Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đầu tư cho sách ở Việt Nam chưa tập trung'

Ông Đỗ Quý Doãn, chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: "Nếu nước ngoài đầu tư vào một quỹ thì ở Việt Nam, nhà nước đầu tư khá nhiều nhưng lại nằm rải rác, mỗi nơi một ít".

Kết thúc Hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai công tác năm 2016, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn về những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của ngành xuất bản.

Đầu tư rải rác nên chưa tạo được đột phá

- Một trong những vấn đề được các hội viên Hội Xuất bản quan tâm là làm sao đưa vị thế của hội lên cao hơn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Theo ông, để làm được điều đó, hội cần làm gì?

- Hội Xuất bản Việt Nam ra đời đáp ứng được nhu cầu của những người hoạt động trong lĩnh vực in và phát hành. Sau một thời gian những người làm nghề in lại tách ra thành lập Hội in Việt Nam. Trong quá trình hình thành, với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của hội là tập hợp lực lượng hội viên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và giúp bảo vệ quyền lợi của họ. Để cho vai trò, vị trí của hội được nâng lên rõ ràng hội phải làm tốt chức năng đó, làm sao phải bảo vệ được lợi ích chính đáng của hội viên. 

Ngoài chức năng đó, hội còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin truyền thông… Đặc biệt hội còn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc nên chúng tôi có nhiều diễn đàn để bày tỏ tâm tư nguyện vọng và đóng góp nhiều vào chủ trương chính sách của Đảng. Đây cũng là cơ hội tốt để nâng cao vị thế của ngành xuất bản.

- Các cuộc tiếp xúc của Hội Xuất bản Việt Nam với các đồng nghiệp nước ngoài vừa qua thì thấy bạn được hỗ trợ nhiều từ, ngành xuất bản của Việt Nam hiện đang hỗ trợ ra sao?

- Nếu nước ngoài đầu tư vào một quỹ thì ở Việt Nam, nhà nước đầu tư khá nhiều nhưng lại nằm rải rác, mỗi nơi một ít. Vì vậy, khi nhìn tổng thể, mọi người khó thấy sự đầu tư đó. Ví dụ, nhà nước tài trợ đặt hàng về xuất bản cũng hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong chương trình sách quốc gia, đưa sách về cơ sở, xây dựng tủ sách Pháp luật, Thăng Long ngàn năm văn hiến hoặc đầu tư đưa sách ra nước ngoài… cũng rất lớn. Đầu tư đấy nhưng tất cả đều rất phân tán nên để nhìn thấy hiệu quả của đầu tư hay tạo nên sự đột phá rất khó.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình chính phủ về đề án xây dựng một quỹ hỗ trợ xuất bản. Nếu được ký duyệt, đây sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành xuất bản. 

- Qua việc đẩy mạnh hợp tác với đồng nghiệp các nước, Hội Xuất bản Việt Nam đã thu được kết quả thế nào?

- Hợp tác với nước ngoài là vấn đề quan trọng, tạo sự hòa nhập và học hỏi kinh nghiệm. Hàng năm, Hội có nhiều hoạt động giao lưu, ký kết với hội xuất bản các nước. Ngoài ra, Hội còn có một chương trình quảng bá, giới thiệu sách Việt Nam ra nước ngoài. Tôi nghĩ, không có gì tốt bằng thông qua các hội chợ sách để quảng bá văn hóa, con người Việt Nam. 

Dau tu cho sach chua tap trung anh 1
Ông Đỗ Quý Doãn tại Hội nghị báo cáo tổng kết năm 2015 và triển khai công tác năm 2016 tại TP HCM. Ảnh: Bá Ngọc

Nâng giải thưởng sách lên cấp quốc gia

- Giải thưởng sách 2015 là sự kiện quan trọng của Hội xuất bản. Năm nay, giải thưởng có những đổi mới gì so với những năm trước?

