Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn học trẻ - 'Văn học thời trang'

Giới chuyên môn gọi dòng văn học trẻ đang ăn khách là “văn học thời trang”, chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí nhất thời.

Văn học trẻ mấy năm gần đây lên hương với rất nhiều ấn bản có số phát hành từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bản. Không thể phủ nhận sức hút của các tác giả còn rất trẻ: Anh Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên... Đầu sách nào của họ cũng được độc giả đón nhận nồng nhiệt, lượng ấn bản cao, người hâm mộ xếp hàng dài chờ xin chữ ký.

“Giấc mơ” của người viết sách

Nhà văn Đoàn Thạch Biền nhận xét: “Đã có nhiều tác giả viết về Sài Gòn nhưng Anh Khang viết cuốn tùy bút - du ký Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em với góc nhìn khác. Nhìn từ bên trong vì đây là chốn quê nhà nơi mình sinh ra và nhìn từ bên ngoài bằng những chuyến đi xa, để rồi nhận ra: “Đi là để được tái sinh thêm một cuộc đời khác... Và đi còn là để biết nơi đâu thật sự là chốn mình luôn mong trở về”.

Những “cơn sốt” liên tiếp từ sách của Anh Khang: Buồn làm sao buông, Đường hai ngả người quen thành lạ, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em, Thương mấy cũng là người dưng... làm cho văn học trẻ sôi động trở lại. Trong khi đó, Hamlet Trương có khá nhiều sách đã phát hành: Thời gian để yêu (2011), Thương nhau để đó (2012), Tay tìm tay níu tay (2013), Yêu đi rồi khóc (2014), Ai rồi cũng khác (2014). Phan Ý Yên cũng có: Tình yêu là không ai muốn bỏ đi, Em là để yêu, Cà phê với người lạ, Khi phụ nữ uống trà, đàn ông nên cẩn thận, Không xinh không thông minh không bất bình thế giới...

the he tac gia van hoc tre anh 1

Đông đảo độc giả trẻ xếp hàng để được tác giả Anh Khang ký tặng trong buổi ra mắt cuốn sách Thương mấy cũng là người dưng tại Hội sách TP HCM 2016 Ảnh: Trương Đức

Hầu như các tác giả này đều có nền móng văn hóa rất tốt. Hamlet Trương hoạt động ở nhiều lĩnh vực: ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, dẫn chương trình trên đài phát thanh và chương trình đối thoại (talk-show) trên truyền hình. Anh có nhiều ca khúc được bạn trẻ biết đến: Người yêu cũ có người yêu mới, Bụi bay vào mắt, Em, anh và cô ấy, Yêu đi rồi khóc, Bỗng dưng hết yêu... Phan Ý Yên có thời gian dài sống ở châu Âu. Anh Khang dành rất nhiều thì giờ đi các nước để nuôi cảm hứng cho công việc viết. Những đứa con tinh thần của họ cũng đã đến được với số đông độc giả.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc qua các tiêu đề sách của những tác giả này, độc giả đã biết ngay nội dung bên trong. Sách của Anh Khang chỉ hướng đến thỏa mãn các độc giả “tuổi teen”, bởi từ những ngày đầu xuất hiện với Buồn làm sao buông đã bàn chuyện tình yêu, lãng mạn, kiểu: “Trời cùng đất tận, rốt cục cũng không đáng sợ bằng một chữ - Quên. Thế nên, cũng phải đến một lúc nào đó, lòng bỗng thấy nhẹ tênh như nắng chiều la đà sắp rớt và thấy từ xa có bóng người khuất dần vào hoàng hôn chuyển tối. Tắt ngóm. Tắt lòng. Thế là cũng xong. Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỷ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những con người ta đắm say cách mấy, cũng phải đến ngày học cách buông tay”.

