WHO hôm nay cho biết 92% dân số thế giới sống ở những khu vực có chất lượng không khí vượt quá mức giới hạn do tổ chức này đưa ra.
Báo cáo của WHO được tổng hợp từ dữ liệu của 3.000 trang web trên toàn thế giới. Các dữ liệu tập trung vào hạt vật chất gây ô nhiễm với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, hay còn gọi là bụi PM2.5. Loại hạt này có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ thống tim mạch.
Con số nói trên khiến cho "tất cả chúng ta phải lo lắng", AFP dẫn lời bà Maria Neira, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng và môi trường của WHO, cho biết.
Trẻ em Trung Quốc đeo khẩu trang qua đường trong bầu không khí ô nhiễm. Ảnh: AFP. |
Bên cạnh đó, báo cáo cũng công bố con số 6 triệu ca tử vong mỗi năm, liên quan đến việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm không khí trong nhà tập trung ở các nước đang phát triển, nơi những người dân đốt than củi để phục vụ việc nấu ăn.
Hầu hết các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, WHO cho biết. Khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam là những nơi có mức độ ô nhiễm nặng nề nhất.
Theo các chuyên gia của WHO, vấn đề ô nhiễm tập trung ở các đô thị trong khi trên thực tế, không khí ở khu vực nông thôn lại tồi tệ hơn chúng ta nghĩ.
Trước thực trạng trên, bà Neira thúc giục các chính phủ cắt giảm lưu lượng giao thông, cải thiện việc quản lý chất thải và thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch.
Carlos Dora, điều phối viên phụ trách y tế và môi trường công cộng của WHO cho biết tổ chức này không đưa ra kết luận nào về mức độ hiệu quả của loại vật dụng dùng để che chắn trên mặt trong việc đối phó với không khí ô nhiễm.