- Giải thưởng sách Việt Nam đã thực hiện 11 năm nay. Bài học làm được và chưa làm được, kết quả cũng như hạn chế cũng được rút qua các năm. Để tiến hành giải thưởng phải tuân thủ điều lệ giải. Đề án giải sách trải qua 2 giai đoạn 2005-2010 và 2011-2015 nên nói có gì mới thì chưa vì vẫn đang triển khai theo đề án thôi. Nhưng để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đặc biệt để đánh giá đúng chất lượng của tác giả, tác phẩm, Hội Xuất bản xin ý kiến Ban Tuyên giáo, Chính phủ nâng giải thưởng sách thành giải thưởng quốc gia.

Đây là vấn đề quan trọng ở chỗ về phạm vi, nội dung, chất lượng cũng như giá trị của giải thưởng được nâng lên. Điều đó góp phần động viên các nhà xuất bản tham gia giải. Hiện nay, đề án về giải thưởng sách quốc gia đang được hội và Bộ Thông tin và Truyền thông trình chính phủ phê duyệt. 

- Tiêu chí giải thưởng được quy định trong cả giai đoạn dài từ 2011-2015, như vậy có sợ không phù hợp với sự thay đổi liên tục của thực tế?

- Đây là đề án của Bộ và được thực hiện trong thời gian dài. Đó là chiến lược, còn mỗi năm lại có quy chế khác, luôn được bổ sung, cách chấm cũng thay đổi.

Về sách hay thì chất lượng nội dung phải đặt lên hàng đầu. Đó là những cuốn có tác động trong xã hội, có hiệu ứng tốt. Sách phản ánh được hiện thực cuộc sống. 

Trong năm nay, mảng sách về chủ quyền biển đảo được coi trọng vì mọi người đang quan tâm. Sách văn học thì có tác động đến lối sống, tinh thần của người dân.

Sách đẹp lại quan tâm đến hình thức. Từ hình thức trình bày đến bìa, giấy sử dụng, đó là một cách động viên với họa sĩ trình bày, cơ sở in. Như vậy, phạm vi đối tượng của giải thưởng sách khá rộng. Hội đồng giải thưởng cũng rất uy tín với các giáo sư, viện sĩ, giàu kinh nghiệm, làm việc nghiêm túc.

Nâng tầm giải thưởng sách Việt Nam Ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ về sự đầu tư cho ngành xuất bản cũng như đề án nâng cấp giải thưởng sách Việt Nam.

-  Hội đồng trao giải gồm những giáo sư đầu ngành nhưng lại hơi cao tuổi. Nếu có người trẻ tham gia liệu có thổi luồng gió mới cho giải thưởng?

- Trong lĩnh vực này phải là những người am hiểu sâu sắc. Sự hiểu biết của các thành viên hội đồng chung khảo kết hợp với sự làm việc trên cơ sở các tiểu ban. Họ làm việc cật lực ròng rã mấy tháng. Và thành viên các tiểu ban có cả những người lớn tuổi và người trẻ.

Mỗi giải thưởng được trao thì chúng tôi đều mời chuyên gia phản biện. Nếu sách có vấn đề gì thì loại ngay. Ở ngoài nghe tưởng đến ngồi không rồi trao giải, thực ra, các tiểu ban làm việc 5-6 tháng liên tục.

- Về thời gian trao giải sách cũng có ý kiến cho rằng nên giãn ra vì mỗi năm có tới hơn 500 cuốn sách dự thi. Nếu có thêm thời gian, hội đồng sẽ nghiên cứu được kỹ hơn các đầu sách?

- Thực chất sơ khảo là các nhà xuất bản đã chọn ra những cuốn hay nhất. Các tiểu ban chuyên ngành còn làm việc 5-6 tháng, sau đó mới đến hội đồng phúc khảo xem xét. Như vậy, thời gian triển khai chấm giải không phải là ngắn.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vẫn có những điểm chưa làm được mà Hội Xuất bản đang từng bước khắc phục. Đơn cử như công tác tuyên truyền, quảng bá để phát huy giá trị giải thưởng sách. Ngoài ra, giá trị giải thưởng cũng chưa được tương xứng. Có những bộ sách được làm cả cuộc đời mà chỉ nhận giải thưởng 15 triệu, năm vừa rồi tăng lên được 25 triệu đồng.

'Ngành Xuất bản Việt Nam đang tăng trưởng tốt'

Đó là thông tin trong báo cáo tổng kết hoạt động năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016 của Hội Xuất bản Việt Nam.


Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm