Tác giả Nguyễn Mai Chi gắn bó với Paris đã được 10 năm, có thể nói đây là quãng thời gian khá dài trong tuổi thanh xuân của đời người. Nhưng sâu thẳm trong trí óc người con gái ấy, những ký ức về Hà Nội thân thương vẫn không bao giờ phôi phai.
Cuốn sách 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi chính là những trải lòng của cô về tình yêu tuổi trẻ, nỗi nhớ nhà và việc đi xa để học cách quay trở về.
Cuốn tản văn gồm 3 phần riêng biệt, mỗi phần chứa đựng từng cung bậc cảm xúc khác nhau của Mai Chi. Và đâu đó trong từng trang hồi ức ấy, bạn đọc bắt gặp ta của một thời đã qua.
Cuốn tản văn 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi của tá giả Nguyễn Mai Chi. |
5 múi giờ
"Thành phố nơi tôi sinh ra và Paris không giống nhau. Chúng cách nhau 5 múi giờ, tính theo giờ mùa hè và 6 múi giờ vào mùa đông".
Trong phần đầu tiên, tác giả mang đến cho người đọc bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của Paris. Dưới cái nhìn của cô gái Á Đông, nơi đây vừa lặng lẽ, cổ kính, trầm đượm, mang một nét riêng mà chỉ có ở Paris.
Có người lao động sống trong căn hầm gần như chìm hẳn dưới mặt đất, mối liên kết duy nhất giữ họ với thế giới nhộn nhịp bên ngoài kia là ô cửa sổ. Qua đó, ta chỉ có thể thấy được những chiếc lá rụng rơi trên hè phố và đôi giày của người qua lại trên đường.
Đó là những người sống dưới mặt đất, còn phía trên, họ thường tìm đến quán doner kebap khi trời đã gần về sáng. Đa số người tìm đến đây đều hờ hững với món ăn vì mải miên man, bám đuổi những suy nghĩ về gia đình, về lớp trẻ...
Paris qua con mắt cô gái Việt Nam nhộn nhịp, tràn đầy sức sống, điển hình như đại lộ de Messine, đồi Montmartre, quán doner kebap và vườn Tuileries.
10 tiếng bay
“Cần tới một chuyến bay dài cỡ 10 tiếng và mông lung hàng tá những suy nghĩ về mọi sự để có thể quay về nhà.”
Qua phần này, tác giả Mai Chi khơi gợi lại cho chúng ta về sự chia ly, nhất là đối với tình yêu. Có những sự chia ly là tạm thời, nhưng cũng có sự chia ly biến con người từ thân thiết hóa xa lạ hay vĩnh viễn không bao giời thấy nhau.
Khi viết về sự chia ly trong tình yêu, giọng văn Mai Chi thể hiện sự mãnh liệt mà chín chắn của một người từng trải với những nỗi đau lắng đọng trong tâm hồn. "Khi còn trẻ, với tình yêu đầu đời, chúng ta rất dễ dàng nói 'mãi mãi' cho đến khi chúng ta hiểu 'mãi mãi là bao lâu'".
Tác giả Nguyễn Mai Chi. Ảnh: Đặng Đức Vinh. |
Với kinh nghiệm tình trường của mình, tác giả muốn nhắc nhở người đọc hạnh phúc và khổ đau luôn song hành, chúng ta nên trân trọng và nâng niu những gì đã và đang có.
...Và một cái khép mi
Mai Chi dành những trang viết cuối để chia sẻ về ký ức tuổi thơ khi cô còn ở Hà Nội. Đó là tình cảm gia đình mà chỉ cần nhắm mắt lại, mọi thứ lại hiện ra trước mắt, vừa gần gũi thân quen, nhưng cũng xa xôi đến độ có thể gọi tên là hồi ức.
Dù mỗi người trong chúng ta theo đuổi những giấc mơ khác nhau, có đi bao xa, ở lại đó bao lâu nhưng vẫn có một nơi ta gọi là nhà. Chỉ ở đó mới có cánh cửa luôn mở sẵn đợi ta về.
"Những đứa con luôn là kẻ có quyền được phiêu lưu, trong khi người mẹ chỉ có một việc duy nhất là ở nhà và đợi chúng quay trở về mỗi khi mỏi bước chùn chân".
Tài tình trong việc nắm bắt những rung động nhỏ của tâm trạng, quan sát và miêu tả sinh động những hình ảnh về con người, cuộc sống, tác giả đã thổi hồn cho tác phẩm 5 múi giờ, 10 tiếng bay và một cái khép mi.
Gấp lại cuốn sách ta thấy một không khí dịu dàng, nhẹ tênh và chậm rãi. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ẩn sâu trong đó là những suy tư ngự lại nơi tâm trí, và cảm xúc đọng trong tim, khiến người đọc không thể quên.
Bên cạnh đó, tác giả đã đặt ra câu hỏi cuộc sống này đang hàng ngày kể cho bạn nghe điều gì? Qua đó, Mai Chi muốn bạn đọc hãy tự vun vén và kiếm tìm những gì thật tình giữa những bừa bộn yêu thương.