Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, Mỹ buộc phải rút quân về nước, tình hình chiến trường miền Nam bắt đầu diễn biến theo chiều hướng có lợi cho ta. Năm 1974, để nắm vững tình hình thực tế chiến trường và có quyết sách đúng đắn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh trưởng Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên và chính ủy Đặng Tính đã vượt hàng trăm cây số đi thăm bộ đội Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và kiểm tra sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dự kiến vào mùa xuân 1975.
Hội nghị Bộ chính trị ngày 31/3/1975 nhận định, thời cơ để Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã đến. "Từ giờ phút này trận quyết chiến cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu".
Đầu tháng 3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý với đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược.
Đại tướng đã xin ý kiến của Bộ chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn chí mạng vào hệ thống phòng ngự của VNCH tại Buôn Mê Thuột. Sau thắng lợi vang dội tại Buôn Mê Thuột, Đại tướng đã nhân đà thắng lợi này trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày.
Hướng tấn công của 5 cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. |
Ngày 1/4/1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tốc độ "một ngày bằng 20 năm". Mệnh lệnh chỉ đạo nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh là: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Đây là một mệnh lệnh mà tính chất chính trị cao hơn tính chất quân sự, là liều thuốc động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cả nước dồn hết sức lực chiến đấu cho trận quyết chiến cuối cùng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tham gia chiến dịch là 5 cánh quân chủ lực với tổng quân số 250.000 quân, 20.000 dân quân du kích địa phương, 180.000 dân công phục vụ chiến dịch.
Chiến dịch đã huy động một số lượng trang bị vũ khí hạng nặng lớn nhất từ trước đến nay bao gồm: 265 xe tăng và 127 xe thiết giáp, 241 pháo xe kéo, 88 pháo mang vác, hơn 400 pháo cao xạ cùng hàng ngàn xe vận tải các loại chở hàng hóa và bộ đội ra chiến trường.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Quân ủy trung ương đang theo dõi diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Trước sức mạnh tấn công vũ bão của 5 cánh quân chủ lực cùng sự nổi dậy của dân quân du kích địa phương, quân lực VNCH nhanh chóng bị đánh bại.
Chiến dịch quân sự lớn nhất lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng lại có thời gian diễn ra nhanh nhất chỉ trong vòng 4 ngày từ ngày 26-30/4/1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh tuy Đại tướng Võ Nguyên Giáp không trực tiếp chỉ huy như những chiến dịch quân sự lớn trước đây nhưng chính ông là người phác thảo kế hoạch và chọn hướng tấn công chiến lược. Việc chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược của Đại tướng được xem là một quyết định lịch sử.
Tây Nguyên gần với tuyến vận tải chiến lược đường mòn Hồ Chí Minh nên rất thuận lợi trong công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn, địa hình rừng núi tạo thuận lợi cho việc ngụy trang che dấu lực lượng tạo thế bất ngờ.
Việc chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của tướng Giáp được xem là một quyết định tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
Chiến thuật nghi binh hiệu quả đã khiến địa điểm chiến lược Buôn Mê Thuột bị đánh tan một cách nhanh chóng tạo nên "hiệu ứng domino" khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên bị sụp đổ hoàn toàn.
Sự thất bại tại Tây Nguyên đã tạo nên một lỗ hỗng lớn trong tuyến phòng ngự của quân lực VNCH. Chiến thắng tại Tây Nguyên đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của VNCH tại miền Nam Việt Nam, dẫn đến sự chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ chỉ trong 55 ngày.
Chiến dịch Hồ Chí Minh tiếp tục ghi đậm dấu ấn tài chỉ huy quân sự tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch này cho thấy tầm nhìn vĩ mô của một nhà hoạch định chiến lược quân sự lỗi lạc không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Có thể nói rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là con người của những trận đánh lớn tạo nên những bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh dựng nước-giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng người dân Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. Dân tộc Việt Nam hôm nay và cả những thế hệ mai sau mãi mãi ghi nhớ công lao của người anh hùng giải phóng dân tộc -cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.