Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Đại tá Hoàng Minh Phương, người từng có 25 năm (1950 - 1975) làm trợ lý cho Đại tướng, bàng hoàng xúc động. Những ký ức năm tháng sống cùng vị Tổng tư lệnh ùa về.
Trong mạch ký ức ấy, ông đưa ra 5 điểm khác biệt giữa vị Tổng tư lệnh đầu tiên và duy nhất của Việt Nam là với các vị Tổng tư lệnh trên thế giới:
Thứ nhất, Tổng tư lệnh quân đội các nước được đề bạt lên khi đã có sẵn quân, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách quân đội khi chưa có quân, phải tự xây dựng và chỉ huy đội quân này.
Đại tá Hoàng Minh Phương trong một lần đến chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Đại tướng là người đã có công lớn trong việc xây dựng đội du kích với 34 người với vũ khí thô sơ, từng bước trở thành những sư đoàn bộ binh thiện chiến để đánh thắng trận Điện Biên Phủ năm 1954, sau đó phát triển lên thành một quân đội gồm nhiều quân chủng và binh chủng hợp thành, có đủ lục quân, không quân và hải quân.
Để đến mùa xuân 1975, chúng ta không phải tác chiến bằng trung đoàn hay sư đoàn như trận Điện Biên Phủ, mà ta tác chiến bằng quy mô quân đoàn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta sử dụng lực lượng đến 5 quân đoàn tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đó là nghệ thuật chỉ huy của Đại tướng, vừa chỉ huy quân đội vừa phải tạo ra quân đội.
Thứ hai, Tổng tư lệnh các nước trên thế giới, trước khi làm nhận trọng trách này, đã trải qua những học viện quân sự cấp cao, các trường quân sự chính quy. Còn Đại tướng của ta lúc được giao nhiệm vụ chỉ huy quân đội thì là một nhà giáo, một nhà báo… không trải qua trường lớp quân sự nào.
Khi nhận nhiệm vụ phụ trách quân sự của Đảng để thành lập quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm cha ông, tham khảo các tư liệu quân sự của nước ngoài của Napoléon… để từng bước nâng cao trình độ của mình ngang tầm với chức năng chỉ huy quân đội.
Người dân tiễn biệt Đại tướng. |
Đại tướng ra làm chỉ huy mà chưa biết quân sự, tự học quân sự. Đó là thiên tài bẩm sinh của Tướng Giáp. Tuy Đại tướng chỉ đi học Liên Xô trong 6 tháng nhưng học ít hiểu nhiều. Quan trọng nhất đối với Đại tướng là học tập qua thực tiễn chỉ đạo chiến tranh, học tập quần chúng trong chiến tranh để luyện thành tài năng chỉ huy của mình.
Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự mà còn là nhà chính trị, nhà khoa học, kinh tế…
Khi được giao nhiệm vụ chỉ đạo kinh tế, Đại tướng là người đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của kinh tế biển. Trong cuộc họp mặt ở Nha Trang, Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng nói rằng, nước ta là một nước có bờ chiều dài bờ biển hơn 3.000 km và có nhiều hải đảo. Chúng ta phải vươn ra biển để làm giàu cho Tổ quốc. Phải phát triển kinh tế biển và không chỉ có đánh bắt hải sản mà còn phải nuôi trồng hải sản không để cho tài nguyên cạn kiệt. Đó là tầm nhìn xa, trông rộng, tầm nhìn chiến lược của Đại tướng.
Riêng về quân sự, Đại tướng không chỉ chú trọng chỉ đạo chiến lược mà còn là nhà chỉ huy chiến dịch tài năng mà điển hình nhất là chiến dịch giải phóng Biên Giới 1950.
Đại tướng không bao giờ cho rằng, một cách đánh hay là một cách đánh thắng nhưng thương vong tổn thất nhiều. |
Lúc đầu, bộ phận chỉ huy chiến trường chủ trương đánh Cao Bằng. Sau khi thị sát, Đại tướng đến cách thị xã 1.000 m để quan sát và thấy rằng, đánh vào Cao Bằng thì địch 3 bề là núi bao bọc, 1 bề bộ đội có thể tiến vào được là sông Bằng Giang. Tuy nhiên ta chưa có kinh nghiệm qua sông để đánh địch. Thế nên, Đại tướng chủ trương không đánh Cao Bằng, chuyển hướng sang đánh Đông Khê, cách Cao Bằng 50 km. Đánh Đông Khê để buộc địch ở Cao Bằng rút chạy vì lo sợ bị cô lập.
Thứ tư, Đại tướng không chỉ có tài mà còn có đức. Đại tướng thương chiến sĩ và coi chiến sĩ như người thân của mình. Đại tướng luôn quan tâm đến thương vong của anh em chiến sĩ. Đại tướng luôn tâm niệm, phải làm thế nào tiêu diệt được địch nhưng phải giảm được thương vong thấp nhất.
Mỗi khi bộ đội thương vong nhiều, Đại tướng đều rơi nước mắt. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi ta chưa tiêu diệt hoàn toàn đồi A1 và C1, bộ đội thương vong nhiều, Đại tướng triệu tập hội nghị từ cán bộ trung đoàn trở lên và nói tâm tình như thế này: "Đảng giao cho các đồng chí 1 tiểu đoàn có nghĩa là phó thác sinh mệnh của gần 500 con người cho các đồng chí, Đảng giao cho các đồng chí 1 trung đoàn, có nghĩa là các đồng chí quyết định chuyện sống chết của gần 3.000 con người, Đảng giao cho các đồng chí 1 đại đoàn là 1 vạn người con ưu tú của Đảng. Cho nên các đồng chí phải biết tiếc thương từng giọi máu của đồng chí, đồng đội. Các đồng chí thấy thương vong nhiều thì các đồng chí phải biết xót xa".
Thứ năm, hiếm có một nhà lãnh đạo nào mà sau khi về hưu, không còn quyền lực mà vẫn nhận được sự ngưỡng mộ của toàn dân. Hàng năm cứ đến ngày sinh nhật, ngày lễ… hàng trăm đoàn lần lượt đến nhà Đại tướng để chúc phúc.