Hai mươi ba tuổi, với vốn tiếng Việt bập bõm, chàng trai sinh trưởng trên đất Mỹ ấy đã dám đi xuyên Việt khi không hề có tiền trong tay. Tất cả những cảm nhận sâu sắc về Việt Nam cùng những kinh nghiệm quý báu suốt cuộc hành trình dài 80 ngày, là chất liệu phong phú để anh viết John đi tìm Hùng. Cuốn sách đã tạo cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khám phá bản thân qua những chuyến “phượt” xuyên Việt.
Sau gần ba năm kể từ ngày ra mắt, John đi tìm Hùng đã được tái bản 5 lần với hơn 2 vạn bản và trở thành một “hiện tượng” của dòng văn học du ký. Vừa qua, tác phẩm đã vinh dự được nhận giải Bạc Giải thưởng Sách Việt Nam 2015. Trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng Ngày sách Việt Nam lần 3 diễn ra tại công viên Thống Nhất, Trần Hùng John đã có chương trình giao lưu với đông đảo các bạn đọc trẻ với chủ đề “Người Việt trẻ trước thềm hội nhập”.
Trần Hùng John trong buổi giao lưu tại Công viên Thống Nhất. |
Theo tác giả, Việt Nam là nước đang hội nhập mạnh mẽ, để trở thành công dân toàn cầu và tiến bước ra với thế giới thì tính thụ động là cản trở lớn nhất đối với các bạn trẻ. Để nói về tính thụ động của người Việt nói chung và người trẻ nói riêng Trần Hùng John đã nhắc lại câu nói của anh đã được đưa vào đề thi đại học môn Văn khối D năm 2013: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải là những người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”.
Phần đông những bạn trẻ tham gia chương trình giao lưu đồng ý với ý kiến của Trần Hùng John. Để nói về nguồn gốc của tính thụ động của người Việt trẻ, tác giả cho rằng: phần lớn là do phương pháp giáo dục của các bậc cha mẹ. Nhiều phụ huynh luôn sợ con mình mắc lỗi, hay phạm sai lầm. Để con cái không phạm sai lầm thì cách tốt nhất, theo nhiều ông bố bà mẹ lựa chọn là thay con cái quyết định tất cả. Điều đó trở thành một sự bao bọc thái quá. Ngược lại nhiều thanh niên trẻ Việt Nam không muốn dấn thân và tìm hiểu cái mới, họ hài lòng với con đường mà người khác đã vạch sẵn.
Tác giả của John đi tìm Hùng cũng chia sẻ: “Khi viết cuốn sách này, tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sống chủ động hơn và không ngại thử thách. Khi bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, các bạn hãy hình thành sự khẳng định trong tư duy “tôi làm được”. Tất nhiên, các bạn cũng có thể sẽ gặp phải sự phản đối của bố mẹ. Để cha mẹ chấp nhận quyết định của bạn thì cách tốt nhất là tâm sự với bố mẹ để họ hiểu. Vì bậc cha mẹ nào cũng sẽ muốn con mình hạnh phúc".
Hai ấn bản của cuốn John đi tìm Hùng. |
Trần Hùng John tâm sự, bản thân anh cũng là người từng đắn đo trước những lựa chọn về nghề nghiệp trong tương lai. Ban đầu anh theo học chuyên ngành kinh tế. Sau một năm học, anh nhận ra rằng điều làm mình thực sự hứng thú là tâm lý học. Hùng John đã chuyển sang học chuyên ngành tâm lý của ĐH Berkeley, Mỹ. Trong thời gian đi học, anh có làm seller cho một công ty và doanh số của anh luôn ở mức cao nhất. Anh nhận ra rằng “nắm bắt được tâm lý khách hàng là một điều quan trọng trong kinh doanh”. Dù bạn có học chuyên ngành tâm lý, nhưng nếu biết vận dụng, bạn vẫn kinh doanh tốt.
Trần Hùng John cũng chia sẻ thời gian học đại học, anh rất ít đi học, phần lớn anh thời gian anh tham gia các hoạt động ngoại khóa và đi làm thêm. Học tập là tốt, nhưng những trải nghiệm trong thực tiễn đôi khi cũng rất hiệu quả, anh khuyên những bạn trẻ Việt Nam “học ít đi và trải nghiệm nhiều hơn”. Chỉ có trải nghiệm mới mang lại cho bạn những kinh nghiệm và khả năng ứng biến trong thực tiễn.
Ngoài ra, trong buổi giao lưu anh cũng chia sẻ những trải nghiệm thú vị trong hành trình xuyên Việt của mình. Từ việc xin đi nhờ xa như thế nào. Cho đến những khó khăn về ngôn ngữ. Với Hùng John, chuyến đi đó là một trải nghiệm tuyệt vời để anh hiểu về quê hương mình và nói tiếng Việt trôi chảy hơn.