Quan điểm trên là một trong những nhận định của bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc quản lý nguồn nhân lực, HSBC Việt Nam, về xu hướng làm việc mới trong tương lai, trước những thay đổi của khoa học công nghệ và thực tế xã hội.
Cụ thể, vị lãnh đạo HSBC Việt Nam cho rằng dịch Covid-19 đã thay đổi cách làm việc của rất nhiều người lao động khi các doanh nghiệp buộc phải để nhân viên làm việc tại nhà toàn thời gian.
“Bàn ăn, phòng khách được sắp xếp lại để trở thành khu vực làm việc, chỉ 2-3 bước chân là có thể rời bàn làm việc để vào bếp, hoặc vừa làm việc, vừa để trông con nhỏ. Đó là hình ảnh của rất nhiều người lao động hiện nay”, bà Oanh chia sẻ.
Hai năm trước, không nhà tuyển dụng, quản lý nhân sự nào có thể tưởng tượng ra viễn cảnh như hiện nay. Dịch bệnh chính là chất xúc tác đẩy nhanh sự thay đổi tương lai của công việc, cũng như là bài kiểm tra cho những xu hướng làm việc hiệu quả trong điều kiện bình thường mới.
Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc quản lý nguồn nhân lực HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC. |
Không chỉ thay đổi tạm thời
Dẫn số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới giữa năm 2020, bà Oanh cho biết rất nhiều quốc gia đã phải tạm đóng cửa các cơ sở làm việc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng đến 93% lao động trên toàn cầu.
Với những công việc cho phép làm việc từ xa, các doanh nghiệp đã thử nghiệm mô hình làm việc này với quy mô lớn nhất trong lịch sử. Với những ngành nghề không thiết yếu và không thể làm việc từ xa, hàng triệu lao động đã buộc phải tạm nghỉ hoặc bị sa thải.
Báo cáo Tương lai việc làm năm 2020 của diễn đàn trên cũng cho thấy, để đối phó với dịch bệnh, 50% doanh nghiệp toàn cầu đã đẩy nhanh quá trình số hóa các nhiệm vụ trong công việc, 35% tiến hành các chương trình đào lại kỹ năng cần thiết mới cho nhân viên.
Theo giám đốc quản lý nguồn nhân lực HSBC Việt Nam, làm việc từ xa, số hóa hay đào tạo lại kỹ năng chỉ là 3 trong số nhiều xu hướng mới với tương lai của công việc (future of work), một khái niệm đã được nhắc đến từ hơn 500 năm trước.
Cụ thể, mỗi khi có sự thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện của những tiến bộ công nghệ, con người lại đặt câu hỏi liệu những thay đổi này có lấy mất việc làm của họ. Tuy vậy, tiến bộ khoa học là điều không thể ngăn chặn. Ngoài ra, con người hoàn toàn có khả năng tự chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để thích ứng với thời đại mới.
Dịch Covid-19 khiến khái niệm văn phòng làm việc của đa số người lao động buộc phải thay đổi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã chỉ ra, đến năm 2022, 42% các kỹ năng quan trọng cần thiết cho công việc hiện tại sẽ thay đổi. Và đến năm 2030, con người sẽ cần đào tạo lại hơn một tỷ lao động.
“Tuy nhiên, với sự tấn công của dịch Covid-19, nhiều xu hướng mới như làm việc từ xa đã xuất hiện, yêu cầu doanh nghiệp lẫn người lao động phải được chuẩn bị cả về công nghệ, kỹ năng cho sự thay đổi này”, bà Oanh cho biết.
Theo khảo sát của Mercer năm 2020, trước đại dịch, dưới 10% công ty cho phép 25-75% nhân viên làm việc từ xa. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên khoảng 20% trong khi dịch bệnh hoành hành, và dự kiến khi Covid-19 qua đi, sẽ có gần 30% doanh nghiệp toàn cầu tiếp tục thực hiện chính sách này.
“Với những lợi ích thấy được và điều kiện của xã hội, những xu hướng này không chỉ mang tính tạm thời, mà đó chính là tương lai của công việc”, bà Oanh nhấn mạnh.
Người lao động tự chọn thời gian và nơi làm việc
Trước những thay đổi của thị trường lao động, bộ phận nghiên cứu của HSBC cho rằng sẽ có 6 xu hướng thay đổi công việc trong tương lai và doanh nghiệp, người lao động cần trang bị để ứng phó tốt nhất với những thay đổi không thể tránh khỏi.
Cụ thể, thay đổi đầu tiên và lớn nhất là chế độ làm việc linh hoạt.
Trong đó, mô hình làm việc từ xa đã cho thấy hiệu quả trong giai đoạn chính phủ các nước phải gia tăng biện pháp mạnh về giãn cách xã hội, đảm bảo doanh nghiệp vẫn hoạt động và người lao động vẫn có việc làm. Mô hình này còn cho thấy những ích lợi về mặt nâng cao hiệu suất lao động, tiết kiệm chi phí mặt bằng, văn phòng, quản lý cơ sở vật chất và chi phí đi lại.
Làm việc từ xa là một trong những thay đổi lớn nhất của công việc trong tương lai. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo HSBC, làm việc từ xa là một phần trong chế độ làm việc linh hoạt, cho phép người lao động và doanh nghiệp được chủ động lựa chọn thời gian và nơi làm việc phù hợp nhất.
“Chế độ này sẽ cho phép nhân viên làm việc một cách linh động hơn và phát triển mô hình làm việc hỗn hợp. Đây không chỉ là phương thức làm việc mới, mà còn định hình lối sống mới của tương lai”, HSBC cho biết.
Cùng với thay đổi về cách làm việc, doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch, quy trình đào tạo, giúp nhân viên trang bị những kỹ năng phù hợp cho công việc trong tương lai và thích nghi với điều kiện mới. Việc đào tạo những nhân viên hiện tại đỡ tốn kém hơn so với chi phí tuyển dụng mới. Tuy nhiên, hoạt động này cần sự cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp và ban lãnh đạo để tạo hiệu quả lâu dài.
Trong khi đó, sự thay đổi trong cách làm việc và những tác động của điều kiện ngoại cảnh cũng đã ảnh hưởng đến từng cá nhân. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét những tác động này, tăng cường kết nối và quan tâm đến sức khỏe, tinh thần của nhân viên.
Ngoài ra, những tiến bộ khoa học công nghệ; quá trình tự động hóa và tính bền vững của cách thức làm việc mới cũng sẽ xây dựng cách làm việc trong tương lai hiệu quả.
Theo báo cáo Tương lai Việc làm 2020, đến năm 2025, 85 triệu việc làm sẽ bị thay thế bởi máy móc. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy hơn 97 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra phù hợp với sự phân công lao động mới giữa con người, máy móc và thuật toán.