Đến các ấn phẩm sau đó, Anh Khang vẫn cùng một chuyện, cùng một giọng: “Tôi viết Thương mấy cũng là người dưng trong những ngày tủi thân cùng cực nhất của thanh xuân mình. Cái quãng đời đã bước qua đủ nhiều cuộc yêu để tự thấy mình không còn dư dả tuổi trẻ, niềm tin và tình thương để phung phí; thành ra chỉ muốn nắm thật chặt bàn tay của người bên cạnh, bình bình đạm đạm đi đến cuối. Nhưng thế sự tuyệt đối khó toại lòng người và chân tình ở đời hiếm khi buộc ràng trong khái niệm “vĩnh viễn” như mình mong đợi. Bởi nên, mọi tủi buồn của tuổi trẻ, chung quy cũng vì hai chữ “hết yêu”...

Đừng tung hô quá

Không phải độc giả tuổi mới lớn nào cũng cắm cúi say mê đọc truyện của các tác giả trẻ nêu trên. Nhiều ý kiến từ chính các độc giả tuổi mới lớn cho rằng chẳng qua các bạn đồng lứa đang bị cuốn theo những thứ dễ đọc, mang nhiều tính giải trí, yêu đương lãng mạn, sướt mướt, đọc xong rồi quên, không cần phải nhớ cho nặng đầu, cho bớt áp lực sau khi căng thẳng học hành và có thêm màu sắc tưởng tượng ảo ảnh cho cuộc đời đỡ khô cứng.

Các nhà phê bình đánh giá hiện tượng văn trẻ đang “hot” như vậy là “văn học thời trang”. Nhóm độc giả mục tiêu đã được lựa chọn rất rõ, “tuổi teen” là tuổi mới chớm yêu nên tác phẩm viết chuyện yêu đương lãng mạn tất nhiên là dễ cuốn hút. Dù sao thì cũng tốt hơn là chứng kiến cảnh giới trẻ “điên” lên vì truyện ngôn tình Trung Quốc. Thêm nữa, các tác giả trẻ này đều là những người đã học tập công nghệ ra mắt ấn phẩm phương Tây. Họ chọn cho mình một văn phong dễ đọc, dễ đi vào lòng nhóm độc giả mục tiêu và giữ ổn định phong độ, viết đều đặn, đi kèm với mỗi lần ra sách là chiến dịch PR nhắm trúng đối tượng bỏ tiền mua sách.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa nhìn nhận: “Để đánh giá được giá trị văn học của ấn phẩm phải căn cứ chất lượng tác phẩm. Mà các tác phẩm như thế là sản phẩm của công nghệ ra mắt ấn phẩm. Tác phẩm đích thực đòi hỏi cao hơn cả về chiều sâu trí tuệ, lắng đọng của tư duy và định hướng thẩm mỹ. Ngay cả xã hội phương Tây cũng không thể trông chờ vào các tác phẩm ăn khách để xây đắp nền văn học. Làm sao có thể kỳ vọng vào tính định hướng để nâng cao thẩm mỹ con người ở những tác phẩm này, nên đừng coi đó là những đỉnh cao mà chỉ có thể thỏa mãn nhất thời”.

Không phủ nhận được sự đóng góp của những cuốn sách bán chạy trong việc làm sôi động hơn đời sống văn học nhưng rất khó để có thể ghi nhận giá trị chiều sâu của các tác phẩm “ăn khách” này. “Các cây bút trẻ đã có ý thức làm nghề rất tốt, trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện, vốn liếng, có đầu tư xa, lộ trình quy hoạch rõ ràng, họ làm giỏi hơn các lớp người viết trước. Nhưng văn học giải trí không thể đại diện cho nền văn học quốc gia được. Văn học có giá trị nghệ thuật mới đủ tư cách để đại diện cho nền văn học quốc gia” - nhà phê bình Văn Giá khẳng định.


http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoc-tre-van-hoc-thoi-trang-20160408220822788.htm

Theo Hoà Bình/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm