẹ Thiên nhiên. Sự tích và truyền thuyết ra đời từ đó. Những câu chuyện mang màu sắc thần kỳ ấy, phần nào thỏa mãn sự tò mò của người nghe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Là đứa trẻ tò mò và ham hiểu biết, từ khi còn nhỏ Rudyard Kipling đã luôn thắc mắc về sự phong phú của thế giới xung quanh. Đến tuổi trưởng thành, được đi tới nhiều vùng đất khác nhau, trải nghiệm những điều kì thú của thiên nhiên đã thôi thúc tinh thần sáng tạo trong ông. Đó là lý do để tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi Sự tích các loài vật (Chuyện như thế đó) ra đời.
Tác phẩm Sự tích loài vật (Chuyện như thế đó) của Rudyard Kipling. |
Ngay từ nhan đề, chắc bạn đọc nhỏ tuổi cũng đoán được phần nào nội dung của tác phẩm. Nhà văn người Anh dành tặng độc giả nhí của mình 12 câu chuyện thú vị, lý giải về sự hình thành và những điều đặc biệt xung quanh các loài muông thú trong thế giới tự nhiên.
Những con vật dù quen thuộc như cua, cá hay những người bạn nhỏ còn xa lạ như cá voi, lạc đà bỗng chốc hóa thân thành những nhân vật hấp dẫn dưới ngòi bút của Rudyard Kipling. Từ sa mạc khô cằn, tới rừng rậm trù phú, mỗi loài lại mang đến một câu chuyện thú vị về chính mình.
Chắc nhiều bạn nhỏ thắc mắc rằng tại sao lạc đà lại phải mang cái bướu nặng nề trên lưng? Tác giả có cách lý giải rất riêng với hiện tượng này.
Khi lạc đà mới xuất hiện trên Trái Đất, nó không hề có bướu. Hàng ngày, lạc đà lười biếng dạo chơi trên sa mạc, không hề làm bất cứ việc gì. Thần linh thấy vậy vô cùng giận dữ quyết định trừng phạt lạc đà bằng cách bắt nó mang một chiếc bướu nặng nề trên lưng, mỗi ngày phải vất vả làm việc trên sa mạc.
Giống như đôi tay của con người, cái vòi là bộ phận vô cùng quan trọng của loài voi. Nhưng không phải bỗng nhiên mà con voi có cái vòi hữu ích tới vậy. Xưa kia có một chú voi con rất tò mò, thắc mắc đủ mọi thứ trên đời. Một hôm chú tự hỏi không biết cá sấu ăn gì trong bữa chiều. Mọi người trong nhà thấy phiền phức quá nên quyết định trừng phạt voi con bằng cách không thèm để ý tới chú.
Voi con đành tự mình đi tìm câu trả lời. Nhưng cá sấu là một kẻ gian xảo, hắn ta định ăn thịt anh bạn nhỏ tội nghiệp. Nhờ có anh bạn trăn tốt bụng cảnh báo vào phút chót, cá sấu mới chỉ cắn được cái mũi ngắn ngủn của voi con. Anh bạn tội nghiệp lấy hết sức giằng co với cá sấu để thoát thân. Càng giằng có, mũi càng dài ra, thành cái vòi lủng lẳng như ngày nay.
Phần minh họa ngộ nghĩnh và đẹp mắt của tác phẩm. |
Không chỉ là những câu chuyện xoay quanh các loài vật, tác giả của Cậu bé rừng xanh còn mang tới cho bạn đọc nhí hành trình thú vị khi người cổ đại phát minh ra chữ cái. Cô bé Taffy rất muốn kể cho mẹ nghe về chuyến đi săn thú vị của hai cha con. Nhưng nếu cứ vẽ tranh thì sẽ rất lâu! Vì thế hai cha con cùng nghĩ ra những ký tự đơn giản mà sau này chúng ta gọi là chữ cái.
Ra đời cách đây 115 năm, Sự tích các loài vật (Chuyện như thế đó) chinh phục nhiều thế hệ độc giả nhí bằng giọng văn hóm hỉnh, hài hước và chan chứa yêu thương. Trong mỗi câu chuyện nhỏ, con trẻ tìm thấy được những bài học lớn về nhân cách. Trong cuộc sống phải biết yêu lao động và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, không được ỷ mạnh hiếp yếu.
Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, hãy dũng cảm đối mặt, may mắn sẽ mỉm cười với chúng ta. Điều đặc biệt của các phẩm là mỗi câu chuyện đều được kết thúc bằng câu nói dí dỏm: “Chuyện như thế đó!”.
Rudyard Kipling là người Anh, nhưng thuở nhỏ ông sống ở Ấn Độ. Sau này, bản tính ham thích phiêu lưu mang ông tới nhiều nơi trên thế giới, trong đó có vùng Nam Mỹ và cả châu Phi. Sự tích các loài vật (Chuyện như thế đó) và tác phẩm phiêu lưu kỳ ảo nổi tiếng Cậu bé rừng xanh là món quà nhà văn dành tặng cô con gái đầu lòng Joséphine.