Sau khi nghe tin Tướng Giáp qua đời, ông Tim Page, phóng viên ảnh chiến trường tại Việt Nam hồi đầu thập niên 60, lập tức thu xếp công việc để sang Việt Nam viếng và đưa tin về lễ quốc tang của một con người đi vào huyền thoại mà ông từng có dịp tiếp xúc và hết sức ngưỡng mộ.
"Đây thực sự là ngày buồn cho đất nước và con người Việt Nam", ông Tim Page xúc động nói.
Phóng viên chiến trường Tim Page cảm kích trước tấm lòng của nhân dân Việt Nam với Tướng Giáp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vì vậy, ông rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người dân đặc biệt là các bạn trẻ nườm nượp đổ về nhà tang lễ với nước mắt lưng tròng, mong đợi được vào viếng Tướng Giáp. "Không phải quốc gia nào cũng có được điều đáng quý này. Điều đó chứng tỏ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một anh hùng cách mạng thực sự", ông Tim Page cảm kích chia sẻ.
Nhà báo nổi tiếng còn nhớ như in lần được chụp ảnh Tướng Giáp hồi năm 1985. "Đại tướng hẹn tôi vào một sáng thứ 7 tại nhà riêng (30 Hoàng Diệu). Khi tôi chưa kịp chụp hình thì đã bị vấp ngã và vỡ đèn flash. Thấy cảnh tượng đó, Đại tướng cười lớn như để tạo không khí vui vẻ, giúp xóa tan cảm giác ngượng ngùng", phóng viên chiến trường nổi tiếng nhớ lại.
Tim Page từng chụp ảnh chiến trường tại Việt Nam trong 4 năm. Ông đã bị bắn 5 lần. Ký ức đáng sợ nhất đối với ông xảy ra vào năm 1975, khi ông leo lên một chiếc trực thăng để tới trận địa. Khi máy bay hạ cánh, ông cũng giúp lính quân y đưa thương binh lên trực thăng. Nhưng khi ông vừa đi vài bước, một tiếng nổ vang lên và sau đó ông bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trong bệnh viện tại Mỹ với một miếng plastic to trên đầu. Các bạn sĩ nói một mảnh mìn đã chém một mảng hộp sọ của ông. Và họ phải ốp một miếng plastic lên vùng bị tổn thương. Page đã điều trị khoảng một năm trong bệnh viện. Sau khi xuất viện, Page tiếp tục công việc phóng viên ảnh.
10 năm sau, ông quay trở lại Việt Nam để viết một cuốn sách mang tên “Hoài niệm”. Ông đã tham quan rất nhiều danh thắng ở Hà Nội và gặp nhiều người. Sau đó ông gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Tim Page thành lập Indochina Media Memorial Foundation (IMMF), một tổ chức từ thiện tưởng nhớ tất cả các nhà báo đã tử thương hoặc mất tích ở chiến trường Đông Dương trong thời gian từ 1945 đến 1975, thông qua các dự án đóng góp cụ thể cho các địa phương.
Tim Page sẽ theo đoàn rước linh cữu Đại tướng về Quảng Bình vì thời gian của ông còn khá nhiều. Sau đó ông sẽ trở lại Hà Nội để gặp một vài người bạn cũ. Ông đã lên kế hoạch trả lời phỏng vấn của đài ABC News (Australia).
“Cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra trong khoảng hơn một phút. Có lẽ trong cuộc phỏng vấn đó người ta sẽ hỏi tôi về Tướng Giáp và tình cảm của người dân Việt Nam dành cho vị anh hùng dân tộc trong những ngày qua”, ông nói.