CNN cho hay khẳng định nói trên được đưa ra trong báo cáo của Quỹ Thiên nhiên hoang dã quốc tế (WWF) công bố hôm 27/10.
Theo WWF, từ năm 1970 đến nay, số lượng các loài cá, động vật có vú, chim và bò sát đã giảm trung bình khoảng 58% trên toàn cầu, tức khoảng 2% mỗi năm. Nếu xu hướng này tiếp diễn, trái đất sẽ có thể mất đến 67% số lượng động vật, đặc biệt là các loài có xương sống, vào cuối thập niên này.
"Đây dứt khoát là tác động của con người. Chúng ta đang đứng bên bờ vực của cuộc đại tuyệt chủng lần 6", nhà khoa học Martin Taylor của WWF nói.
Voi bị giết để lấy ngà ở Kenya. Ảnh: Shutterstock. |
Báo cáo cho biết các hoạt động của con người như phá hủy môi trường sống của sinh vật, buôn bán động thực vật hoang dã, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra sự suy giảm nói trên.
Tiến sĩ Mike Barrett, trưởng bộ phận khoa học và chính sách của WWF nói: "Nếu chúng ta vẫn cứ 'làm ăn như bình thường', số lượng động vật hoang dã sẽ tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên tôi nghĩ chúng ta đã có được lý do để điều đó phải chấm dứt".
Trong các loài động vật được đề cập, voi là quần thể đáng lo nhất khi số lượng đã giảm 20% trong 10 năm qua. Ngoài ra, cá mập và cá đuối cũng suy giảm 1/3 số lượng do đánh bắt quá mức.
"Chúng ta chỉ có một hành tinh. Nếu chúng ta hủy hoại nó, chúng ta sẽ bị hủy diệt", ông Taylor khẳng định. Ông nói các chính phủ phải có những hành động khẩn cấp trong việc cắt giảm xả thải cũng như chấm dứt các hành vi hủy hoại thiên nhiên.
"Có rất nhiều việc con người có thể làm dù họ không giàu có hay sống ở những nước giàu. Chẳng hạn như dùng năng lượng tái tạo, các sản phẩm được chứng nhận thân thiện với môi trường, thậm chí kêu gọi quốc hội sửa đổi luật về môi trường", Taylor gợi ý.
Báo cáo của WWF dựa trên dữ liệu về xu hướng biến động của 3.706 loài động vật có xương sống với hơn 14.000 cá thể trên phạm vi toàn cầu trong suốt 40 năm.