Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trang bị kĩ năng gì để đảm bảo công việc cho tương lai?

Trong bối cảnh AI và công nghệ ngày càng phát triển, con người cần tập trung phát triển một số kỹ năng để tối đa hóa giá trị bản thân, dẫn dắt thay đổi.

Khi bàn về tương lai của công việc, chúng ta đều được cảnh báo về những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng trong xã hội, AI và công nghệ đang dần thay thế con người. Nhưng liệu có kịch bản nào khác cho người lao động trong tương lai?

Giá trị con người trong lực lượng lao động sẽ thay đổi

Tương lai của công việc không còn là câu chuyện của mai sau. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời đại công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong định nghĩa về công việc, nơi làm việc, cách thức làm việc... nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Trong báo cáo Tái thiết lập nội dung tương lai của công việc xuất bản tháng 10/2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Mercer đã chỉ ra một trong năm yếu tố cần thiết là chuyển đổi cơ cấu tổ chức sang một mô hình đơn giản hơn thay vì cấu trúc nhiều tầng truyền thống.

Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ các mắt xích trung gian không cần thiết trong tổ chức, giúp việc đưa ra quyết định trở nên nhanh chóng hơn, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.

tuong lai cua cong viec anh 1

Các doanh nghiệp đang có xu hướng tinh gọn bộ máy và quy trình vận hành. Ảnh minh họa: Tadafur.

Báo cáo "Tương lai việc làm công bố năm 2020 của WEF" cũng cho thấy trước những ảnh hưởng của Covid-19, hơn 80% doanh nghiệp toàn cầu đã đẩy nhanh tiến độ số hóa trong các quy trình làm việc hàng ngày.

Khi công nghệ tiên tiến có thể thay thế nhiều vị trí với mức độ chuẩn xác, tốc độ nhanh chóng và chi phí tiết kiệm hơn, một số công việc sẽ biến mất, đồng thời một số khác lại xuất hiện nhằm đáp ứng quá trình chuyển đổi này.

WEF, trong một báo cáo khác, cũng dự đoán 42% kỹ năng cần thiết cho các công việc hiện tại sẽ thay đổi vào năm 2022. Đến năm 2030, chúng ta sẽ cần đào tạo lại hơn một tỷ lao động.

Như vậy, liệu rằng con người có dần mất đi tầm quan trọng trong lực lượng lao động sau này không, khi mà AI, công nghệ và tự động hóa đang dần thay thế? Câu trả lời là không, nhưng chỉ khi bản thân người lao động ý thức được sự cần thiết phải học hỏi suốt đời, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng mới để thích ứng.

Thực tế, con người vẫn là yếu tố then chốt trong những thay đổi và cải tiến của thế giới. Chính con người tạo ra thay đổi. Và nếu con người tiếp tục nâng cao bản thân để dẫn dắt và thích ứng với thay đổi, thì vai trò và giá trị của con người trong lực lượng lao động thậm chí còn trở nên quan trọng hơn rất nhiều.

Tương lai vẫn tươi sáng cho người lao động

Trong báo cáo "Lợi thế nhân sự: Sức mạnh của con người của HSBC", ngân hàng đã khẳng định tương lai vẫn rất sáng sủa cho những ai thích ứng với những thay đổi của thị trường, dù có thể những công việc trong tương lai sẽ rất khác hiện tại.

Để giúp người lao động định hình rõ nét những gì cần trang bị ngay bây giờ, McKinsey trong một khảo sát năm 2019 đã chỉ ra 56 kỹ năng nền tảng có thể giúp họ tăng khả năng có việc làm, hưởng mức lương tốt và dễ dàng tìm thấy sự hài lòng trong công việc.

Những kỹ năng này được xếp vào 13 nhóm, thuộc 4 mục: Nhận thức (cognitive), xã hội (interpersonal), lãnh đạo bản thân (self-leadership) và kỹ thuật số (digital).

tuong lai cua cong viec anh 2

Con người vẫn đóng vai trò quan trọng nếu có đủ kĩ năng để thích ứng với thay đổi của tương lai. Ảnh minh họa: Shutterstock.

HSBC cụ thể hơn những kỹ năng này trong một báo cáo riêng, bằng cách chỉ xem xét trong lĩnh vực chuyên môn là tài chính cá nhân. Theo đó, khi đối chiếu những thay đổi về công nghệ với những khó khăn mà ngành đang gặp phải, một số công việc mới có thể xuất hiện trong tương lai cần sự tham gia của con người, chứ không phải máy móc. Những công việc này không giới hạn trong lĩnh vực tài chính.

Để đáp ứng được yêu cầu cho những công việc tương lai này, HSBC cho rằng người lao động cần chứng tỏ sự khác biệt giữa con người và máy móc cũng như tối đa hóa giá trị bản thân, thông qua việc tập trung phát triển 3 kỹ năng.

Đầu tiên là tính tò mò. Rất nhiều việc làm trong tương lai đòi hỏi kỹ năng cung cấp và chuẩn hóa thông tin. Khả năng nhận diện những lỗ hổng trong dữ liệu có sẵn, hệ thống lại các truy vấn, tìm nguồn thông tin mới cũng như đảm bảo chất lượng thông tin là những kỹ năng rất quan trọng cho lực lượng lao động tương lai.

Bên cạnh đó, tính sáng tạo cũng là quan trọng. Con người luôn là trung tâm của tất cả cải tiến dưới bất kì hình thức nào. Do đó, nhân sự trong tương lai cần phát triển tốt các kỹ năng sáng tạo xung quanh việc nhận biết nhu cầu, phát triển các giải pháp và thương mại hóa chúng.

Cuối cùng, con người vẫn cần giao tiếp với đồng nghiệp, với khách hàng và đối tác. Bởi vậy, dù trong hoàn cảnh nào, kỹ năng giao tiếp trên nhiều phương diện như nghe, nói, đọc, viết đều được đánh giá cao. Lắng nghe lẫn nhau, thể hiện sự đồng cảm và cùng nhau xây dựng mối quan hệ chắc chắn là những kỹ năng quan trọng cho bất kì người lao động nào.

Trong mọi cuộc tranh luận về vai trò của con người và robot trong lực lượng lao động của tương lai, con người vẫn được xem là nhân tố thiết yếu. Tuy nhiên, với những thay đổi của thời cuộc, giá trị đóng góp của con người và những đòi hỏi ở họ cũng thay đổi theo.

Làm sao để người lao động bắt kịp với xu hướng phát triển và tránh bị đào thải trong tương lai? Đó là một câu hỏi quan trọng đối với cả doanh nghiệp lẫn lực lượng lao động.

Đáp án không gì khác hơn là chính bản thân người lao động phải nhận thức được những thay đổi này, chủ động nâng cao năng lực bản thân và trang bị những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Nhà tuyển dụng cũng đóng vai trò to lớn trong việc hỗ trợ nhân viên tiếp tục phát triển bản thân và xây dựng lực lượng lao động tương lai cho chính doanh nghiệp.

Công việc thay đổi thế nào trong tương lai?

Dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống và công việc của hàng tỷ người lao động, nhưng cũng là chất xúc tác đẩy nhanh sự thay đổi tương lai của công việc.

Trí tuệ nhân tạo sẽ thế chỗ con người?

Người lao động lo sợ trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế công nhân và đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp. Những nhân viên được cấy chip cũng có thể có lợi thế cạnh tranh lớn hơn.

Trần Thị Nguyệt Oanh

Giám đốc quản lý nguồn nhân lực tại HSBC Việt Nam

Bạn có thể quan tâm