Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa công bố báo cáo về Thị trường Nhân sự 2021, trong đó ghi nhận kết quả khảo sát về thị trường tuyển dụng và mức lương hiện hành của người lao động.
Đây là báo cáo tổng quan đầu tiên của Navigos Group ngoài các chỉ số cơ hội và thách thức về việc làm và tuyển dụng còn bao gồm mức lương của ứng viên trong khoảng 35 ngành trên thị trường. Báo cáo dựa trên kết quả phân tích cuộc khảo sát với gần 6.000 ứng viên thuộc cơ sở dữ liệu của tập đoàn này.
Cụ thể, báo cáo lần này đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 qua góc nhìn của người lao động.
Trong đó, năm 2020, có tới 26% người lao động bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau, phổ biến trong khoảng 10-50% so với trước dịch Covid-19. Với 74% ứng viên còn lại mức lương không bị thay đổi.
Đặc biệt, kết quả khảo sát chỉ ra nhân sự cấp cao là nhóm ứng viên có mức lương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh. Trong đó, các nhân sự trong Ban điều hành, cấp Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc doanh nghiệp là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, với 40% người tham gia khảo sát thuộc nhóm này bị giảm lương ở nhiều tỷ lệ khác nhau.
Bên cạnh đó, nhóm nhân sự cấp Giám đốc và Phó giám đốc xếp thứ hai theo chỉ tiêu bị chịu ảnh hưởng khi có đến 32% người cho biết họ bị cắt giảm lương.
Báo cáo mới nhất của Navigos cũng chỉ ra mức lương, thưởng và chế độ phúc lợi đang là yếu tố hàng đầu được người lao động quan tâm khi quyết định chuyển việc. Trong đó, có tới 3/4 nhân sự tham gia khảo sát khẳng định lương, thưởng và chế độ đãi ngộ là yếu tố quan trọng hàng đầu khi họ cân nhắc chuyển việc. Tiếp theo là các cơ hội thăng tiến và các cơ hội được đào tạo và phát triển.
Trong khi đó, kỳ vọng không ngừng về lương, thưởng, phúc lợi từ người lao động cũng trở thành thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi.
Cụ thể, lương, thưởng là lý do thu hút người lao động nhưng cũng trở thành lý do để họ ra đi khi có đề nghị mức lương, thưởng và phúc lợi tốt hơn. Báo cáo của Navigos cũng cho biết yếu tố đứng đầu khiến người lao động hài lòng với công việc hiện tại chính là mức lương, thưởng và chế độ đãi ngộ hợp lý. Chỉ số này xếp trên cả yếu tố địa điểm làm việc và tính ổn định của công việc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020, các nhân sự cấp càng cao càng bị giảm nhiều tới lương, thưởng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng liên quan tới vấn đề lương, thưởng, báo cáo chỉ ra lương tháng thứ 13 đang là khoản thưởng, phúc lợi quan trọng nhất mà người lao động đang được hưởng. Đứng thứ hai là các phúc lợi về sức khỏe và y tế và phụ cấp đi lại, ăn uống, tiếp khách…
Kết quả cuộc khảo sát kỳ vọng về mức lương trong năm 2021 này, gần một nửa số người lao động được hỏi cho biết họ chưa từng đề xuất tăng lương trong năm 2020, trong khi, 42% cho biết vẫn được tăng lương năm vừa qua với mức tăng 3-20%.
Trong năm 2021, gần 2/3 người lao động kỳ vọng được tăng lương. Trong đó, nhóm nhân sự quản lý cấp trung (cụ thể là Giám sát/Trưởng nhóm) là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất.
Đối với các nhóm Phó giám đốc/Giám đốc, Phó phòng/Trưởng phòng, Ban điều hành C-level (cấp Phó tổng giám đốc/Tổng giám đốc), tỷ lệ nhân sự đã từng đề xuất tăng lương chiếm khoảng 50%.
Trong khi đó, nhóm nhân sự mới ra trường lại là nhóm có tỷ lệ ít đề xuất tăng lương nhất, với chỉ khoảng 44% người từng đề xuất.
Bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hơn một nửa người lao động trong cuộc khảo sát nói trên vẫn lạc quan về triển vọng nền kinh tế của Việt Nam năm nay. Trong đó, có 17% cho biết nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh và 35% kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục được giữ vững.