Sáng 28/1 (mùng 7 tháng Giêng), hàng nghìn người có mặt tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), để tham dự lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng 2023. Lễ hội được tổ chức hàng năm, rước di ảnh và các báu vật, sắc phong vua Hàm Nghi từng ban tặng để cầu cho người dân an khang thịnh vượng trong năm mới. |
Người dân địa phương cho biết lễ hội có hàng trăm năm qua. Theo sử sách, năm 1885, vua Hàm Nghi tiến quân ra xã Phú Gia (huyện Hương Khê) huy động người dân đắp lũy, xây thành Sơn Phòng để chiêu binh, tuyển tướng. Tại đây, nhà vua nhiều lần ban tặng cho người dân địa phương. Trải qua biến cố của lịch sử, các báu vật của vua ban luôn được người dân ở xã Phú Gia giữ gìn và truyền từ đời này qua đời khác. |
Theo tục lệ, báu vật vua ban sẽ được giao cho cố đạo chủ - người được dân làng tín nhiệm và chuyển giao qua các năm để bảo vệ, lưu giữ. Đoàn rước gồm 36 thanh niên trai tráng chưa vợ, được lựa chọn làm người khiêng 3 kiệu chứa báu vật. |
"Báu vật vua ban có 2 con voi bằng vàng, 40 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần, cờ lộng, 2 thanh kiếm, một con nghê đồng, một tấm áo bào, 20 chiếc quạt... Để đảm bảo lưu giữ, bảo vệ cẩn thận, hàng năm địa phương chọn ra người canh giữ để tiếp nối, chuyển giao", ông Trần Văn Nhung (99 tuổi, trú xã Phú Gia) chia sẻ. |
Năm nay, đoàn rước khởi hành từ nhà cố đạo là ông Trần Văn Nhung (thôn Hòa Nhượng) đến nhà cố đạo chủ mới là ông Phan Hùng Vỹ (thôn Phú Hồ, xã Phú Gia). Suốt hành trình có công an địa phương đảm bảo an ninh trật tự. |
Đoàn rước đi qua các đền Công Đồng, khu di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi, đền Trầm Lâm để làm lễ dâng hương. |
"Dọc hành trình rước lễ vật, vợ cố đạo chủ mới phải luôn bưng tráp đựng báu vật vua ban như voi vàng, nghê đồng... đi dưới kiệu rước. Gia đình rất tự hào khi được lựa chọn để tiếp tục bảo vệ báu vật", bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, vợ cố đạo chủ Phan Hùng Vỹ) nói. |
Đoàn rước đi đến đâu, người dân địa phương đều hân hoan vẫy chào. Người dân quan niệm việc rước lễ vật đầu năm mới sẽ giúp mưa thuận gió hòa, mang lại bình an, tài lộc. |
Người dân còn chuẩn bị hương hoa, bánh kẹo, rượu trà dọc đường để đoàn rước dùng lúc dừng chân nghỉ. |
Ông Phan Hùng Vỹ (75 tuổi, trú thôn Phú Hồ, xã Phú Gia) nói đây là lần đầu tiên được chọn là cố đạo chủ, canh giữ báu vật vua ban. "Đây là niềm vinh dự lớn của gia đình và bản thân khi là người canh giữ báu vật tiếp theo. Mong cho một năm mưa thuận gió hòa, người dân an lành, hạnh phúc", ông nói. |
Báu vật khi rước về nhà cố đạo chủ mới sẽ được kiểm tra, cất giữ vào tủ, két sắt. Khóa của các tủ lưu giữ báu vật sẽ được giao cho người canh giữ và chính quyền địa phương. |
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, nói Khu di tích lịch sử thành Sơn Phòng - Hàm Nghi, đền Công Đồng, đền Trầm Lâm là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Mỗi năm, lễ hội lại được tổ chức nhằm lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa. Trong ảnh, hàng nghìn người dân địa phương và du khách khắp nơi đổ về để tham dự lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng. |
Vua Hàm Nghi húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch (1872-1943), vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13.
Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài, sau đó tới Hà Tĩnh phát hịch Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước chống Pháp. Đến năm 1888 ông bị bắt, đem đi an trí ở Algeria và qua đời tại đây năm 1943.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học